Chúa Nhật XI TN A 2023: Tông đồ của Chúa Giêsu
Chúa Nhật XI TN A 2023
Tông đồ của Chúa Giêsu
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Sau khi chúng ta cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu với hàng loạt lễ trọng: như lễ Phục Sinh, lễ Thăng Thiên, lễ Chúa Thánh Thần, lễ Chúa Ba Ngôi, lễ Mình Máu Chúa Kitô, lễ Thánh Tâm, Giáo Hội dẫn chúng ta trở về đời sống thường ngày của người tín hữu và nhắc nhở mỗi người là tông đồ của Chúa Giêsu, để cùng Người cứu độ thế giới. Nhưng tông đồ là ai và thực hiện việc cứu độ đó như thế nào?
1. Người tông đồ là ai?
Tông đồ, theo nghĩa chữ là “người được sai đi”. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. “Nói rồi, Người gọi mười hai môn đệ lại, đặt các ông làm tông đồ”. Bài Tin Mừng hôm nay kể tên các tông đồ đó. Tuy nhiên, nếu mỗi người chúng ta muốn mình không chỉ là một môn đệ bình thường, mà là tông đồ, thì Chúa Giêsu cũng sẵn sàng đưa ta vào danh sách tông đồ để sai chúng ta đi.
Nhưng đi đâu và để làm gì? Thưa, đi khắp tứ phương thiên hạ để loan báo Tin Mừng cho muôn loài thọ tạo (x. Mc 16,15) để “làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần… dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (x. Mt 28,19). Và như ĐCT Phanxicô hiểu và nói với chúng ta thời nay rằng: Chúng ta hãy ra đi, đến với những anh em ở vùng ven, đến với những con người bị gạt ra ngoài lề xã hội, đến với người nghèo đói, bệnh tật, khổ đau, bị ma quỷ và tội lỗi kiềm chế để cứu độ họ bằng quyền năng của Chúa Giêsu và bằng ân sủng của Chúa Thánh Thần.
Giống như Chúa Giêsu, người tông đồ khi nhìn vào xã hội đương thời, phải nhận ra những con người khốn khổ đó thì mới “chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36). Trong một xã hội đô thị hoá hiện nay, tầm nhìn của chúng ta thường bị những bức tường vật chất che chắn nên không thể nhận ra những con người đó. Nhất là trong một xã hội hưởng thụ, tâm hồn chúng ta thường bị chai cứng đến độ không còn rung động trước những người khốn khổ, tật bệnh, bần cùng vì chúng ta nghĩ rằng họ có quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nên không ai bị đói khát, không ai bị bỏ lại phía sau!
Nhiều tín hữu giáo dân quên mất bản chất của Giáo Hội là truyền đạo, là được sai đi để đem ơn cứu độ cho muôn loài thọ tạo. Họ bằng lòng với một số việc đạo đức, bác ái và phó mặc việc truyền đạo cho các linh mục, cho các tu sĩ thuộc các dòng thừa sai, truyền giáo.
Vì thế, hôm nay Chúa Giêsu và Giáo Hội mời gọi chúng ta ý thức mình là tông đồ của Chúa Giêsu và được sai đi để cùng Người cứu độ thế giới.
2. Thực hiện việc cứu độ như thế nào?
Chúng ta thực hiện việc tông đồ bằng nhiều cách khác nhau như Chúa Giêsu dạy trong bài Tin Mừng hôm nay.
– Trước hết, bằng lời cầu nguyện: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” như chúng ta đã quen làm: lần hạt, chầu Thánh Thể, dự thánh lễ…
– Thứ hai, bằng việc loan báo Tin Mừng cứu độ. Người nói: “dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần”. Nước đó là nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công bằng, tình yêu và hoà bình. Đó là những giá trị ta cần loan báo trên đường đời của mình không phải chỉ bằng lời nói, nhưng bằng những hành động cụ thể trong đời sống hằng ngày. Tin Mừng này là chính Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời sống động của Chúa Cha.
– Thứ ba, là “chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong hủi được sạch” bằng quyền năng của chính Chúa Giêsu. Nhiều người tín hữu nghĩ rằng những công việc này không phải là của mình vì thời nay có cả một nền y học hiện đại, với hàng trăm ngàn bác sĩ, y tá trong các bệnh viện với đủ loại thuốc cho các bệnh tật khác nhau. Chữa bệnh cho họ theo kiểu Chúa Giêsu là hành nghề bất hợp pháp, là đá lộn sân chơi và có thể bị truy tố nếu để xảy ra những tai nạn nghề nghiệp. Chúng ta quên mất việc chữa lành này là để làm chứng cho Tin Mừng yêu thương cứu độ của Thiên Chúa như thánh Marcô kết thúc Tin Mừng: “Có Chúa cùng hoạt động với các tông đồ và củng cố lời rao giảng của các ông bằng những phép lạ kèm theo” (Mc 16,20).
– Thứ tư, là khử trừ ma quỷ, vì “Chúa Giêsu ban cho các tông đồ quyền trên các thần ô uế để các ông trừ chúng”. Nhiều tín hữu ngày nay, thậm chí các linh mục, tu sĩ, không tin có ma quỷ đang tác động, gây hại cho con người dù giáo lý Hội Thánh Công giáo nhắc nhở ta rất nhiều lần về hiện trạng này.
Chúa Giêsu không muốn biến ta thành những thầy pháp, thầy phù thuỷ, thầy mo hay những chức sắc tôn giáo lợi dụng lòng mê tín, liên kết với tà ma, quỷ dữ trục lợi trên con người. Người chỉ muốn chúng ta cùng Người giải thoát anh chị em mình khỏi mọi sự kiềm chế của ma quỷ ngay giữa thời đại khoa học kỹ thuật này. Đó là vì tinh thần của con người không bị lệ thuộc vào vật chất, luôn mở ra tới vô biên, nên quỷ dữ tà ma là loài tinh thần có thể xâm nhập vào con người khi họ chiều theo những cám dỗ vật chất, chiều theo những tham vọng và dục vọng. Hàng triệu những hồn thơ vất vưởng do các bà mẹ phá thai đang buồn khổ, oán hận vì chính những người thân giết hại mình. Hàng trăm ngàn phôi thai trong các ngân hàng phôi do người ta muốn thụ tinh trong ống nghiệm để lại, đang được nuôi như những con chuột bạch và bị giết hại khi người ta không còn cần đến chúng. Hàng triệu hồn thơ vất vưởng vì nạn phá thai, uống thuốc ngừa thai khẩn cấp. Các hồn thơ ấy đau khổ, oán hận vì chưa giải hoà với người thân nên không thể siêu thoát. Những người đó đang bị ma quỷ kiềm chế rất cần các tông đồ là chúng ta giúp đỡ họ.
Đó là vài việc chúng ta có thể làm trong trách nhiệm tông đồ của mình.
Lời kết
Cầu chúc anh chị em là những tông đồ thật sự của Chúa Giêsu cho thời đại hôm nay. Amen.
HKK