23/12/2024

Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến Hội nghị “Đại dương của chúng ta” ở Panama

Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến Hội nghị “Đại dương của chúng ta” ở Panama

Trong sứ điệp được ký bởi Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh gửi đến Hội nghị “Đại dương của chúng ta”, diễn ra trong những ngày vừa qua ở Panama, Đức Thánh Cha nhấn mạnh mối liên hệ sâu sắc giữa nhân loại và đại dương, đồng thời kêu gọi bảo vệ đại dương và quan tâm lẫn nhau.

Đại dương

Sứ điệp mở đầu với những lời khẳng định: “Tất cả chúng ta đều phụ thuộc đại dương, ngay cả khi chúng ta không xứng đáng. Chúng ta không tạo ra đại dương, nhưng đại dương là một ân ban của Đấng Tạo Hoá. Biển cả là ‘tài sản chung’ của nhân loại và chúng ta được yêu cầu sử dụng đại dương một cách công bằng và bền vững, đồng thời chuyển giao chúng cho các thế hệ tương lai trong tình trạng tốt.”

Từ thực trạng của đại dương như bị ô nhiễm, đánh bắt cá bừa bãi, cùng những điều không tốt liên quan đến đại dương, Đức Thánh Cha nhận xét rằng đại dương không có biên giới chính trị hay văn hoá. Dòng chảy của nó bao quanh hành tinh, cho thấy sự liên kết và phụ thuộc lẫn nhau giữa các cộng đồng và quốc gia. Nhiều truyền thống tôn giáo và khôn ngoan xưa, đã nói đến mối liên hệ sâu sắc giữa nhân loại và đại dương. Chúng ta là một gia đình, chúng ta chia sẻ nhân phẩm không thể tách rời, chúng ta sống trong một ngôi nhà chung mà chúng ta được kêu gọi cùng chăm sóc.

Chính vì tính chất kết nối này, Đức Thánh Cha đưa ra ba đề xuất:

1. Lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và tiếng kêu của Trái đất. Cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc và khẩn trương các chiến lược tăng trưởng, nhằm giảm bớt món nợ sinh thái đang tàn phá các lục địa, các cuộc di cư hỗn loạn và phá huỷ đại dương.

2. Bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái biển và sông ngòi. Điều này sẽ củng cố cả cách tiếp cận có trách nhiệm cũng như giáo dục sinh thái và văn hoá cần thiết cho bất kỳ dấn thân nào đối với việc bảo tồn và sử dụng đại dương cách hợp lý, góp phần vào sự thành công của một cơ chế bảo vệ đa dạng sinh học trong tương lai ở những khu vực nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia.

3. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý hiệu quả đại dương. Cần phải có sự tham gia của mọi người trong sự bổ trợ, có khả năng tích hợp các ý kiến, kiến thức. Có sự minh bạch trong việc ra quyết định và theo dõi quá trình áp dụng nó nhằm hướng tới lợi ích chung của toàn thể gia đình nhân loại, bảo vệ đại dương.

Sứ điệp kết luận: “Nếu chúng ta làm việc theo hướng này, chúng ta sẽ luôn có hy vọng.” (CSR_960_2023)

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-03/dtc-su-diep-hoi-nghi-dai-duong-chung-ta.html