‘Tuyệt chiêu’ tái chế tóc ở Bỉ: Gom tóc làm màng lọc dầu, túi sinh học
‘Tuyệt chiêu’ tái chế tóc ở Bỉ: Gom tóc làm màng lọc dầu, túi sinh học
Những người thợ làm tóc trên khắp nước Bỉ đã tìm ra được cách tái chế tóc của khách hàng bất kể độ dài ngắn ra sao: gửi chúng cho một tổ chức phi chính phủ để làm màng lọc dầu hoặc túi tổng hợp sinh học.
Dự án có tên “Tái chế tóc” do ông Patrick Janssen đồng sáng lập đang thu nhận tất cả loại tóc trên khắp nước Bỉ. Số tóc này sau đó được cho vào một máy ép, ép thành những miếng mỏng hình vuông có thể dùng để lọc dầu và các hydrocarbon khác gây ô nhiễm môi trường hoặc làm thành túi tổng hợp sinh học.
Janssen giải thích 1kg tóc có thể hấp thụ 7 – 8 lít dầu và hydrocarbon. Nhờ vậy những màng lọc này có thể được đặt trong cống để hấp thụ ô nhiễm trong nước trước khi nó tới một con sông.
Trang web của dự án đã nêu bật những ưu điểm của tóc mà nhiều người ít ngờ tới. Chẳng hạn một sợi tóc có thể nâng đỡ trọng lượng gấp 10 triệu lần trọng lượng chính nó, có thể hấp thụ chất béo và hydrocarbon, có độ đàn hồi cao nhờ các sợi keratin.
Chị Isabelle Voulkidis, quản lý của tiệm tóc Helyode ở Brussels, là một trong số hàng chục thợ làm tóc trên khắp nước Bỉ đang trả một khoản phí nhỏ cho dự án tái chế tóc để thu gom số tóc đã cắt.
“Điều thúc đẩy tôi làm việc này là vì tôi thấy thật đáng xấu hổ khi vứt một lọn tóc vào sọt rác dù biết rằng nó có thể làm được nhiều thứ khác”, chị Voulkidis nói trong khi chải và cắt tóc cho một khách hàng của mình.
Trước dự án ở Bỉ, đã có nhiều dự án khác thu gom tóc cho mục đích bảo vệ môi trường sau khi người ta tình cờ phát hiện tóc có thể hấp thụ dầu, kể cả dầu loang trên biển.
Tại Anh, hồi năm 2021, đã có một dự án gom tóc từ các tiệm cắt tóc cho mục đích lọc dầu loang. Những tiệm tham gia sẽ phải trả một khoản phí cho việc thu gom nhưng bù lại được ghi nhận là “tiệm tóc xanh” hay “tiệm tóc bền vững”.