ĐTC tiếp thành viên của Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam

ĐTC tiếp thành viên của Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam

Vatican. Sáng 26/11, trong buổi tiếp khoảng 150 thành viên của Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam, Đức Thánh Cha đưa ra hai suy tư và mời gọi cácdòng tu cộng tác: xây dựng hoà bình và hiệp hành.

2022.11.26 Partecipanti all'Assemblea dell'Unione Superiori Generali (U.S.G.)

Về chủ đề hoà bình, Đức Thánh Cha mời gọi các tu sĩ trở thành những người kiến tạo hoà bình. Đây là lời mời gọi cấp thiết: “hãy trở thành những người kiến ​​tạo hoà bình, loại hoà bình Chúa đã ban và làm cho tất cả chúng ta trở thành anh chị em của nhau”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự khác nhau giữa hoà bình Chúa Giêsu ban và hoà bình của thế gian. Khi nghe đến “hoà bình”, người ta thường nghĩ đến tình trạng không chiến tranh hoặc kết thúc chiến tranh, yên bình và hạnh phúc. Tuy nhiên, hoà bình của Chúa Giêsu ban, trước hết là hồng ân của Người, là hoa trái của bác ái. Hoà bình ấy không bao giờ là sự chinh phục của con người; nhưng là tổng thể hài hoà của các mối tương quan với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác và với thụ tạo. Hoà bình còn là kinh nghiệm về lòng thương xót, tha thứ và nhân từ của Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta có thể thực thi lòng thương xót, tha thứ, từ chối mọi hình thức bạo lực và áp bức. Đây là lý do tại sao hoà bình của Thiên Chúa như một món quà không thể tách rời khỏi việc trở thành những người xây dựng và chứng nhân cho hoà bình.

Như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta, Chúa Giêsu đã phá đổ bức tường ngăn cách là thù ghét giữa con người với nhau, giao hoà họ với Thiên Chúa (x. Ep 2,14-16). Sự hoà giải này xác định những cách thức trở thành “những người kiến ​​tạo hoà bình” (Mt 5,9). Do đó, hoà bình không chỉ đơn giản là không có chiến tranh hay thậm chí là sự cân bằng giữa các lực lượng đối lập. Nhưng đúng hơn, nó dựa trên việc nhìn nhận phẩm giá của con người và đòi hỏi một trật tự, mà nơi đó công lý, lòng thương xót và sự thật đồng thời không thể tách rời (x. Fratelli tutti, 227).

Do đó, “kiến tạo hoà bình” là một công việc được thực hiện với niềm say mê, sự kiên nhẫn, kinh nghiệm, sự bền bỉ, bởi vì đó là một quá trình kéo dài. Hoà bình không phải là một sản phẩm công nghiệp mà là một tác phẩm thủ công. Nó không được tạo ra một cách máy móc mà cần có sự lao tác khôn ngoan của con người. Nó không được xây dựng hàng loạt mà đòi hỏi sự cần mẫn của con người. Vì lý do này, các tiến trình hoà bình không thể được ủy thác cho các nhà ngoại giao hoặc quân đội: hoà bình là trách nhiệm của mỗi người và tất cả mọi người.

Điều thứ hai Đức Thánh Cha đề cập đến là tính hiệp hành. Ngài mời gọi các tu sĩ tham gia với tư cách là thành viên của dân thánh Thiên Chúa. Đức Thánh Cha cảm ơn các tu sĩ đã đóng góp tiếng nói trong hành trình hiệp hành ở nhiều cấp độ khác nhau tại Giáo hội địa phương. Tuy nhiên, ngài nhắc rằng biết và đặt ra cơ cấu hiệp hành là chưa đủ. Cần phải “xem xét lại” và tự hỏi việc chuẩn bị và áp dụng nó như thế nào?

Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha lưu ý việc thực thi quyền bính, cần phải xem xét lại và sửa đổi, cảnh giác trước nguy cơ độc đoán, đôi khi chuyên quyền, với những lạm dụng lương tâm hoặc thiêng liêng, vốn cũng là mảnh đất cho lạm dụng tình dục, bởi vì con người và các quyền của họ không còn được tôn trọng. Đức Thánh Cha khuyến khích những người tận hiến, với chứng tá của họ, có thể đóng góp nhiều cho Giáo hội trong tiến trình hiệp hành ngang qua việc đi cùng nhau, lắng nghe nhau, đánh giá cao những món quà đa dạng và trở thành cộng đoàn chào đón. (CSR_5050_2022)

Văn Yên, SJ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-11/dtc-tiep-thanh-vien-cua-lien-hiep-be-tren-tong-quyen.html