Tiếp kiến chung (23/11): Tìm Chúa vì chính Người chứ không vì lợi lộc
Tiếp kiến chung (23/11): Tìm Chúa vì chính Người chứ không vì lợi lộc
Theo Đức Thánh Cha, sự an ủi thiêng liêng là kinh nghiệm về niềm vui nội tâm, điều giúp chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa ngay cả trong đau khổ; nó củng cố đức tin và hy vọng của chúng ta và giúp chúng ta bình an trước thử thách.
Các thánh đã vượt qua được những thử thách, thực hiện những điều vĩ đại, không phải vì họ giỏi giang nhưng vì họ có được sự bình an của Thiên Chúa. Sự an ủi thực sự khiến chúng ta hy vọng, hướng tới tương lai và cảm thấy thân thuộc với Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha cũng cảnh giác về sự an ủi giả tạo, điều có vẻ ồn ào, hấp dẫn nhưng chóng qua, không bền vững, và sau đó để lại trong chúng ta sự trống vắng, xa rời Thiên Chúa khi tìm kiếm sự an ủi, chứ không phải Thiên Chúa, là cùng đích của mình.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúng ta hãy tiếp tục các bài giáo lý về sự phân định thiêng liêng: cách phân định về điều xảy ra trong tâm hồn chúng ta. Và sau khi đã xem xét một số khía cạnh của sự sầu khổ thiêng liêng – tình trạng u tối của tâm hồn – hôm nay chúng ta nói về sự an ủi, ánh sáng của linh hồn, một yếu tố quan trọng khác đối với việc phân định, và để tránh xem nó như là điều hiển nhiên, bởi vì nó có thể gây hiểu lầm. Chúng ta phải hiểu sự an ủi là gì, cách thế chúng ta đã hiểu đúng an ủi là gì.
Sự an ủi thiêng liêng là gì?
Đức Thánh Cha giải thích: Đó là một kinh nghiệm về niềm vui nội tâm, điều giúp cho chúng ta nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi sự; nó củng cố đức tin và niềm hy vọng, cũng như khả năng làm điều thiện. Người được an ủi không bỏ cuộc trước khó khăn, bởi vì người ấy cảm nghiệm được một sự bình an mạnh hơn thử thách. Do đó, nó là một món quà tuyệt vời cho đời sống thiêng liêng và cho toàn bộ cuộc sống.
Sự an ủi là một chuyển động sâu kín chạm đến tận đáy lòng chúng ta. Nó không hào nhoáng nhưng mềm mại, tinh tế, như một giọt nước chạm vào miếng bọt biển (xem Thánh Inhaxiô Loyola, Linh Thao, 335): con người cảm thấy được bao bọc trong sự hiện diện của Thiên Chúa, theo cách thế luôn tôn trọng tự do của chính họ. Sự an ủi không bao giờ là một điều gì đó lạc điệu, cố gắng ép buộc ý chí của chúng ta, nó không phải là một sự hưng phấn thoáng qua: ngược lại, như chúng ta đã thấy, ngay cả nỗi đau – ví dụ vì tội lỗi của chính mình – có thể trở thành một lý do để an ủi.
Đức Thánh Cha mời gọi: Chúng ta hãy nghĩ đến kinh nghiệm của Thánh Augustinô khi ngài nói với mẹ ngài là Thánh Mônica về vẻ đẹp của sự sống vĩnh cửu; hoặc nghĩ về niềm vui trọn lành của Thánh Phanxicô – mặc dù gắn liền với những hoàn cảnh rất khó chịu đựng -; và chúng ta hãy nghĩ đến nhiều vị thánh nam nữ, những người đã có thể làm được những điều vĩ đại, không phải vì họ cho mình là giỏi và có khả năng, nhưng vì họ được chinh phục bởi sự ngọt ngào bình an của tình yêu Thiên Chúa. Đó là sự bình an mà Thánh Inhaxiô đã kinh ngạc nhận ra khi đọc về cuộc đời của các thánh. Được an ủi là được sống trong bình an với Thiên Chúa, cảm thấy mọi sự được giải quyết trong bình an, mọi sự hài hòa trong chúng ta. Đó là sự bình an mà Thánh Edith Stein cảm thấy sau khi trở lại Công giáo; một năm sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, ngài đã viết: “Khi tôi buông mình theo cảm giác này, từng chút một, một cuộc sống mới bắt đầu tràn ngập trong tôi và – không có bất kỳ căng thẳng nào trong ý chí của tôi – thúc đẩy tôi hướng tới những nhận thức mới. Dòng sinh lực này dường như bắt nguồn từ một hoạt động và từ một sức mạnh không phải của tôi và sức mạnh đó, không gây ra bất kỳ bạo lực nào đối với tôi, trở nên tích cực trong tôi” (Tâm lý và khoa học tâm linh, Città Nuova, 1996, 116). Bình an đích thực nghĩa là sự bình an làm những tình cảm tốt đẹp nảy mầm trong chúng ta.
Ơn an ủi liên quan trước hết đến niềm hy vọng, vươn tới tương lai, đưa chúng ta lên đường, cho phép chúng ta thực hiện những sáng kiến cho đến nay luôn bị trì hoãn, hoặc thậm chí không tưởng tượng ra, chẳng hạn như Bí tích Rửa Tội đối với Thánh Edith Stein.
Sự an ủi thúc đẩy làm điều tốt
Tiếp tục bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhận định: Niềm an ủi là một sự bình an nhưng không phải để ngồi đó tận hưởng nó… Nó mang lại cho bạn sự bình an và lôi kéo bạn đến với Chúa và đưa bạn lên đường để làm mọi việc, làm những điều tốt đẹp. Trong thời gian được an ủi, khi chúng ta được an ủi, chúng ta luôn cảm thấy muốn làm thật nhiều điều tốt. Ngược lại, khi có sự sầu khổ, chúng ta cảm thấy co cụm trong chính mình và không làm gì cả… Sự an ủi thúc đẩy bạn tiến lên, phục vụ người khác, phục vụ xã hội, con người… Sự an ủi thiêng liêng không thể bị “điều khiển” – bạn không thể nói bây giờ hãy có sự an ủi. Không, nó không thể bị điều khiển, không thể được lên chương trình theo ý muốn; nó là một quà tặng của Chúa Thánh Thần: nó giúp chúng ta có sự thân thuộc với Thiên Chúa, điều dường như xóa đi mọi khoảng cách. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, năm lên 14 tuổi, khi viếng thăm đền thờ Thánh Giá Giêrusalem ở Rôma, đã cố gắng chạm vào chiếc đinh được tôn kính ở đó, một trong những chiếc đinh được dùng để đóng đinh Chúa Giêsu vào Thánh Giá. Thánh nhân cảm thấy sự táo bạo của mình giống như một sự thúc đẩy của tình yêu và sự tự tin. Và sau đó ngài viết: “Tôi đã thực sự quá táo bạo. Nhưng Chúa nhìn thấy tận đáy lòng, Người biết rằng ý định của tôi là trong sáng […]. Tôi đã hành động với Người như một đứa trẻ tin rằng mọi thứ đều được cho phép và coi kho báu của Cha là của riêng mình” (Bản thảo tự truyện, 183). Ngài viết như thế. Nó tự phát: sự an ủi khiến bạn làm mọi thứ một cách tự nhiên, như thể chúng ta là những đứa trẻ. Trẻ em rất tự nhiên, và sự an ủi mang khiến bạn làm với sự dịu dàng, với sự bình an vô cùng. Một thiếu nữ 14 tuổi cho chúng ta một mô tả tuyệt vời về sự an ủi thiêng liêng: chúng ta nhận thấy một cảm giác dịu dàng đối với Thiên Chúa, điều khiến chúng ta mạnh dạn ước muốn tham gia vào sự sống của chính Người, làm những gì đẹp lòng Người, vì chúng ta cảm thấy quen thuộc với Người, chúng ta cảm thấy rằng nhà của Người là nhà của chúng ta, chúng ta cảm thấy được chào đón, được yêu thương, được phục hồi. Với niềm an ủi này, chúng ta không đầu hàng trước những khó khăn: thật ra, với sự táo bạo đó, Thánh Têrêsa đã xin phép Đức Giáo hoàng để vào dòng Cát Minh, mặc dù còn quá trẻ, và đã được chấp thuận.
Điều đó có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là sự an ủi làm cho chúng ta mạnh dạn: khi chúng ta ở trong thời kỳ tăm tối, sầu khổ, và chúng ta nghĩ: “Tôi không có khả năng làm điều này, không…” Sự sầu khổ khiến bạn xuống tinh thần. Tất cả đều u tối… “Không, tôi không thể làm được… Tôi sẽ không”. Ngược lại, trong những lúc được an ủi, cùng những điều tương tự, chúng ta sẽ nói: “Không, tôi tiếp tục, tôi làm đây”. “Nhưng bạn có chắc chắn không?” “Tôi cảm nhận được sức mạnh của Chúa và tôi tiến bước”. Và như thế, sự an ủi thúc đẩy bạn tiến lên và làm những việc mà trong lúc sầu khổ bạn sẽ không có thể làm, để thực hiện bước đầu tiên. Đó là vẻ đẹp của sự an ủi. Nhưng chúng ta hãy cẩn thận. Chúng ta phải phân biệt rõ ràng niềm an ủi đến từ Thiên Chúa với những niềm an ủi giả tạo.
Cảnh giác sự an ủi giả tạo
Đức Thánh Cha lưu ý: Trong đời sống thiêng liêng cũng xảy ra điều tương tự như trong việc sản xuất của con người: có những bản gốc và có những bản sao. Nếu sự an ủi đích thực giống như một giọt nước trên miếng bọt biển, mềm mại và gần gũi, thì sự bắt chước của nó ồn ào hơn và hào nhoáng hơn; chúng là những thứ chớp nhoáng, không bền vững, khiến người ta co cụm lại trong chính mình và không quan tâm đến người khác. Sự an ủi giả dối cuối cùng khiến chúng ta trống rỗng, xa rời trung tâm của sự sống của chúng ta. Vì vậy, khi cảm thấy hạnh phúc, bình an, chúng ta sẽ có khả năng làm bất cứ điều gì. Nhưng đừng nhầm lẫn sự an bình đó với một sự nhiệt tình thoáng qua, bởi vì sự nhiệt tình hôm nay có, rồi nó mất đi và không còn nữa.
Đây là lý do tại sao chúng ta phải phân định, ngay cả khi chúng ta cảm thấy được an ủi. Bởi vì sự an ủi giả tạo có thể trở thành mối nguy hiểm nếu chúng ta tìm kiếm nó như một mục đích, như thể bị ám ảnh và quên Chúa. Như Thánh Bernarđô đã nói, người ta tìm kiếm sự an ủi của Thiên Chúa và người ta không tìm kiếm Thiên Chúa của sự an ủi. Chúng ta phải tìm kiếm Chúa, và Chúa, với sự hiện diện của Người, an ủi chúng ta, giúp chúng ta tiến bước.
Đó là động lực của đứa trẻ mà chúng ta đã nói đến lần trước, đứa trẻ chỉ tìm kiếm cha mẹ để có mọi thứ từ họ chứ không phải vì chính họ: đó là tìm kiếm vì lợi lộc. Chúng ta cũng có nguy cơ sống mối liên hệ với Thiên Chúa theo cách trẻ con, tìm kiếm lợi lộc, biến Người thành một đồ vật để chúng ta sử dụng và tiêu thụ và đánh mất món quà đẹp nhất là chính Người. Chúng ta hãy tiến bước trong cuộc sống của chúng ta, giữa sự an ủi của Thiên Chúa và sự sầu khổ của của tội lỗi thế gian, nhưng biết cách phân biệt; và biết phân biệt đâu là niềm an ủi của Thiên Chúa, Đấng ban bình an cho bạn tận sâu thẳm tâm hồn, và đâu là sự nhiệt tình nhất thời, điều không phải là xấu, nhưng không phải là niềm an ủi của Chúa.
Hồng Thuỷ
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-11/tiep-kien-chung-tim-kiem-chua-vi-chinh-nguoi-khong-vi-loi-loc.html