23/12/2024

Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37

Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37

Nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37, sẽ được cử hành vào Chúa Nhật ngày 20/11/2022, Lễ Chúa Kitô Vua Vũ trụ, hôm 15/8/2022, Đức Thánh Cha đã ban hành Sứ điệp cho Ngày này. Chủ đề của Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37 là “Đức Maria trỗi dậy và vội vã lên đường” (Lc 1,39).
Papa JMJ Cracovia

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI LẦN THỨ 37 (2022-2023)
“Đức Maria trỗi dậy và vội vã lên đường” (Lc 1,39)

Các bạn trẻ thân mến!

Chủ đề của Đại hội Giới trẻ Thế giới ​​ở Panama là “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Sau sự kiện đó, chúng ta lại tiếp tục hành trình hướng tới một điểm đến mới – Lisbon 2023 – với con tim được hun nóng bởi lời của Thiên Chúa khẩn thiết mời gọi “hãy trỗi dậy”. Trong năm 2020, chúng ta đã suy niệm về lời của Chúa Giêsu: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy” (Lc 7,14). Năm ngoái, chúng ta cũng đã được truyền cảm hứng bởi hình ảnh của Thánh Phaolô Tông đồ, người mà Chúa Phục Sinh đã bảo: “Hãy trỗi dậy! Ta làm cho ngươi thành chứng nhân về những điều ngươi đã thấy” (xem Cv 26,16). Trong đoạn đường còn lại trước khi đến Lisbon, chúng ta sẽ cùng đi với Đức Trinh Nữ thành Nadarét, người mà ngay sau lời truyền tin, đã “trỗi dậy và vội vã lên đường” (Lc 1,39) để đi giúp người chị họ Êlisabeth. Động từ chung cho ba chủ đề là trỗi dậy. Nó là một từ – hãy nhớ kỹ – cũng nói với chúng ta về việc trỗi dậy từ sự mê ngủ của chúng ta, trỗi dậy với cuộc sống xung quanh chúng ta.

Trong những thời điểm khó khăn này, khi gia đình nhân loại của chúng ta, đã bị thử thách bởi đau thương của đại dịch, lại bị đau đớn bởi bi kịch của chiến tranh, Đức Maria chỉ cho tất cả chúng ta, và đặc biệt cho các con, những người trẻ như Mẹ, con đường của sự gần gũi và gặp gỡ. Cha hy vọng và tin chắc rằng trải nghiệm mà nhiều người trong số các con sẽ có được ở Lisbon vào tháng 8 năm tới sẽ là một khởi đầu mới cho các bạn trẻ các con và – với các con – cho toàn thể nhân loại.

Đức Maria trỗi dậy

Sau biến cố thiên thần truyền tin, Đức Maria có thể chú ý đến bản thân và đến những lo lắng và sợ hãi do hoàn cảnh mới của mình. Nhưng Mẹ hoàn toàn tin tưởng Thiên Chúa. Mẹ nghĩ đến bà Êlisabeth. Mẹ trỗi dậy và đi vào thế giới của sự sống và chuyển động. Mặc dù lời loan báo gây kinh ngạc của thiên thần đã gây ra một “cơn địa chấn” trong kế hoạch của Mẹ, cô gái trẻ Maria vẫn không bị tê liệt, bởi vì bên trong Mẹ có Chúa Giêsu, quyền năng của sự phục sinh. Trong lòng Mẹ đã cưu mang Chiên Con bị sát tế nhưng vẫn đang sống. Mẹ trỗi dậy và lên đường, bởi vì Mẹ chắc chắn rằng kế hoạch của Thiên Chúa là kế hoạch tốt nhất cho cuộc đời của Mẹ. Đức Maria trở thành đền thờ của Thiên Chúa, một hình ảnh của Giáo hội lữ hành, một Giáo hội đi ra và dấn thân phục vụ, một Giáo hội mang Tin Mừng cho tất cả mọi người!

Cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Kitô Phục sinh trong cuộc đời của chúng ta, gặp gỡ Người “đang sống”, là niềm vui thiêng liêng lớn nhất, là sự bùng nổ của ánh sáng khiến không ai có thể “đứng yên” được. Đức Maria lập tức lên đường và nôn nóng mang tin này đến cho những người khác, để làm chứng cho niềm vui của cuộc gặp gỡ này. Đây cũng là điều tạo nên sự vội vã của các môn đệ đầu tiên sau khi Chúa sống lại: “Vừa vội vã rời mồ vừa sợ hãi, mừng rỡ, các bà chạy ra loan báo cho các môn đệ của Người” (Mt 28, 8).

Trong các trình thuật về sự sống lại, chúng ta thường gặp hai từ: “tỉnh thức” và “trỗi dậy”. Với hai từ này, Chúa thúc đẩy chúng ta đi ra phía ánh sáng, để Người dẫn dắt chúng ta vượt qua ngưỡng cửa của tất cả những cánh cửa đã đóng chặt của chúng ta. “Hình ảnh này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Giáo hội. Cả chúng ta, như là môn đệ của Chúa và cộng đoàn Kitô hữu, được mời gọi mau chóng đứng dậy, đi vào mầu nhiệm Phục sinh, và để Chúa hướng dẫn chúng ta đi theo những con đường mà Người muốn chỉ cho chúng ta” (Bài giảng Lễ Trọng hai Thánh Phêrô và Phaolô, 29/6/2022).

Mẹ của Chúa là hình mẫu cho những người trẻ đang hành trình, những người không chịu đứng trước gương để chiêm ngắm bản thân hoặc để bị mắc kẹt trong “lưới”. Sự chú ý của Đức Maria luôn hướng ra bên ngoài. Mẹ là người phụ nữ của lễ Phục sinh, trong tình trạng luôn xuất hành, đi ra khỏi chính mình để hướng tới Đấng vĩ đại là Thiên Chúa và hướng tới những người khác, những anh chị em của Mẹ, đặc biệt là những người đang gặp khốn khó nhất, như người chị họ Êlisabeth của Mẹ.

… và vội vã lên đường

Thánh Ambrôsiô thành Milan, trong chú giải về Phúc Âm Thánh Luca, viết rằng Đức Maria vội vã đi về phía những ngọn đồi, “bởi vì Mẹ vui mừng trong lời hứa và tìm cách phục vụ người khác với lòng nhiệt thành phát sinh từ niềm vui của Mẹ. Được tràn đầy Chúa, Mẹ có thể đi đâu khác nếu không phải là hướng tới những đỉnh cao? Ân sủng của Chúa Thánh Thần không cho phép chậm trễ”. Như vậy, sự vội vàng của Đức Maria là một dấu chỉ của ước muốn phục vụ, rao truyền niềm vui của mình, không do dự đáp lại ân sủng của Chúa Thánh Thần.

Mẹ Maria được thúc đẩy bởi nhu cầu của người chị họ lớn tuổi của Mẹ. Mẹ không hề do dự, hay thờ ơ. Mẹ nghĩ về người khác nhiều hơn là về chính mình. Và điều này đã mang lại nhiệt huyết và định hướng cho cuộc đời Mẹ. Mỗi người trong số các con có thể hỏi: “Tôi phản ứng thế nào với những người gặp cảnh khốn khó mà tôi thấy xung quanh mình? Tôi có ngay lập tức nghĩ đến lý do nào đó để không phải can dự vào không? Hay tôi thể hiện sự quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ?” Chắc chắn là các con không thể giải quyết tất cả các vấn đề của thế giới. Tuy nhiên, các con có thể bắt đầu với những vấn đề của những người gần gũi nhất với các con, với nhu cầu của cộng đồng của các con. Có người đã từng nói với Mẹ Têrêsa: “Những gì Mẹ đang làm chỉ là một giọt nước biển”. Và Mẹ đã trả lời: “Nhưng nếu tôi không làm điều đó, đại dương đó sẽ ít đi một giọt nước.”

Khi đối mặt với những nhu cầu cụ thể và cấp bách, chúng ta cần nhanh chóng hành động. Có bao nhiêu người trên thế giới của chúng ta mong đợi một cuộc viếng thăm của người nào đó quan tâm đến họ! Biết bao nhiêu người già cả, bệnh tật, tù đày và tị nạn cần một cái nhìn cảm thông, một lời thăm hỏi của những người anh chị em, những người đã vượt qua những bức tường của sự thờ ơ!

Các bạn trẻ thân mến, kiểu “vội vàng” của các con là gì? Điều gì khiến các con cảm thấy cần phải đứng dậy và đi, để khỏi bị đứng yên một chỗ? Nhiều người – trước những thực tế như đại dịch, chiến tranh, di cư cưỡng bức, đói nghèo, bạo lực và thảm hoạ khí hậu – đang tự hỏi: Tại sao điều này lại xảy ra với tôi? Tại sao lại là tôi? Và tại sao bây giờ? Nhưng câu hỏi thực sự trong cuộc sống là: Tôi đang sống cho ai? (xem Christus Vivit, 286).

Sự vội vã của người phụ nữ trẻ thành Nazareth là sự vội vã của những người đã nhận được những món quà đặc biệt từ Chúa và cảm thấy buộc phải chia sẻ chúng, để cho ân sủng vô biên mà họ đã cảm nghiệm được tuôn đổ trên người khác. Đó là sự vội vã của những người có khả năng đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của họ. Đức Maria là một ví dụ về một người trẻ không lãng phí thời gian để tìm kiếm sự chú ý hoặc sự chấp thuận của người khác – điều này thường xảy ra khi chúng ta phụ thuộc vào “lượt thích” trên mạng xã hội. Mẹ lên đường tìm điều chân thật nhất trong tất cả những “sự kết nối”: điều đến từ sự gặp gỡ, chia sẻ, tình yêu và sự phục vụ.

Bắt đầu từ sự kiện Truyền Tin, khi Mẹ Maria trước hết lên đường đi thăm người chị họ của mình, Mẹ đã không ngừng bắc cầu thời gian và không gian để đến thăm các con của Mẹ đang cần sự giúp đỡ yêu thương của Mẹ. Cuộc hành trình của chính chúng ta, nếu được Thiên Chúa “cư ngụ”, có thể dẫn chúng ta đi thẳng vào tâm hồn của mỗi anh chị em của chúng ta. Chúng ta đã nghe biết bao nhiêu chứng từ của những người đã được Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và Mẹ của chúng ta “viếng thăm”! Ở bao nhiêu nơi xa xôi trên trái đất, trong mọi thời đại – qua những lần hiện ra và những ân sủng đặc biệt – Đức Maria đã đến thăm dân của Mẹ! Thực tế là không có nơi nào trên trái đất mà Mẹ không viếng thăm. Mẹ Thiên Chúa di chuyển giữa dân của Mẹ bằng sự chăm sóc dịu dàng và yêu thương; những lo lắng và rắc rối của họ trở thành của Mẹ. Và bất cứ nơi nào có đền thánh, nhà thờ hoặc nhà nguyện dâng kính Đức Mẹ, con cái Mẹ tuôn về đó rất đông. Hãy nghĩ về tất cả những biểu hiện của lòng mộ đạo bình dân! Những cuộc hành hương, những lễ hội, những kinh nguyện, việc tôn thờ những hình ảnh trong các ngôi nhà và rất nhiều những hành động sùng kính khác là những ví dụ cụ thể về mối quan hệ sống động giữa Mẹ của Chúa và dân của Mẹ, những người lần lượt viếng thăm nhau!

Sự vội vã lành mạnh thúc đẩy chúng ta luôn hướng lên và hướng tới tha nhân

Sự vội vã lành mạnh thúc đẩy chúng ta luôn hướng lên và hướng tới tha nhân. Tuy nhiên, cũng có một sự vội vàng không lành mạnh, có thể khiến chúng ta sống hời hợt và xem nhẹ mọi thứ. Không có sự dấn thân hay quan tâm, không dấn thân hết mình vào những gì chúng ta làm. Đó là sự vội vàng của những người sống, học tập, làm việc và hòa nhập xã hội mà không có bất kỳ sự dấn thân cá nhân thực sự nào. Điều này có thể xảy ra trong các mối quan hệ giữa các cá nhân. Trong gia đình, khi chúng ta không bao giờ ngừng lại để lắng nghe và dành thời gian cho người khác. Trong quan hệ bạn bè, khi chúng ta mong đợi bạn bè giúp chúng ta giải trí và đáp ứng nhu cầu của chúng ta, nhưng ngay lập tức ngoảnh mặt đi nếu chúng ta thấy họ đang gặp khó khăn và cần thời gian và sự giúp đỡ của chúng ta. Ngay cả nơi những cặp đôi đang yêu, ít ai có đủ kiên nhẫn để thực sự tìm hiểu và hiểu nhau. Chúng ta có thể có cùng thái độ này khi ở trường học, nơi làm việc và trong các lĩnh vực khác của cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Khi mọi thứ được thực hiện một cách vội vàng, chúng thường không mang lại kết quả. Chúng có nguy cơ trở nên cằn cỗi và không có sự sống. Như chúng ta đọc trong sách Châm ngôn: “Kế hoạch của người siêng năng chắc chắn tạo ra lợi nhuận, nhưng kẻ vội vàng hấp tấp ắt phải chịu đói nghèo” (21,5).

Khi Đức Maria đến nhà ông Dacaria và bà Êlisabét, một cuộc gặp gỡ kỳ diệu đã diễn ra! Chính bà Elisabét đã trải qua sự can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa, Đấng đã ban cho bà một người con trong tuổi già. Bà có mọi lý do để bắt đầu bằng cách nói về bản thân mình; tuy nhiên bà vẫn không “chỉ biết có mình”, nhưng nôn nóng chào đón người em họ trẻ tuổi và đứa con trong bụng người em. Ngay khi nghe lời chào của Đức Maria, bà Êlisabét được tràn đầy Chúa Thánh Thần. Những điều ngạc nhiên và sự tuôn trào của Chúa Thánh Thần đến khi chúng ta thể hiện lòng hiếu khách thực sự, khi chúng ta đặt người khác, chứ không phải chính mình, ở trung tâm. Chúng ta cũng thấy điều này trong câu chuyện của ông Giakêu. Trong Phúc âm thánh Luca, chúng ta đọc thấy rằng “khi Chúa Giêsu đến nơi [nơi ông Giakêu đang ở], Người nhìn lên và nói với ông: ‘Này ông Giakêu, hãy xuống mau xuống; vì hôm nay tôi phải trọ lại nhà ông.’ Vì vậy, ông vội vàng xuống và vui mừng đón tiếp Người” (19,5-6).

Nhiều người trong chúng ta đã có kinh nghiệm bất ngờ khi gặp Chúa Giêsu và lần đầu tiên có được cảm giác gần gũi và tôn trọng, không có thành kiến và phản đối, một ánh mắt yêu thương mà chúng ta chưa từng gặp ở bất kỳ người nào khác. Không chỉ vậy. Chúng ta cũng nhận ra rằng, đối với Chúa Giêsu, chỉ nhìn chúng ta thoáng qua từ xa là không đủ; Người muốn ở bên chúng ta và chia sẻ cuộc sống của Người với chúng ta. Niềm vui của trải nghiệm này khiến chúng ta vội vàng chào đón Người, cảm thấy cần phải ở bên Người và hiểu rõ hơn về Người. Bà Êlisabeth và ông Dacaria chào đón Đức Maria và Chúa Giêsu vào nhà của họ. Chúng ta hãy học từ hai người cao tuổi này về ý nghĩa của lòng hiếu khách! Hãy hỏi cha mẹ và ông bà của các con, và những thành viên lớn tuổi nhất trong cộng đồng của các con, chào đón Chúa và những người khác vào cuộc đời của họ thì có ý nghĩa gì đối với họ. Nghe kinh nghiệm của những người đi trước các con sẽ mang lại những lợi ích cho các con.

Các bạn trẻ thân mến, bây giờ là lúc cần phải vội vã hướng tới những cuộc gặp gỡ cụ thể, hướng tới sự chấp nhận thực sự những người khác với chính chúng ta. Đây là trường hợp của cô gái trẻ Maria và bà Êlisabeth lớn tuổi. Chỉ như vậy, chúng ta mới thu hẹp khoảng cách – giữa các thế hệ, tầng lớp xã hội, dân tộc và các nhóm khác – và thậm chí chấm dứt chiến tranh. Những người trẻ luôn đại diện cho hy vọng về sự hiệp nhất mới trong gia đình nhân loại đã bị phân mảnh và chia rẽ của chúng ta. Nhưng chỉ khi họ có thể bảo tồn ký ức, chỉ khi họ có thể nghe được những câu chuyện, những giấc mơ của người già. “Không phải ngẫu nhiên mà chiến tranh lại quay trở lại châu Âu khi mà thế hệ từng sống kinh nghiệm chiến tranh trong thế kỷ trước đang dần qua đi” (Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi năm 2022). Chúng ta cần giao ước giữa người trẻ và người già, để không quên những bài học của lịch sử; chúng ta cần phải vượt qua tất cả các hình thức phân cực và cực đoan hiện có trong thế giới ngày nay.

Viết cho các tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô đã loan báo: “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần. Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (2,13-14). Chúa Giêsu là câu trả lời của Thiên Chúa đối với những thách đố mà nhân loại phải đối mặt trong mọi thời đại. Đức Maria mang trong mình câu trả lời đó khi đến thăm bà Êlisabeth. Món quà lớn nhất mà Đức Maria mang đến cho người chị họ cao niên của mình là chính Chúa Giêsu. Chắc chắn, sự trợ giúp cụ thể của Mẹ là có giá trị nhất. Tuy nhiên, không có gì có thể làm cho ngôi nhà của ông Dacaria tràn đầy niềm vui lớn lao và sự thoả mãn cho bằng sự hiện diện của Chúa Giêsu trong lòng Đức Trinh Nữ, giờ đây là nhà tạm của Thiên Chúa hằng sống. Tại ngôi làng ở miền núi đó, chỉ bằng sự hiện diện và không nói một lời nào, Chúa Giêsu đã rao giảng “Bài giảng trên núi” đầu tiên của Người. Người âm thầm công bố mối phúc của những người nghèo và người hiền lành, những người tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Sứ điệp của cha dành cho các con, những người trẻ thân mến, sứ điệp lớn lao được giao phó cho Giáo hội, là Chúa Giêsu! Đúng vậy, chính Chúa Giêsu, trong tình yêu thương vô bờ bến của Người dành cho mỗi người chúng ta, ơn cứu độ của Người và sự sống mới mà Người đã ban cho chúng ta. Đức Maria là hình mẫu của chúng ta; Mẹ chỉ cho chúng ta cách đón nhận món quà to lớn này vào cuộc sống của chúng ta, để chia sẻ nó với những người khác, và như thế để mang Chúa Kitô, tình yêu cảm thông và sự phục vụ quảng đại của Người cho nhân loại bị tổn thương sâu sắc của chúng ta.

Tất cả cùng nhau đến Lisbon!

Đức Maria là một phụ nữ trẻ, giống như nhiều người trong số các con. Mẹ là một trong số chúng ta. Một Giám mục người Ý, Don Tonino Bello, đã cầu nguyện với Mẹ thế này: “Lạy Mẹ Maria…, chúng con biết rất rõ rằng Mẹ đã được định sẵn để chèo thuyền ở đại dương sâu thẳm. Nếu chúng con xin Mẹ ôm lấy bờ, không phải vì chúng con muốn giữ Mẹ lại, mà bởi vì, nhìn thấy sự gần gũi của Mẹ với bờ của sự nản lòng của chúng con, chúng con thấy rằng chúng con cũng được mời gọi để mạo hiểm, như Mẹ đã làm, trên những biển cả của tự do” (Maria, donna dei nostri giorni, Cinisello Balsamo, 2012, 12-13).

Như cha đã đề cập trong Sứ điệp đầu tiên của bộ ba Sứ điệp này, từ Bồ Đào Nha, vào thế kỷ XV và XVI, rất nhiều người trẻ – gồm nhiều nhà truyền giáo – đã lên đường đến những thế giới chưa được biết đến, đặc biệt là để chia sẻ kinh nghiệm của họ về Chúa Giêsu với các dân tộc khác và các quốc gia (xem Sứ điệp cho Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2020). Vào đầu thế kỷ XX, Đức Maria đã chọn thực hiện một chuyến viếng thăm đặc biệt đến vùng đất đó. Từ Fatima, Mẹ gửi đến mọi người ở mọi lứa tuổi thông điệp mạnh mẽ và tuyệt vời về tình yêu của Thiên Chúa, điều mời gọi chúng ta đến với sự hoán cải và tự do thực sự. Một lần nữa, cha mời mỗi người trong các con tham dự cuộc hành hương vĩ đại xuyên lục địa của những người trẻ, sự kiện sẽ có đỉnh điểm với việc cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới tại Lisbon vào tháng 8 tới. Cha cũng muốn nhắc các con rằng ngày 20/11 sắp tới, Lễ Trọng Chúa Kitô Vua Vũ trụ, chúng ta sẽ cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới tại các Giáo hội địa phương trên khắp thế giới. Về việc này, tài liệu mới đây của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống – Hướng dẫn Mục vụ về việc Cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới tại các Giáo hội Địa phương – có thể giúp ích rất nhiều cho tất cả những ai tham gia vào việc chăm sóc mục vụ giới trẻ.

Các bạn trẻ thân mến, ước mơ của cha là tại Ngày Giới trẻ Thế giới, các con sẽ có thể trải nghiệm lại niềm vui khi gặp gỡ Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta. Sau một thời gian dài xa cách và cách ly xã hội, tất cả chúng ta sẽ khám phá lại ở Lisbon – với sự giúp đỡ của Thiên Chúa – niềm vui của một vòng tay huynh đệ giữa các dân tộc và các thế hệ, một vòng tay hòa giải và hoà bình, một vòng tay của tình huynh đệ truyền giáo mới! Xin Chúa Thánh Thần khơi dậy trong lòng các con một ước muốn “trỗi dậy” và niềm vui khi được đồng hành cùng nhau, theo cách hiệp hành, bỏ lại phía sau mọi biên giới giả tạo. Bây giờ là lúc để trỗi dậy! Giống như Đức Maria, chúng ta hãy “trỗi dậy và vội vã lên đường”. Chúng ta hãy mang Chúa Giêsu trong lòng, và mang Người đến với tất cả những người chúng ta gặp gỡ! Trong mùa tươi đẹp này của cuộc đời các con, hãy tiến tới và đừng trì hoãn tất cả những điều tốt đẹp mà Chúa Thánh Thần có thể thực hiện nơi các con! Với tình thương mến, cha chúc lành cho ước mơ và mỗi bước trên hành trình của các con.

Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, 15/08/2022,
Lễ Trọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-11/su-diep-dtc-phanxico-ngay-gioi-tre-the-gioi-thu-37.html