23/12/2024

Chúa Nhật 06.11.2022
Cái Kết Và Cái Bắt Đầu

Chúa Nhật Tuần XXXII – Mùa Thường Niên

2 Mcb 7,1-2.9-14 • Tv 16,1.4b-6.8 và 15 (Đ. c.15b) • 2 Tx 2,16 – 3,5 • Lc 20,27-38

 

GIÁO XỨ HOÀ HƯNG: "Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng  của kẻ sống".

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Luca

27 Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28 Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. 29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. 30 Người thứ hai, 31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. 33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?”

34 Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. 36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. 37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. 38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Cái Kết Và Cái Bắt Đầu

Cuối năm phụng vụ, Giáo Hội dạy ta nghĩ đến tứ chung (chết, phán xét, thiên đàng, hỏa ngục), đến sự sống đời đời.

Khát vọng muôn thuở của con người là được sống mãi mãi. Ai cũng sợ chết, nhưng nào ai tránh được! Mọi sự tan tành khi cái chết ló mặt. “Con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa, cắt đứt ngay hàng chỉ” (Is 38,12). Chỉ mình Chúa hằng sống, hiện hữu từ muôn thuở đến muôn đời. Kitô giáo tin có sự sống đời đời, như kinh Tin Kính dạy. Kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa là tạo dựng con người và cho họ được sống mãi mãi, nhưng vì nguyên tổ phạm tội mà kế hoạch đó bị phá vỡ, mọi người đều phải chết. Thiên Chúa lại lập kế hoạch mới là cho Ngôi Hai làm người, chịu chết để chuộc tội và phục hồi sự sống đời đời cho con người.

Kitô giáo dạy ta phải làm gì để được sống muôn đời?

  1. Tin có sự sống vĩnh cửu. Khi chịu phép Rửa, ta đã minh định điều này:
  • Con xin gì cùng Hội Thánh Chúa?
  • Thưa, con xin đức tin.
  • Đức tin sinh ơn ích gì cho con?
  • Thưa, đức tin đem lại cho con sự sống đời đời?
  1. Sự sống đời sau khác biệt hoàn toàn với sự sống đời này, không còn các nhu cầu thể lý, vật chất, chẳng bị chi phối bởi “sinh – lão – bệnh – tử” nữa. Nhiều tôn giáo hay tín ngưỡng dân gian vẫn tin đời sau giống y như đời này!
  2. Sống thánh thiện, công chính, bác ái ở đời này (x. Mc 10, 17-23), để được sống trong tình yêu, hạnh phúc viên mãn, đối diện với Chúa, đến độ không còn khát khao điều gì nữa.
  3. Sẵn sàng đánh đổi mọi sự, kể cả mạng sống, như các thiếu niên trong bài đọc I. Cuối tháng này, ta sẽ mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam là những bậc tiền bối đã chấp nhận chết đi để được sống lại và sống muôn đời.
  4. Để tăng cường niềm tin vào sự sống đời đời, hãy năng nghĩ đến sự chết của mình như câu chuyện điển hình sau đây:

Một linh mục nọ tổ chức một lễ an táng đặc biệt. Ngài báo trước từ lâu để đông đảo giáo dân đến tham dự. Giữa nhà thờ ngài đặt một cỗ quan tài. Trước khi đưa thi hài ra nghĩa địa, quan tài được mở nắp để từng người đến tiễn biệt người quá cố lần cuối. Nhưng khi mọi người nhìn vào quan tài, họ không thấy xác người nào cả, mà chỉ thấy một tấm gương phản chiếu chính gương mặt của họ. Vị linh mục giải thích: “Mỗi ngày, anh chị em hãy tự mai táng chính mình”.

+Gm. Anphong Nguyễn Hữu Long

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam