18/11/2024

Lùi giờ vào học: Điều kiện nào để thực hiện?

Lùi giờ vào học: Điều kiện nào để thực hiện?

Gần đây nhiều kiến nghị các trường lùi giờ vào học, cho học sinh đi học trễ hơn để các em có thể ngủ đủ giấc, hoặc ăn sáng một cách đầy đủ trước khi đến trường. Để thực hiện điều này, cần nhiều yếu tố đồng bộ.

 

 

Lùi giờ và học: Xem lại số tiết học và biên chế giáo viên

Để lùi giờ vào học, đầu tiên phải xem lại số tiết ấn định cho mỗi môn học đã được cố định trong chương trình của năm học. Như vậy khi thời gian vào lớp trễ lại, để đảm bảo chương trình thì sẽ có các phương án xảy ra, hoặc thời gian ra chơi của học trò vốn chỉ có 15 đến 20 phút sẽ bị thu ngắn lại, không còn thời gian nghỉ 5 phút chuyển tiết, hoặc thời gian ra về sẽ trễ hơn. Nếu như muốn giữ nguyên những khoảng thời gian nghỉ giữa giờ và về đúng giờ, học sinh phải có thêm những buổi chiều lên trường, như vậy càng làm học trò và phụ huynh vất vả hơn, ngoại trừ những trường vẫn tổ chức dạy học 2 buổi.

Lùi giờ vào học: Điều kiện nào để thực hiện? - ảnh 1
Làm sao cho mỗi buổi sáng tới trường không phải là gánh nặng, sự ám ảnh, lo sợ nào đó của học sinh (ảnh minh họa)  N.D

Như vậy, phải nghiên cứu giảm số tiết các môn học. Điều này liên quan đến các yếu tố như chuẩn kiến thức kỹ năng của môn học, nội dung kiểm tra đánh giá, sách giáo khoa… Những vấn đề này đòi hỏi các quyết sách từ cấp cao nhất của ngành giáo dục.

Ngoài ra, số tiết của các môn học còn liên quan chặt chẽ đến số lượng biên chế giáo viên trong trường. Hiện nay, theo quy định định mức tiết dạy của giáo viên THCS là 19 tiết/tuần, của giáo viên THPT là 17 tiết/tuần. Như vậy, vấn đề nảy sinh lại còn phức tạp hơn khi liên quan đến vấn đề nhân sự, tổ chức của cả ngành giáo dục và thiết kế lại chương trình dạy học.

 

Giảm bài tập về nhà, giảm học thêm

Trong khi đó, tôi nghĩ phần lớn các em học sinh khi đến trường còn ngái ngủ, chỉ vì các em đã có một “ngày hôm qua” quá mệt mỏi. Nếu như ngày hôm qua, các em không phải làm bài tập về nhà quá nhiều, hay đi học thêm ở các trung tâm quá nhiều, thì các em đã không phải mệt mỏi như thế.

Vẫn còn có đâu đó nhiều thầy cô giao bài tập về nhà rất nhiều cho học trò, để học trò học môn mình tốt hơn, điểm bài kiểm tra cao hơn, hoặc có khi tạo áp lực để học trò phải đi học thêm tại nhà, hoặc trung tâm mình dạy. Với việc “chạy show” học thêm như thế, khối lượng bài tập về nhà như thế, thì đâu là thời gian cho các em giải trí, nghỉ ngơi để nạp năng lượng cho ngày mai?

 

Cho học sinh ngủ sớm

Ngoài ra, ở những gia đình bố mẹ ít để ý đến con cái, thì thời gian các em sử dụng điện thoại, máy tính để giải trí sẽ rất thiếu sự kiểm soát dẫn đến việc vui chơi quá đà. Không thiếu trường hợp các em học sinh lên lớp mà mắt mũi đỏ ké, gục lên gục xuống không thể học tập được, chỉ vì chơi game, xem phim hoặc lên mạng xã hội quá khuya, thậm chí có khi đến sáng. Bên cạnh sa sút trong việc học, còn ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe và tinh thần của các em. Thậm chí, nếu giờ học có dời lại cả tiếng đồng hồ, tôi nghĩ tình trạng khi đến lớp của các em sẽ vẫn như cũ.

Lùi giờ vào học: Điều kiện nào để thực hiện? - ảnh 2
Giảm tải bài tập về nhà cho học sinh, giảm học thêm cũng là một trong những điều kiện giúp cải thiện sức khỏe của học sinh ĐÀO NGỌC THẠCH

Như vậy, trước mắt để giải quyết nỗi khổ ngái ngủ, hoặc chưa kịp ăn khi đến trường buổi sáng của học sinh, người lớn chúng ta phải tạo cơ hội để cho các cháu ngủ sớm, ngủ đủ giấc. Khi đi ngủ sớm, thức dậy sớm vừa xây dựng một thói quen tốt để đảm bảo sức khỏe thể chất và trí óc. Đồng thời, các cháu cũng sẽ có đủ thời gian ăn sáng trước khi đến trường.

Để làm được điều này, phải là nỗ lực của nhà trường trong việc giảm tải bài tập về nhà cho học sinh, xóa bỏ những mặt tiêu cực việc dạy thêm. Ngoài ra, còn cần sự cộng tác tích cực của gia đình trong việc quản lý, rèn luyện thói quen tự giác, tự chủ của con em mình, quan tâm để ý đến thời lượng, nội dung khi cho các em sử dụng máy tính, điện thoại. Có như vậy, mỗi buổi sáng tới trường không phải là gánh nặng, sự ám ảnh, lo sợ nào đó, nhưng sẽ luôn mang lại nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc cho các em học sinh.

 

Nguyễn Hiếu Quân

TNO