24/12/2024

Tuần thứ nhất của Đại hội Liên HĐGM Á châu

Tuần thứ nhất của Đại hội Liên HĐGM Á châu

Tuần đầu tiên của Đại hội của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) tại Bangkok kết thúc với thách đố suy tư về cách thức các tham dự viên có thể mang hy vọng cho thế giới đương đại của chúng ta.

2022.10.13 fabc 50

Đại hội được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ Baan Phu Waan ở Bangkok từ ngày 12 đến ngày 30/10/2022, với sự tham dự của khoảng 200 đại biểu đại diện cho 29 nước châu Á, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hội đồng Giám mục Á châu, tập trung vào chủ đề “Cuộc hành trình chung của các dân tộc Á Châu: và họ đã đi con đường khác” (Mt 2,12).

Tạo ra một thế kỷ của Chúa Giêsu và chứng tá cho toàn thể Châu Á

Trong diễn văn khai mạc Đại hội, Đức Hồng y Chủ tịch Liên đoàn Charles Bo gọi Đại hội là “một Lễ Hiện xuống”, và là “thời khắc vinh quang đối với Giáo hội Châu Á”. Ngài kêu gọi các anh chị em môn đệ của Chúa Kitô tại Châu Á tiếp tục theo bước chân của “những bậc vĩ nhân như Thánh Tông đồ Tôma, Thánh Phanxicô Xaviê và vô số những người nam nữ đã quảng đại cống hiến để phục vụ trong sứ vụ loan báo Phúc âm cách toàn diện”. Đức Hồng y đưa ra thách đố tạo ra một thế kỷ của Chúa Giêsu và chứng tá cho toàn thể Châu Á.

Phân định và hình dung ra những con đường mới

Phát biểu trong cùng ngày khai mạc, Đức Hồng y Oswald Gracias đã gọi Đại Hội là một “bước quan trọng” và là một “bước ngoặt đối với Liên Hội đồng Giám mục Á châu”. Ngài nói rằng Đại hội được tổ chức trong tinh thần Hiệp hành và lấy cảm hứng từ hành trình của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh.

Đức Hồng y Gracias cho biết Đức Thánh Cha rất hứng khởi về đề xuất tổ chức Đại hội và “hết lòng ủng hộ và khuyến khích”. Đức Hồng y đã giới thiệu phần đầu tiên của công việc của Đại hội là một tuần “phân định và hình dung ra những con đường mới cho Giáo hội hoạt động vì một Châu Á tốt đẹp hơn”.

Mỗi ngày của Đại hội bắt đầu với Kinh Sáng được chủ sự online bởi một nhóm của một nước phụ trách.

“Thăm Á châu”

Từ ngày 13 đến 15/10/2022 là phần “Thăm Á châu”, trong đó các phái đoàn từ các nước báo cáo cho Đại hội để tìm hiểu “những thực tại nổi bật”, và xác định “những điểm chung” và “sự khác biệt”. Trong ngày đầu tiên của Đại hội, các tham dự viên nghe các báo cáo từ Sri Lanka, Pakistan, Bangladesh, Brunei, Nepal và ba nghi lễ Syro-Malabar, Syro-Malankara và Latinh của Ấn Độ. Đại diện của mỗi quốc gia nêu bật những quan tâm và thách đố đối với Giáo hội và cộng đoàn.

Trong ngày thứ hai có các báo cáo về các thực tại nổi bật ở các nước Campuchia, Lào, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Đông Timor, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore. Và trong ngày thứ ba, 15/10, các đại diện của các nước Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Mông Cổ, Myanmar và Hồng Kông báo cáo về các thực tại nổi bật tại mỗi quốc gia. Các đại diện cũng trình bày bối cảnh lịch sử, các thành công và thách đố mà dân tộc của họ đang gặp, trong khi cố gắng hiểu và lắng nghe.

Các đại diện các châu lục

Thứ Năm 13/10/2022, Tổng Thư ký của Caritas Quốc tế, Aloysius John, đã cung cấp cho các đại biểu cái nhìn tổng thể về Caritas khắp Châu Á, những thách đố mà Caritas đang đối mặt và vai trò mà mạng lưới có thể đóng góp trong Giáo hội.

Trong khi đó, vào ngày 14/10/2022, Đức Tổng Giám mục Gintaras Linas Frusas, đại diện Caritas Châu Âu, đã đưa ra cái nhìn tổng thể so sánh về Giáo hội ở Châu Âu, bao gồm các nhiệm vụ mà Giáo hội đã xác định.

Thứ Bảy 15/10/2022, Đức cha Oscar Azarcón Solis, đại diện Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, đã khen ngợi những nỗ lực của Liên Hội đồng Giám mục Á châu và cung cấp cái nhìn về Giáo hội tại Hoa Kỳ. Ngài bảo đảm sự hiệp thông của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ với Liên Hội đồng Giám mục Á châu.

“Talk Show with Asia”

Chúa Nhật 16/10/2022 có chương trình “Talk Show with Asia”. Làm sáng tỏ thực tế về đàn chiên mà Liên Hội đồng Giám mục Á châu phục vụ, 16 tham luận viên đến từ 13 quốc gia châu Á, từ mọi lối sống và điều kiện xã hội, kết nối với các đại biểu của Liên Hội đồng trong chương trình Trò chuyện trực tuyến. Người dẫn chương trình, Đức cha Allwyn D’Silva đã mời các tham luận viên chia sẻ thực tế của họ và yêu cầu những người tham dự xét xem “tôi có thể trở thành người lân cận của ai”.

Những thực tại nổi bật và Giáo hội ở châu Á

Từ ngày 17 đến 22/10/2022, Đại hội sẽ nói về những thực tại nổi bật và Giáo hội ở châu Á.

Ngày 17/10, Đức cha Gerald Matthias và Cha Nguyễn Hai Tính, Dòng Tên, chia sẻ suy tư thần học về Giáo hội hậu đại dịch. Cha Tính giải thích: “Giáo hội dễ bị đau đớn, đau khổ và thay đổi, nhưng đó là một Giáo hội của Mầu nhiệm Vượt qua và Hiệp hành; tiến tới sự chữa lành và cùng với nhau.”

Cuối cùng, Đức Hồng y Lazzaro You, Tổng Trưởng Bộ Giáo sĩ, đã trình bày các luận điểm về việc đào tạo các linh mục dựa trên các câu hỏi, “Giáo Hội nào, loại linh mục nào, loại hình đào tạo nào”.

Quan tâm đến giới trẻ

Ngày 18/10/2022, các tham dự thảo luận về chủ đề giới trẻ. Cha Akira Takayama, Tuyên uý Mục vụ Giới trẻ của Giáo phận Takamatsu, nhấn mạnh đến việc lắng nghe người trẻ. Cha hy vọng các nhà lãnh đạo Giáo hội sẽ cung cấp sự hướng dẫn thiêng liêng và quan tâm đến sự phát triển của giới trẻ.

Những vấn đề liên quan đến nữ giới

Một số nhà thần học nữ cũng đóng góp vào các cuộc thảo luận, cung cấp “bối cảnh và nền tảng cho nhiều vấn đề mà phụ nữ Châu Á phải đối mặt, bao gồm phân biệt đối xử, khinh thường phụ nữ, vai trò kép, chênh lệch thu nhập và bạo lực gia đình”.

Bên cạnh đó, Đại hội còn thảo luận về các đề tài khác như di dân, nạn buôn người.

Liên đới

Ngày họp kết thúc với suy tư về Thông điệp Fratelli Tutti của Đức Thánh Cha, được nguyên Chủ tịch Caritas Châu Á, Đức cha Tarcisio Isao Kikuchi chia sẻ. Ngài tập trung vào các chủ đề về sự phụ thuộc lẫn nhau, hòa hợp và liên đới và đưa ra một câu hỏi để thính giả suy tư – làm thế nào họ có thể mang hy vọng vào thế giới đương đại.

Hồng Thuỷ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2022-10/dai-hoi-lien-hoi-dong-giam-muc-a-chau-tuan-thu-nhat.html