Tạo ra thịt chay như thịt thật để cứu Trái đất
Tạo ra thịt chay như thịt thật để cứu Trái đất
Ngày càng nhiều người nhận thức được cái giá của một đĩa thịt trên bàn là một lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng không chỉ đến không khí và nước mà còn cả thế hệ tương lai. Thịt chay được kỳ vọng là giải pháp thay thế.
Không giống những chiếc bánh mì kẹp thịt làm từ đậu hoặc ngũ cốc của những thập kỷ trước, loại “thịt chay” này – được biết đến nhiều nhất với các thương hiệu Impossible Burger và Beyond Meat – đang được bán nhiều cho những người ăn thịt truyền thống. Các nhà sản xuất cam kết tái tạo hương vị và kết cấu của thịt chay như thịt xay thật.
Nhà sinh hóa học Pat Brown của Đại học Stanford (Mỹ) đã thành lập Impossible Foods sau khi tự hỏi bản thân ông có thể làm gì để tạo ra sự khác biệt lớn nhất đối với môi trường. Và câu trả lời của ông là thay thế thịt.
Để làm được điều đó, Impossible Foods đã phân tách thịt thành các bộ phận cấu thành, sau đó tạo ra một sản phẩm tương tự từ các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật.
Các nhà sản xuất bắt đầu với protein thực vật, chủ yếu là đậu nành, khoai tây, yến mạch, hoặc các protein tương đương cho các loại khác.
Sau đó, họ cho thêm các thành phần được lựa chọn cẩn thận để mô phỏng hương vị thịt thật, hầu hết là dầu dừa để thay cho mỡ động vật, ngoài ra còn có chiết xuất nấm men hoặc các hương liệu khác.
Ông William Aimutis, nhà hóa học protein thực phẩm tại Đại học bang North Carolina (Mỹ), cho biết tất cả điều này đòi hỏi quá trình xử lý khá nghiêm ngặt.
Ví dụ, đậu nành thường được xay thành bột, sau đó loại bỏ dầu. Các protein được phân lập và cô đặc, sau đó được thanh trùng và sấy phun để tạo ra protein tương đối tinh khiết.
Tuy nhiên mỗi bước đều tiêu tốn năng lượng, làm dấy lên câu hỏi: Liệu những loại thịt thay thế này có thực sự thân thiện với môi trường hơn?
Ngoài ra, “thịt chay” hiện có giá trung bình cao hơn 43% so với thịt thật, đây cũng là lý do khiến các loại “thịt chay” chỉ chiếm chưa đến 1% doanh số bán thịt ở Mỹ. Những người ủng hộ lạc quan rằng giá sẽ giảm khi thị trường phát triển, nhưng điều đó vẫn chưa thể xảy ra trong tương lai gần.
Và để đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô lớn cũng sẽ tốn rất nhiều công sức: Ngay cả khi chỉ phát triển đến 6%, thị trường cũng sẽ đòi hỏi khoản đầu tư 27 tỉ USD (khoảng 600.000 tỉ đồng) vào các cơ sở sản xuất thịt chay.
Chăn nuôi chiếm khoảng 15% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu theo cả hướng trực tiếp (lượng khí methan do gia súc, gia cầm và các động vật ăn cỏ khác thải ra ngoài) và gián tiếp (nhiên liệu hóa thạch được sử dụng để trồng cây làm thức ăn cho chăn nuôi).
Nếu đàn gia súc trên toàn cầu là một quốc gia, lượng phát thải khí nhà kính của chúng sẽ đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Trong đó, động vật chăn thả như gia súc, cừu và dê có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn hơn nhiều so với những động vật không chăn thả như heo và gà, phần lớn là do chúng thải ra khí methan, ợ hơi.