24/11/2024

Đức Hồng y Pietro Parolin và những vấn đề quanh cuộc chiến ở Ucraina

Đức Hồng y Pietro Parolin và những vấn đề quanh cuộc chiến ở Ucraina

Gần nửa năm đã trôi qua, từ khi Nga bắt đầu tấn công Ucraina ngày 24-2-2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã rất nhiều lần lên tiếng về cuộc chiến này, đặc biệt là những lời ngài kêu gọi hãy tìm một giải pháp bằng đường lối đối thoại, thương thuyết. Nhưng lời của Đức Thánh Cha giống như những “tiếng kêu trong hoang địa!”. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy chiến tranh sắp chấm dứt. Đức Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, đã đưa ra những nhận định từ phía Toà Thánh trước tình trạng trên đây.

 Nhận định của Đức Hồng y Parolin

Mới đây, trong số ra tháng 8 này, tạp chí Limes có nhiều uy tín ở Ý về địa lý chính trị, đã đăng cuộc phỏng vấn Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, “cánh tay phải của Đức Thánh Cha”, về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến tranh này, đặc biệt là lập trường của Toà Thánh.

 Tiếng kêu trong hoang địa

Ký giả báo Limes hỏi Đức Hồng y:

 “Đức Giáo hoàng đã nhiều lần ngỏ lời với người Nga và Ucraina, tha thiết kêu gọi thực tâm đối thoại để chấm dứt chiến tranh, nhưng không có kết quả, cũng chẳng được đáp lại. Tại sao?”

Đức Hồng y Parolin giải thích: “Tiếng nói của Đức Giáo hoàng nhiều khi là ‘tiếng kêu trong sa mạc’, nhưng đó là một tiếng nói ngôn sứ, một lời tiên tri sáng suốt, nhìn xa trông rộng. Những lời ấy như một hạt giống được gieo vãi, cần một thửa đất mầu mỡ để mang lại hoa trái. Rất tiếc là nếu những tác nhân chính trong cuộc xung đột không để ý những lời nói của ngài, thì chẳng có gì xảy ra, và người ta không đạt tới sự chấm dứt những cuộc xung đột. Điều này cũng đã xảy ra hồi năm 1917, với văn thư ngoại giao thời danh của Đức Giáo hoàng Biển Đức XV gửi các cường quốc tham gia ‘cuộc tàn sát vô ích’ là Thế chiến thứ I, nhưng thư của Đức Giáo hoàng bị các nước đó làm ngơ không biết đến.”

“Cũng xảy ra như vậy với những lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Piô XII, người đã làm tất cả mọi sự để ngăn cản thảm trạng thế chiến thứ II. Gần chúng ta hơn, chúng ta hãy nghĩ đến lời kêu gọi tha thiết của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: hồi năm 2003 ngài đã khẩn xin Mỹ và đồng minh đừng tấn công Irak. Ngày nay cũng thế trong biến cố bi thảm ở Ucraina. Hiện nay dường như không thấy có sự sẵn sàng ngồi vào bàn để thương thuyết thực tâm về hòa bình và chấp nhận đề nghị một sự trung gian ở trên các phe.

 “Thế chiến từng mảnh”

Cũng trong chiều hướng trên đây, ký giả báo Limes nhận xét: Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tố giác “thế chiến từng mảnh” hiện nay trên thế giới, nhưng lời ngôn sứ này của ngài bị coi nhẹ. “Vậy theo nghĩa nào, cuộc gây hấn của Nga chống Ucraina có thể đánh dấu một bước nhảy tiêu cực, tiến đến sự nối kết những mảnh chiến tranh thành một thế chiến thực sự?” Đức Hồng y Quốc vụ khánh Toà Thánh nhận xét:

“Chiến tranh tại Ucraina liên hệ tới chúng ta vì những lý do khác nhau, nhất là vì đây là một cuộc xung đột giữa lòng Âu Châu, giữa các nước theo Kitô giáo, khởi xướng do một nước có võ khí hạt nhân, với khả thể cụ thể là tình trạng vuột khỏi tay. Bạn có lý khi nhận xét chiến tranh Ucraina này có thể có một bước nhảy tiêu cực, tiến tới sự liên kết những mảnh chiến tranh thành một cuộc chiến tranh thế giới đích thực. Tôi nghĩ chúng ta chưa thể tiên đoán hoặc tính toán hậu quả của những gì đang xảy ra. Hàng ngàn người chết, các thành thị bị tàn phá, hàng triệu người di tản, môi trường thiên nhiên bị phá hủy, nguy cơ đói kém trên thế giới vì thiếu ngũ cốc tại bao nhiêu nơi trên trái đất, cuộc khủng hoảng năng lượng.”

Và Đức Hồng y đặt câu hỏi: “Làm sao người ta có thể không nhận ra rằng câu trả lời duy nhất có thể, con đường duy nhất có thể thực hiện, viễn tượng duy nhất có thể tiến hành là ngưng vũ khí và thăng tiến một nền hoà bình công chính và lâu bền?”

“Về nhận xét sâu sắc của Đức Giáo hoàng Phanxicô về thế chiến thứ III từng mảnh và sự nối kết những mảnh đó, tôi muốn nói thêm rằng Đức Giáo hoàng và Toà Thánh vẫn luôn tỏ ra rất chú ý đến bao nhiêu cuộc chiến bị quên lãng vì ở xa chúng ta, nên ít được chúng ta quan tâm và chúng ít được các cơ quan truyền thông quốc tế để ý. Cũng nên đọc lại những sứ điệp ‘Urbi et Orbi’, Đức Thánh Cha gởi dân Roma và toàn thế giới, cũng như những diễn văn của ngài trước ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh vào những dịp đầu năm.”

 Mỹ gia tăng cung cấp vũ khí

Trong thời điểm Đức Hồng y Parolin đưa ra những nhận định trên đây thì chính phủ Mỹ quyết định viện trợ thêm khối vũ khí lớn nhất từ trước đến nay cho Ucraina, trị giá 1 tỷ đô la. Kể từ tháng 3 đến nay, đã 13 lần Mỹ gửi giúp vũ khí như thế, tổng cộng gần 10 tỷ đôla. Lần này gồm có các tên lửa Himars, 75 ngàn đạn pháo, 20 súng cối với khoảng 20.000 đạn, các tên lửa Nasams phòng không và Javelin chống thiết giáp, mìn chống người Claymore, hàng trăm hoả tiễn chống chiến xa AR-4, 50 xe bọc sắt để chuyên chở những người bị thương, không kể thuốc nổ và các dụng cụ y khoa.

Số vũ khí này có thể không phải chỉ được xử dụng ở Ucraina. Trong thời gian gần đây, nhiều cơ quan truyền thông của Mỹ đã tố giác nhiều súng đạn Mỹ được đưa tới Ucraina đã nuôi dưỡng nạn buôn bán vũ khí bất hợp pháp. Một nguồn tin được Đài Truyền hình CBS News tiết lộ rằng hồi tháng 4 năm nay, chỉ có 30% khí giới Mỹ và các nước Tây phương cung cấp cho Ucraina được đưa tới tay các binh sĩ nước này. Sau những tin đó, quân đội Mỹ đã gửi một vị tướng đến Ucraina để kiểm soát và theo dõi số vũ khí được viện trợ cho quân đội Ucraina. Việc cấp thiết gởi thêm các võ khí mới dường như chứng tỏ các lực lượng quân đội Ucraina đang gặp thêm khó khăn.

 Quyền tự vệ

Liên quan tới vấn đề võ khí, ký giả báo Limes hỏi Đức Hồng y Quốc vụ khanh về vấn đề vũ trang cho Ucraina chống lại Nga, Đức Hồng y Parolin minh xác: “Những quyết định cụ thể là điều thuộc thẩm quyền của các chính phủ. Nhưng không được quên rằng sự giải giáp là câu trả lời duy nhất và thích hợp cho những vấn đề như thế, như Giáo Hội vẫn dạy. Ví dụ nên đọc lại thông điệp ‘Pacem in terris’, Hoà bình dưới thế, của Thánh Gioan XXIII. Đây là sự giải giáp chung và chịu những kiểm soát hữu hiệu. Theo nghĩa này, tôi thấy không đúng khi yêu cầu người bị gây hấn hãy từ bỏ vũ khí, trước khi đòi người đang tấn công nạn nhân ấy.”

Đức Hồng y Parolin nhắc lại rằng Sách Giáo lý Công giáo có nói đến sự tự vệ hợp pháp. Các dân tộc có quyền tự vệ nếu bị tấn công. Nhưng sự tự vệ vũ trang này cần được thực thi với một số điều kiện mà chính sách Giáo lý liệt kê, đó là: sau khi tất cả các phương thế khác tỏ ra không thể thực hiện được hoặc không hữu hiệu; tiếp đến có những lý do hữu lý là sẽ thành công; ngoài ra được sử dụng vũ khí không gây nên tai ương và xáo trộn lớn hơn sự ác cần phải loại trừ.

“Có nhiều trường hợp người ta sử dụng võ khí một cách không tương ứng và bừa bãi tại rất nhiều nơi trên thế giới. Vì chiến tranh bắt đầu trong tâm hồn con người. Mỗi lời lăng mạ máu lửa đều làm cho hoà bình và bất kỳ cuộc thương thuyết nào trở nên xa vời. Điều hiển nhiên là nếu chỉ có một bên đề nghị hoặc đưa ra một con đường đơn phương, thì không đủ. Điều không thể thiếu là cả hai bên đều bày tỏ ý chí muốn thương thuyết.”

Và Đức Hồng y Parolin kết luận: “Dầu sao những lời của Đức Giáo hoàng kêu gọi hoà bình vẫn là một chứng tá có giá trị rất cao, ảnh hưởng tới lương tâm nhiều người, làm cho con người ý thức hơn rằng hòa bình, chiến tranh, bắt đầu nơi tâm hồn chúng ta và tất cả chúng ta đều được kêu gọi đóng góp phần của mình để thăng tiến hoà bình trước và tránh chiến tranh.”

G. Trần Đức Anh, OP

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2022-08/dhy-pietro-parolin-phong-van-limes-cuoc-chien-o-ucraina.html