27/11/2024

Sự học suốt đời của người đàn ông 72 tuổi

Sự học suốt đời của người đàn ông 72 tuổi

Ông Trịnh Đức Chinh (72 tuổi, ngụ TP.HCM) vừa tốt nghiệp thủ khoa thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh Trường đại học Kinh tế – tài chính TP.HCM. Tháng 10 tới, ông tiếp tục theo học tiến sĩ.

 

 

Sự học suốt đời của người đàn ông 72 tuổi - Ảnh 1.

Ông Trịnh Đức Chinh đạt 9,0 điểm trong luận văn tốt nghiệp thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh Trường đại học Kinh tế – tài chính TP.HCM – Ảnh: NVCC

Với điểm tổng kết xuất sắc 9,0, ông Trịnh Đức Chinh trở thành thủ khoa đầu ra chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh khóa 2020 của Trường đại học Kinh tế – tài chính TP.HCM.

 

Không ngừng học tập

Nhớ lại hành trình đến trường trong 2 năm học chương trình thạc sĩ, ông Đức Chinh cho biết mỗi buổi học bắt đầu từ 18h20 và kết thúc lúc 21h.

“Cứ 18h15 là tôi có mặt trong lớp, không vắng buổi nào. Lúc đầu các bạn học viên trong lớp thường chào tôi bằng thầy thay vì gọi là bạn. Những lúc như vậy, tôi cười nói mình cũng như bao bạn khác, là học viên của lớp thôi” – ông Chinh thổ lộ.

Trường cách nhà gần 3km nên đôi lúc ông Chinh đi bộ đến trường. Những ngày mưa đường ngập, ông tự đi xe máy, cũng có hôm vợ hoặc con gái chở. Tuy tuổi cao nhưng nhờ chơi thể thao và học thiền nên ông khỏe mạnh, minh mẫn.

Là học viên lớn tuổi nhất lớp, lớn tuổi hơn cả những thầy cô dạy mình, nên để không có trở ngại về thế hệ, ông không ngần ngại mà luôn nói “Xin thầy cho hỏi” khi có thắc mắc. Khi bảo vệ luận văn, thay vì xưng tôi thì ông gọi mình là “cá nhân”, “tác giả” của bài viết để dễ dàng trao đổi với các thầy cô trong hội đồng khoa học.

Chia sẻ lý do “học nữa, học mãi”, ông Đức Chinh kể rằng thời gian vừa nghỉ hưu khá rảnh rỗi, ông muốn học tiếp để có lý do từ chối những “cám dỗ” giải trí tuổi xế chiều và điều quan trọng hơn cả là niềm đam mê học tập của ông bỗng quay lại sau thời gian dài làm việc.

“Tôi làm gì mà có đam mê là làm được tới cùng. Tôi nhận thấy việc học vừa giúp tôi cân bằng cuộc sống vừa bổ trợ cho công việc hiện tại” – ông Chinh chia sẻ.

 

Học để cân bằng cuộc sống

Dù tuổi cao, sự nhạy bén không còn như trước nhưng thành quả học tập mà ông đạt được đã thể hiện tinh thần học tập nghiêm túc ở tuổi 72. Sau hai lần phải đổi đề tài, ông đã quyết định theo đuổi nghiên cứu đề tài “Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển hàng không chung ở Việt Nam”.

Theo nhận xét của hội đồng khoa học của trường thì đây được coi là đề tài mới lạ, độc đáo. Do đó, ông Chinh cho hay khó khăn ban đầu là chưa có nhiều tư liệu trong nước, chưa có nghiên cứu trước đó cho nên ông tốn không ít thời gian cho việc lục tìm liên lạc những người bạn, đồng nghiệp trong và ngoài ngành hàng không để tìm kiếm tài liệu.

Số liệu trong luận văn cũng được ông dày công thu thập, tổng hợp. Ông Chinh kể rằng để có được những số liệu thật, ông tìm đến các khóa đào tạo liên quan đến đề tài đang thực hiện.

“Tại đó, tôi gửi bảng khảo sát cho từng người, nếu ai chưa rõ thì tôi giải thích và trao đổi cho rõ mới thôi. Nơi nào tổ chức các khóa đào tạo tôi đều đi để lấy số liệu, ở Nha Trang tôi bay ra Nha Trang, ở Hà Nội tôi liền bay ra đó”.

Ông Chinh nói việc học là một quyển sách không có trang cuối cùng. Có lẽ vì vậy mà tháng 10 tới, ông sẽ bắt đầu chương trình học tiến sĩ tại Trường đại học Kinh tế – tài chính TP.HCM.

Ông sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng phạm vi đề tài luận văn đã bảo vệ trước đó. Và hơn hết, niềm đam mê học hành này cũng giúp ông gắn kết với những đứa cháu hơn khi hai đứa cháu “chỉ có tin ông ngoại”.

Ông Trịnh Đức Chinh tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành vô tuyến điện tại Ba Lan năm 1975. Từ 1976, ông về nước công tác tại Cục Đăng kiểm Việt Nam. Vừa làm vừa tiếp tục theo học Trường đại học Hàng hải, ông Chinh đã tốt nghiệp ngành vỏ tàu thủy khóa 1982 – 1987.

Trước năm 2010, ông Chinh là phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam phụ trách phía Nam kiêm giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 6.

Sau khi nghỉ hưu 2 năm, ông quyết định nối lại con đường học vấn bằng việc học đại học ngành kế toán (năm 2017 tốt nghiệp), sau đó ông tiếp tục trở thành cử nhân luật (năm 2019) và mới đây nhất trở thành thủ khoa đầu ra ngành quản trị kinh doanh Trường đại học Kinh tế – tài chính TP.HCM.

 

Tấm gương về học tập

Chia sẻ về học viên Trịnh Đức Chinh, đại diện Trường đại học Kinh tế – tài chính TP.HCM cho rằng có thể nói ông Chinh là một tấm gương về học tập cho thế hệ trẻ.

Vị này nói: “Kể từ ngày học viên Trịnh Đức Chinh trúng tuyển và nhập học tại trường, nhiều học viên xôn xao về ông lão đặc biệt này. Vài người e dè về tuổi tác, có người lo xa hơn về việc theo học chương trình khá nặng như thạc sĩ với một người lớn tuổi liệu có kham nổi…

Chỉ qua một thời gian ngắn, mọi nhìn nhận về học viên Chinh đã thay đổi hoàn toàn. Bác đặc biệt không chỉ lớn tuổi mà vẫn không ngừng việc học, chưa nói độ siêng năng trong học tập của bác còn đứng đầu lớp, không vắng buổi học nào, kể cả học online trong suốt mùa dịch.

Học trực tiếp, có hôm trời mưa to, bác vẫn không ngại che ô đến lớp. Hình ảnh một học viên lớn tuổi đến lớp đều đặn không chỉ làm các học viên cùng lớp nể phục mà cả trường cũng phải dõi theo và học tập, đặc biệt là các thầy cô trong trường.

Bẵng đi gần hai năm, trong lễ bảo vệ luận văn vừa rồi, hội đồng và thầy cô lại thêm một bất ngờ nữa. Học viên Chinh đứng đầu về điểm bảo vệ luận văn đầu ra của ngành quản trị kinh doanh với điểm 9 – một điểm số cao mà không phải học viên nào cũng đạt được”.

THU HƯƠNG
TTO