Vỏ Trái đất ‘đang nóng quá và chảy nhỏ giọt vào trong lòng đất’
Vỏ Trái đất ‘đang nóng quá và chảy nhỏ giọt vào trong lòng đất’
Hiện tượng lớp vỏ Trái đất chảy nhỏ giọt vào bên trong lòng đất mới được xác định gần đây dưới chân núi Andes thuộc Nam Mỹ.
Núi Andes là dãy núi dài nhất thế giới (7.000km). Dãy núi này trải dài khắp 7 quốc gia Nam Mỹ gồm: Argentina, Bolivia, Chile, Colombia, Ecuador, Peru và Venezuela.
Theo các nhà khoa học, khi lớp vỏ đá của Trái đất nóng lên đến một nhiệt độ nhất định, nó bắt đầu phồng lên và nhỏ giọt xuống lớp phủ trong lòng Trái đất.
Sự hình thành và giải phóng các giọt lớp vỏ còn gọi là “thạch quyển” có ảnh hưởng đến bề mặt xung quanh của Trái đất, theo trang Science Alert.
Đầu tiên, lực kéo của giọt hình thành bên dưới tạo ra một cái chậu ở bề mặt bên trên. Sau đó, khi giọt “thạch quyển” rơi xuống, bề mặt phản ứng bằng cách đàn hồi hướng lên, tác động của nó sẽ lan rộng ra.
Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí khoa học Communications Earth & Environment.
Bà Julia Andersen, nghiên cứu sinh địa chất và là tác giả nghiên cứu chính tại Đại học Toronto (Canada), cho biết: “Chúng tôi xác nhận sự biến dạng trên bề mặt của một khu vực thuộc dãy núi Andes khiến một phần lớn thạch quyển bên dưới bị chảy”.
Do có mật độ dày, nó nhỏ giọt như xi rô lạnh hoặc mật ong vào sâu hơn bên trong hành tinh. Hiện tượng này có khả năng gây ra hai sự kiện kiến tạo lớn ở Trung tâm Andes: làm thay đổi địa hình bề mặt hàng trăm km của khu vực và vừa làm nứt nẻ, vừa kéo dài chính lớp vỏ bề mặt.
Do các nhà khoa học thế giới mới chỉ bắt đầu hiểu về sự nhỏ giọt của thạch quyển gần đây, nên nghiên cứu đối với quá trình này chưa thấu đáo.
Tuy nhiên, có một số đặc điểm của các cao nguyên Andean, Puna, Altiplano cũng như các lưu vực Arizaro và Atacama – nơi có dãy núi Andes đi qua – đã được tập trung nghiên cứu để giải thích bước đầu hiện tượng nhỏ giọt thạch quyển.
Bản thân cao nguyên được hình thành bởi một đới hút chìm, nơi mép của một mảng kiến tạo trượt xuống bên dưới mép của mảng liền kề. Điều này làm biến dạng lớp vỏ, đẩy nó lên và tạo ra núi, cùng các đặc điểm địa chất khác.
Tuy nhiên, đã có bằng chứng cho thấy sự hình thành của Trung tâm Andes không phải là một quá trình kéo dài, chậm chạp mà xảy ra theo từng nhịp trong suốt thời đại Kainozoi, thời kỳ địa chất hiện tại của Trái đất, bắt đầu từ khoảng 66 triệu năm trước.
Nhà địa chất Russell Pysklywec của Đại học Toronto cho biết: “Nhiều nghiên cứu khác nhau cho rằng việc nhỏ giọt thạch quyển là nguyên nhân dẫn đến sự biến dạng bề mặt và quá trình tiến hóa trên diện rộng, không liên quan đến hút chìm của các cao nguyên”.
Các nghiên cứu trước đây cũng cho rằng có thể xảy ra hiện tượng nhỏ giọt thạch quyển, nhưng các nhà nghiên cứu muốn có bằng chứng cụ thể hơn.
Họ đã thiết kế một thí nghiệm trong phòng thí nghiệm, trong đó họ xây dựng các mô hình về lớp vỏ và lớp phủ trên của Trái đất để quan sát những gì xảy ra trên bề mặt khi lớp vỏ nóng lên và bắt đầu nhỏ giọt.
Những kết quả nghiên cứu từ mô hình này sau đó được so sánh với các đặc điểm địa chất thực tế trên dãy Andes.
“Chúng tôi đã so sánh kết quả mô hình của mình với các nghiên cứu địa vật lý và địa chất được thực hiện ở Trung tâm Andes, đặc biệt là ở lưu vực Arizaro. Kết quả cho thấy những thay đổi về độ cao của lớp vỏ gây ra từ sự nhỏ giọt thạch quyển trùng khớp với những thay đổi trên mô hình”, bà Andersen giải thích.
Các thí nghiệm cũng cho thấy sự nhỏ giọt của thạch quyển có thể làm biến dạng lớp vỏ Trái đất theo những cách khác, và không phải tất cả những hiện tượng này đều được quan sát thấy ở Andes. Điều này đồng nghĩa những khu vực khác trên thế giới có thể quan sát thấy các loại nhỏ giọt khác nhau, nếu chúng ta có thể xác định được chúng.