Vương quốc Phù Nam: Bí mật vương quốc cổ
Vương quốc Phù Nam: Bí mật vương quốc cổ
Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo – Ba Thê và Nền Chùa (An Giang) đã góp phần làm rõ hơn lịch sử ra đời cùng với sự phát triển rực rỡ của nền văn hoá Óc Eo và vương quốc Phù Nam trong lịch sử dân tộc.
Các di tích văn hóa Óc Eo trên vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long được khảo cổ học biết đến từ những năm 40 của thế kỷ 20, phân bố trong vùng tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười và vùng rừng U Minh Thượng.
Trong đó khu di tích Óc Eo có quy mô lớn nhất, được coi là trung tâm của nền văn hóa Óc Eo phân bố trên cánh đồng Giồng Cát – Giồng Xoài ở phía đông của dãy núi Ba Thê, được nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret phát hiện và khai quật vào tháng 2.1944. Sau đó các nhà khảo cổ học VN tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu trong giai đoạn sau năm 1975 kéo dài cho đến nay với nhiều phát hiện khảo cổ học quan trọng.
Dấu tích kiến trúc di tích Gò Cây Thị (khu trung tâm Óc Eo – Ba Thê) LƯƠNG CHÁNH TÒNG |
PGS-TS Đặng Văn Thắng, ĐHQG TP.HCM, cùng các cộng sự trong công trình nghiên cứu về “Na Phật Na – kinh đô đầu tiên và cuối cùng của vương quốc Phù Nam” cho rằng, vương quốc cổ được hình thành từ các tiểu quốc (tiểu quốc trong Mandala), mà tiểu quốc đầu tiên là Na Phật Na, trung tâm là vùng đất Óc Eo ngày nay. Từ Na Phật Na (Óc Eo – Ba Thê) phát triển rộng ra hình thành tiểu quốc Na Phật Na, tiểu quốc “chinh phục từ đầm lầy”, tiểu quốc Cát Tiên và các tiểu quốc khác nằm ngoài lãnh thổ VN.
Tiểu quốc Na Phật Na là vùng trung tâm trong Mandala, là vùng địa lý ở sông Hậu, bao gồm khu vực vùng tứ giác Long Xuyên, vùng U Minh, vùng lòng chảo Ô Môn – Phụng Hiệp và vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu …
Trung tâm vùng tứ giác Long Xuyên – khu di tích Óc Eo cho đến nay vẫn được nhìn nhận là địa điểm khảo cổ có quy mô rộng lớn nhất, tập trung nhiều di tích nhất, di tích đa dạng nhất và có tổ hợp di vật lớn nhất về số lượng, đa dạng nhất về chủng loại, cao cấp nhất về trình độ kỹ thuật, về thẩm mỹ nghệ thuật so với những vùng khác trong vương quốc Phù Nam.
Đi tìm kinh đô vương quốc Phù Nam
Hệ thống các di tích, di chỉ khảo cổ học khu trung tâm Óc Eo – Ba Thê phân bố trên cả 2 dạng địa hình thềm phù sa cổ trên đồi – gò, ven chân núi hoặc trên đồng trũng phù sa mới. Đây là không gian gắn liền với một trong những trung tâm quan trọng nhất của văn hóa Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tượng Brahma – Bảo vật quốc gia phát hiện tại di tích Giồng Xoài (khu trung tâm Óc Eo – Ba Thê) |
Khu di tích trung tâm Óc Eo – Ba Thê bao gồm 2 khu vực địa hình: Cánh đồng Óc Eo với các di tích dạng gò nổi như Giồng Xoài, Gò Óc Eo, Gò Cây Thị, Gò Cây Da, Giồng Cát, A1, A2, A3… Trong đó di tích có niên đại sớm nhất là Giồng Xoài thuộc giai đoạn “Tiền Óc Eo” có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 3 – 1 trước Công nguyên. Gò Cây Thị, Giồng Cát, Gò Cây Trôm…là những di tích kiến trúc tôn giáo lớn, là những di tích tiêu biểu cho loại hình di tích kiến trúc thuộc văn hóa Óc Eo điển hình có niên đại từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7 – 8 sau Công nguyên.
Các di tích phân bố trên sườn và chân núi Ba Thê là một hệ thống các di tích khảo cổ học thuộc phạm trù văn hóa Óc Eo, gồm nhiều giai đoạn phát triển từ giai đoạn “tiền Óc Eo” sang giai đoạn “Óc Eo sớm” – giai đoạn “Óc Eo phát triển” và muộn hơn đã được phát hiện với khung niên đại từ thế kỷ 2 trước Công nguyên đến thế kỷ 9 – 10 sau Công nguyên…
Các di tích phân bố tập trung mật độ cao trên khu vực có cao độ từ 5 – 20 m so với mực nước biển chuẩn, gồm di tích Linh Sơn Lam, Linh Sơn Bắc, Gò Út Nhanh, Gò Út Chạnh, Gò Danh Sang, Gò Tư Trâm (Trăm), Gò Cây Me, Gò Trung Sơn, Gò Sáu Thuận…với tính chất là di tích kiến trúc tôn giáo, cư trú và cả thương cảng.
Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo – Ba Thê và Nền Chùa góp phần làm sáng tỏ lịch sử ra đời cùng với sự phát triển rực rỡ của nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam trong lịch sử dân tộc, đặc biệt là mối quan hệ giao thương rộng lớn trên con đường thương mại biển với các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Tây Nam Á, Nam Á, Ấn Độ và La Mã.
Tại khu trung tâm Óc Eo – Ba Thê có hàng ngàn di vật thuộc nhiều loại hình khác nhau, bằng nhiều chất liệu khác nhau được tìm thấy, minh chứng cho việc xác định nơi đây là kinh đô của vương quốc Phù Nam. Đặc biệt, có 7 hiện vật phát hiện tại Óc Eo – Ba Thê đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, đó là: tượng Vishnu, tượng Surya (đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM), tượng Brahma Giồng Xoài, tượng Phật Giồng Xoài (Bảo tàng An Giang), bộ ngẫu tượng Linga Yoni Linh Sơn, nhẫn bò Nandi, Phù điêu Phật (BQL Di tích văn hóa Óc Eo, An Giang), chiếm tỷ lệ trên 50% số bảo vật quốc gia thuộc văn hóa Óc Eo.
Căn cứ vào sự đồ sộ của những công trình kiến trúc, tầng văn hóa dày đặc của các vết tích cùng những di chỉ cư trú, sự xa hoa rõ nét của di vật đặc biệt như đồ nữ trang, trang sức quý giá, hạt ngọc, tiền vàng, đồ thủy tinh… tìm được, có thể khẳng định khu di tích Óc Eo – Ba Thê không những đóng vai trò vị trí trung tâm của văn hóa Óc Eo, một cảng thị quan trọng, mà còn là kinh đô đầu tiên chi phối về kinh tế, thương mại, chính trị đối với các tiểu quốc xung quanh trong suốt thời gian dài. (còn tiếp)
LƯƠNG CHÁNH TÒNG
TNO