Dự án tu sửa thành Cổ Giêrusalem giúp khách hành hương cao tuổi và khuyết tật di chuyển dễ dàng hơn
Dự án tu sửa thành Cổ Giêrusalem giúp khách hành hương cao tuổi và khuyết tật di chuyển dễ dàng hơn
Công trình tu sửa của dự án, với chi phí 6,5 triệu đô la, cần nhiều năm để hoàn thành do sự phức tạp của việc làm việc trong một khu vực lịch sử có diện tích chưa đến một cây số vuông. Thời gian phong toả vì đại dịch là thời gian thuận tiện để hoàn thành chặng cuối cùng của con đường lát đá lịch sử và rất có ý nghĩa đối với các Kitô hữu.
Bà Gura Berger, phát ngôn viên của Tổ chức Phát triển Đông Giêrusalem, Công ty đã thực hiện dự án cho biết: Cả Thành Cổ và các bức tường của nó đều được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO, đòi hỏi các nhà quy hoạch phải cân nhắc cẩn thận những thay đổi để đáp ứng nhu cầu của cư dân sống hàng ngày và hàng triệu du khách mỗi năm.
Bà Berger nói: “Chúng tôi đã làm việc cả ngày lẫn đêm và trong vòng hai năm, chúng tôi đã có thể làm cho con đường dài gần hai cây số trở nên dễ dàng di chuyển với mọi người. Đây là chặng đường đầy cảm xúc nhất vì lần đầu tiên trong lịch sử người ta có thể đến con đường Via Dolorosa dễ dàng. Chúng tôi đã làm một điều quan trọng bởi vì mọi người thực sự đến đây với lòng tôn kính, quý trọng và hy vọng vào thành phố linh thiêng.”
Việc thay đổi các bậc thang cổ xưa khác nhau trong toàn thành phố tuỳ thuộc vào vị trí và độ dốc. Nó bao gồm các đường dốc cũng như một loạt “cầu thang kiểu Venice”, kết hợp các bậc dốc nghiêng dọc theo con đường dốc trên một đoạn gần các chặng thứ năm, thứ sáu và thứ bảy.
Dự án do Bộ Di sản và Giêrusalem của Israel phối hợp với Bộ Du lịch, Thành phố Giêrusalem, Cơ quan Cổ vật Israel, Cơ quan Phát triển Giêrusalem và Công ty Phát triển Đông Giêrusalem thực hiện.
Công việc bao gồm làm mới vỉa hè, thay thế cơ sở hạ tầng ngầm, sơn mặt tiền, lắp đặt mái hiên và sắp xếp lại lối vào các cửa hàng và nhà ở. Ở những khu vực dốc hơn, tay vịn đã được bổ sung dọc theo các bức tường. Mười bốn khu vực vệ sinh với bảng chỉ dẫn cũng đã được lắp đặt.
Một ứng dụng chuyên dụng – Accessible JLM-Old City – bằng 9 ngôn ngữ và chỉ các tuyến đường có thể tiếp cận trong Thành Cổ.
Ngoài ra, khoảng 60 đèn hiệu trong số 200 đèn hiệu theo kế hoạch sử dụng công nghệ Bluetooth đã được lắp đặt để định hướng cho những người bị khiếm thị. Các đèn hiệu được truy cập tự động thông qua ứng dụng Step-Hear có thể tải xuống; ứng dụng hiện chỉ có bằng tiếng Do Thái và tiếng Anh, nhưng các ngôn ngữ khác đang được lên kế hoạch.
Các lối vào Bức tường phía Tây, Nhà thờ Mộ Thánh và Núi Đền / Haram al-Sharif cũng đã được thực hiện. Tuy nhiên, các nơi này là tài sản tư nhân và không thuộc phạm vi của dự án. (Ucanews 09/06/2022)
Hồng Thuỳ
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2022-06/du-an-tu-sua-thanh-co-gierusalem-khach-hanh-huong.html