ĐTC Phanxicô: Giáo dục là mang lấy lịch sử và dẫn dắt thế hệ tương lai
ĐTC Phanxicô: Giáo dục là mang lấy lịch sử và dẫn dắt thế hệ tương lai
Đức Thánh Cha nói: “Tôi rất vui vì đề xuất đưa ra vào năm 2019 về Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu đang thu hút sự chú ý từ nhiều phía và các trường đại học cũng đang hợp tác. Họ thực hiện điều này thông qua các nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề khác nhau, chẳng hạn như phẩm giá của con người và quyền con người, tình huynh đệ và sự hợp tác, công nghệ và hệ sinh thái toàn diện, hoà bình và quyền công dân, văn hoá và tôn giáo. Hội nghị này của quý vị là cơ hội để đánh giá công việc đã thực hiện cho đến nay và lập kế hoạch phát triển Hiệp ước Giáo dục trong những năm tới.”
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại cuộc gặp gần đây của ngài với các hiệu trưởng của các trường đại học của vùng Lazio, Ý. Khi đó, ngài nhấn mạnh đến việc làm sao để giúp cho các sinh viên trẻ sống với khủng hoảng và cùng nhau vượt qua khủng hoảng trong thời đại chúng ta. Làm sao để cho các sinh viên nhìn thấy được khủng hoảng là cơ hội để phát triển nếu được quản lý tốt và không để nó trở thành xung đột. Vì thế, giúp sinh viên biết cách đối diện với khủng hoảng là điều rất quan trọng.
Đức Thánh Cha đưa ra câu chuyện biểu tượng về cách đối diện với khủng hoảng nơi nhân vật thần thoại Aeneas khi đang ở giữa ngọn lửa đốt cháy thành phố. Khi bỏ chạy, Aeneas đã cõng cha già Anchises trên vai và dẫn đứa con nhỏ Ascanio của mình để đưa cả hai đến nơi an toàn. Đây là cách vượt qua khủng hoảng. Aeneas không tự cứu chỉ một mình nhưng với người cha, đại diện cho lịch sử của anh, và đứa con, là tương lai của anh.
Hình ảnh này có thể có ý nghĩa đối với sứ mạng của các nhà giáo dục, những người được kêu gọi bảo vệ quá khứ – người cha trên vai – và đồng hành với những bước đi của người trẻ trong tương lai.
Từ thành Troy, Aeneas không mang theo đồ đạt gì – ngoài các tượng thần Penate – mà chỉ có người cha và đứa con. Đây là điều nhắc nhở chúng ta rằng trong mọi tiến trình giáo dục phải luôn đặt con người làm trung tâm và hướng đến điều cốt yếu, mọi thứ khác đều là thứ yếu. Đừng bao giờ rời xa cội nguồn và đừng bao giờ từ bỏ hy vọng về tương lai.
Giáo dục là cầu nối giữa các thế hệ. Giáo dục luôn bắt nguồn từ quá khứ, nhưng không dừng lại mà hướng tới “một kế hoạch dài hạn”, là nơi cái cũ và cái mới kết hợp với nhau tạo nên một chủ nghĩa nhân văn mới.
Hơn nữa, một điều cần thiết không thể bỏ qua trong giáo dục là phục vụ. Anchises và Ascanio, ngoài sự đại diện cho truyền thống và tương lai, họ còn là biểu tượng cho những thành phần mong manh của xã hội cần được bảo vệ. Văn hoá vứt bỏ muốn chúng ta tin rằng khi một thứ gì đó không còn hoạt động tốt nữa thì nó phải bị vứt bỏ và thay đổi. Điều này được áp dụng với các sản phẩm tiêu dùng, và không may nó đã trở thành một tâm lý và cũng đã áp dụng cho con người.
Đức Thánh Cha khuyến khích các nhà giáo dục biến cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tiêu thụ thành cơ hội để tái loan báo tin mừng về ý nghĩa của con người, của cuộc sống và của thế giới.
Văn Yên, SJ
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-06/dtc-giao-duc-la-mang-lay-lich-su-va-dan-dat-the-he-tuong-lai.html