24/12/2024

Người đầu tiên trên thế giới được tiêm virus diệt ung thư

Người đầu tiên trên thế giới được tiêm virus diệt ung thư

Một loại virus có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư đã được các nhà khoa học Mỹ tạo ra. Họ đã thử nghiệm loại virus này trên người. Tình nguyện viên tham gia nghiên cứu đã trở thành những người đầu tiên được tiêm virus này.

 

 

 

Virus diệt ung thư có tên là vi rút CF33-hNIS, gọi tắt là Vaxinia. Các nhà khoa học tại Bệnh viện City of Hope ở bang California (Mỹ) và công ty công nghệ sinh học Imugene Limited đã cùng tạo ra loại virus này, theo chuyên tạp chí y khoa News Medical (Anh).

Người đầu tiên trên thế giới được tiêm virus diệt ung thư - ảnh 1
Virus Vaxinia có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư lần đầu tiên được thử nghiệm trên người  SHUTTERSTOCK

Vaxinia là một loại virus có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư. Chúng được các nhà khoa học biến đổi gien để nhắm vào tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng lại không tấn công tế bào khỏe mạnh.

Ngoài việc lây nhiễm lên các tế bào ung thư và tiêu diệt chúng, virus Vaxinia còn hỗ trợ các tế bào lympho T nhận diện ung thư. Nhờ đó mà hệ miễn dịch có thể nhận diện tế bào ung thư là mối đe dọa và tìm cách tiêu diệt.

“Nhóm của chúng tôi đã tạo ra loại virus có khả năng tiêu diệt ung thư này để làm những gì mà nó cần làm”, tiến sĩ Yuman Fong, giáo sư phẫu thuật ung thư và là một trong những người dẫn đầu nghiên cứu tại Bệnh viện City of Hope, giải thích.

Nhóm nghiên cứu đã bắt đầu phát triển virus Vaxinia từ cuối năm 2020. Trước đó, họ đã thử nghiệm virus trên chuột nhưng chưa thử nghiệm trên người. Nghiên cứu trên người vừa mới khởi động từ tháng 4.2022 và sẽ kéo dài đến cuối năm 2024.

Trong giai đoạn 1 sẽ có tổng cộng 100 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu. Tất cả đều đã được tiêm virus Vaxinia vào ngày đầu tiên và ngày thứ 8. Phương thức tiêm qua 2 cách là tiêm thuốc qua tĩnh mạch và tiêm trực tiếp vào khối u.

Một số tình nguyện viên còn được điều trị kết hợp với pembrolizumab, loại thuốc được dùng để điều trị một vài loại ung thư cụ thể.

Các nhà nghiên cứu sẽ phân tích kết quả để xác định liều lượng phù hợp nhất cho bệnh nhân ung thư, đồng thời kiểm tra xem virus Vaxinia có thực sự an toàn hay không.

Nếu thành công, virus Vaxinia sẽ được thử nghiệm trên số lượng lớn tình nguyện viên. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng trong tương lai loại thuốc này sẽ được sử dụng rộng rãi cho các bệnh nhân ung thư, theo News Medical.

NGỌC QUÝ

TNO