24/11/2024

Thuỷ điện Campuchia góp phần với Trung Quốc xả gần 3 tỉ mét khối nước

Thuỷ điện Campuchia góp phần với Trung Quốc xả gần 3 tỉ mét khối nước

Trong tuần qua, 18/45 đập thủy điện trên sông Mê Kông được theo dõi đã xả gần 3 tỉ mét khối nước.

 

 

Theo bản tin của Dự án MDM (Mekong Dam Monitoring), đập Noạ Trát Độ (Trung Quốc) vẫn đóng vai trò chính với lượng nước xả ra hơn 1 tỉ mét khối. Điểm đặc biệt trong tuần này là sự vận hành bất thường của đập Hạ Sesan 2 (Campuchia) xả 770 triệu mét khối. “Việc xả nước của đập Nọa Trát Độ là phù hợp với quy luật vận hành vào thời điểm này trong năm, nhưng với đập Hạ Sesan 2 thì không như vậy. Nó gần như xả hết dung tích hữu ích. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân của việc xả nước ồ ạt này từ đập Hạ Sesan 2, có thể vì nhu cầu điện tăng đột biến hoặc một lý do khác khiến hồ chứa bị xả nước khẩn cấp”, các chuyên gia của MDM bình luận.

Thủy điện Campuchia góp phần với Trung Quốc xả gần 3 tỉ mét khối nước - ảnh 1
Đập thủy điện Hạ Sesan 2 tại tỉnh Stung Treng ở Campuchia được xây trên sông Tonle San, phụ lưu lớn của sông Mê Kông   AFP

Theo kết quả quan trắc của MRC (Ủy hội sông Mê Kông quốc tế) khoảng 770 triệu mét khối nước đập Hạ Sesan 2, cùng với việc xả nước lượng lớn từ các đập ở thượng nguồn Trung Quốc trước đó đã gây ra sự gia tăng tổng hợp mực nước sông tại Kratié khoảng 1,3 mét trong khoảng thời gian từ ngày 3 – 8.5.

MDM cho biết: “Chúng tôi tin rằng lượng nước vượt mức sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới. Trạm quan trắc Stung Treng (Campuchia) ghi nhận mức cao hơn trung bình trong lịch sử khoảng 1,4 mét do việc xả đập ở thượng nguồn và lượng mưa trái mùa”.

Tuần qua, là thời điểm các đập thủy điện vận hành bất thường nhất kể từ đầu mùa khô năm nay khi MDM đưa ra các cảnh báo đỏ trong 4 ngày liên tiếp. Các cảnh báo đỏ được phát ra khi các đập thủy điện đóng mở đột ngột dẫn đến nguy cơ mực nước sông biến động trong khoảng từ 0,5 – 1 mét.

Theo quan trắc của MRC, mực nước ở các trạm đo đầu nguồn đang cao hơn mức trung bình nhiều năm; trong khi các trạm phía hạ lưu ở Lào như Viêng Chăn, Nakhon Phanom, Pakse và Campuchia là Kratie, Kompong Cham đều vượt mức lịch sử.

Trong thời gian qua, ngoài các đập thủy điện của Trung Quốc đóng vai trò chính thì các đập ở Lào và Campuchia cũng góp phần làm mực nước thêm bất thường. Càng nguy hiểm hơn khi các con đập này gần với Việt Nam hơn so với các đập ở thượng nguồn.

Bên cạnh việc thủy điện xả nước, ở khu vực ĐBSCL đang vào mùa mưa kéo dài đến phía nam Campuchia đã tạo ra lượng nước dồi dào hơn trung bình nhiều năm ở 2 khu vực này. Ngược lại, phần lớn bắc Lào vẫn đang kiểu thời tiết khô hạn hơn bình thường. Vùng đầu nguồn cũng khô hơn dự kiến ​​bởi lớp băng tuyết bị đóng băng.

CHÍ NHÂN

TNO