Chỉ vì ‘đòi một chầu nhậu kha khá’, mất 40% tiền viện trợ
Kể lại trường hợp lãnh đạo của một xã nghèo tìm mọi cách để ăn chặn tiền dự án, hậu quả là người dân xã này chịu thiệt, bạn đọc Danh Quốc Cường kết luận: phải nâng tầm cho cán bộ cấp xã, tránh nhiều vụ gây mất hình ảnh như năm qua!
Chỉ vì ‘đòi một chầu nhậu kha khá’, mất 40% tiền viện trợ
Kể lại trường hợp lãnh đạo của một xã nghèo tìm mọi cách để ăn chặn tiền dự án, hậu quả là người dân xã này chịu thiệt, bạn đọc Danh Quốc Cường kết luận: phải nâng tầm cho cán bộ cấp xã, tránh nhiều vụ gây mất hình ảnh như năm qua!
Cán bộ xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh vận động người dân, đưa xe máy đón các cụ già đi sơ tán tránh cơn bão số 10 vừa qua – Ảnh: DOÃN HOÀ
Dưới đây là góc nhìn của bạn đọc Danh Quốc Cường.
“Cán bộ cấp xã (phường, xã, thị trấn) là hình ảnh đại diện cuối cùng của bộ máy nhà nước trong mắt người dân và các nhà tài trợ quốc tế. Do vậy, phải nâng tầm cho cán bộ cấp xã, tránh nhiều vụ gây mất hình ảnh như năm qua.
Vị trí của cấp xã có thể ví như ở đáy lòng chảo, mọi chính sách đổ dồn xuống đó, lương bổng không bao nhiêu, việc thì quá nhiều. Tuy nhiên, không phải vì thế mà cán bộ xã có thể thiếu kiềm chế, gây ra sai phạm hoặc phát sinh tiêu cực.”
Danh Quốc Cường
Trong năm 2017 có nhiều vụ tai tiếng liên quan đến lối hành xử và sai phạm của cán bộ cấp xã.
Chỉ tính riêng trong tháng 12-2017, đã có hàng loạt vụ việc như công an xã còng tay “mời” người dân lên trụ sở làm việc, cán bộ chính sách xã lừa tiền hàng chục hộ nghèo, chủ tịch UBND một xã bị cách chức do liên quan đến phá rừng phòng hộ, ông phó chủ tịch UBND một phường chửi dân “mày là ngụy quân tử”…
Cán bộ xã sai, dân thiệt
Điểm sơ qua các vụ tai tiếng của cán bộ cấp xã năm qua thì thấy đáng ngại nhất là những vụ tùy tiện cắt xén, “ăn chặn” tiền của dân nghèo hoặc tiền hỗ trợ thiên tai, thái độ tiếp dân thiếu ân cần và những vi phạm mang tính tùy tiện trong thi hành công vụ.
Trong các vụ này, rõ ràng là người dân ở địa phương đó bị thiệt thòi nhiều nhất.
Nói riêng về lề lối làm việc và tâm lý “kiếm chút cháo” của cán bộ cấp xã, tôi còn nhớ như in câu chuyện lúc thực hiện dự án do cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch và Úc (DANIDA và AUSAID) tài trợ cho miền Tây (năm 2007 – 2011).
Đặc điểm chung của các dự án loại này là phải sử dụng tiền cho đúng tiến độ và đúng quy trình nghiêm ngặt theo yêu cầu của các nhà tài trợ quốc tế. Nếu không thì phải trả lại tiền hoặc chuyển sang địa phương khác.
Lúc đó, tôi được giao làm việc với lãnh đạo nhiều xã để hướng dẫn các quy trình cần thiết nhằm kịp giải ngân một số vốn còn tồn đọng ở cuối dự án. Trong tám xã mà tôi phụ trách, có một lãnh đạo xã chậm chạp trong thực hiện các kế hoạch và rất hay “quên” lịch hẹn, tức hẹn họp mà không đến, họp dân mà không mời dân…
Bức xúc, tôi tìm hiểu thì hóa ra vị này không mấy ưa thích chuyện họp dân để công khai minh bạch đối với một số loại tiểu công trình dân sinh mà ông cho là “nho nhỏ”, cụ thể như dự án này ở xã ông: xây dựng trên 20 giếng khoan cho 100 hộ dân vùng sâu đang thiếu nước sạch trầm trọng.
Lo tiền tài trợ không tới tay người nghèo nên tôi làm đủ mọi cách, trực tiếp cầm tay chỉ việc, gặp nhiều người để thúc đẩy tiến độ dự án ở xã này. Đến lúc người dân chọn được thầu xây dựng thì nhà thầu này lại muốn bỏ cuộc vì “ổng đòi 30%, khổ quá!”.
Tôi lại khuyên chủ thầu đi năn nỉ vị lãnh đạo ấy, nói đây là tiền của người nghèo, vốn từ nước ngoài nên kiểm soát việc mua vật tư chặt lắm…
Khi vị chủ thầu này báo tôi là đã xong việc, tôi hỏi vụ 30% thì ông buồn buồn cho biết không phải chi khoản này nhưng phải tốn một chầu nhậu kha khá.
Điều đáng buồn nhất là người dân xã này cuối cùng chỉ nhận được 60% nguồn tài chính mà đáng lẽ họ được hưởng trọn. Sau vụ việc, chính tôi đã bàn với anh em trong dự án là cần chuyển 40% còn lại cho một xã nghèo khác.
Hãy nâng cấp một tài sản của cộng đồng
Ở các nước phát triển, họ xem cán bộ địa phương là một tài sản đặc biệt của cộng đồng. Họ có các tiêu chí rạch ròi để chọn lựa, nâng cấp, đầu tư thích đáng cho đội ngũ này, trong đó tiêu chí trong sạch và ân cần khi tiếp dân được đặt lên hàng đầu.
Ở một số nước như Anh, Mỹ, khi đánh giá mức độ phát triển của một cộng đồng, người ta còn dựa vào “tần suất” người dân liên hệ, ghé thăm, giao tiếp với chính quyền địa phương.
Nếu người dân ngại tiếp xúc với cán bộ địa phương thì địa phương đó đang có vấn đề, ít nhất là về tính thân thiện của chính quyền và thông tin chính sách sẽ không kịp thời cho người dân, đặc biệt là người yếu thế.
Tôi có đọc một số báo cáo của các học giả nước ngoài thì thấy một nhận định chung của họ là nhiều người nghèo của nước ta đang thiếu khả năng tiếp cận nhiều loại dịch vụ (thông tin, chính sách…) mà đáng lẽ họ phải biết sớm để đòi quyền lợi của mình.
Một số tài liệu còn ghi nhận nhiều người nghèo “ngại lên xã”, nhất là đối với những người ít học và người ít rành tiếng Việt.
Để cán bộ cấp xã ở ta ân cần, giao tiếp cởi mở, không phải chỉ gần gũi người dân mà còn phải làm cho dân thích tìm đến mình, cần rất nhiều giải pháp như nâng chất đội ngũ, sắp xếp cán bộ hợp lý, tăng lương, xử lý nghiêm vi phạm…
Ở giai đoạn hiện nay, giải pháp cụ thể nhất có lẽ là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý hành chính, đồng thời nâng cao nhiều loại kỹ năng mềm cho cán bộ xã.
Trong đó, cần chú ý đến kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý công việc, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng quản lý thời gian…
Những kỹ năng này cực kỳ quan trọng với cán bộ cấp xã nhưng dường như chưa có xã phường nào ở ta được trang bị nghiêm túc cả”.
Dễ mất nguồn tài trợ
Trong khuôn khổ thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ đối với các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, giáo dục tiểu học, nước sạch, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, sức khỏe sinh sản, môi trường, HIV/AIDS…, hàng loạt tổ chức quốc tế đang phối hợp với cấp xã ở nước ta để thực hiện nhiều dự án có liên quan.
Trong quá trình này, họ giao dịch, hội họp thường xuyên với cán bộ địa phương; tổ chức lấy ý kiến, phỏng vấn doanh nghiệp, nhân dân, cán bộ… Bởi vậy cán bộ địa phương mà có tác phong, lề lối và hành xử tùy tiện trong xử lý công việc sẽ tạo hình ảnh xấu và hệ quả là dễ mất luôn các nguồn tài trợ.
Thiệt thòi nhất chắc chắn là người nghèo, người khuyết tật, trẻ em; nói chung là người yếu thế.