23/11/2024

ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Sự thảo kính đối với người già

Tình yêu đối với hữu thể nhân bản vốn là của chung chúng ta, bao gồm việc tôn kính một cuộc đời đã sống, không phải là vấn đề đối với người già. Đúng hơn đó là một tham vọng sẽ mang lại vẻ đẹp rạng rỡ cho tuổi trẻ biết kế thừa các phẩm chất tốt nhất của nó.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 20 tháng 4 năm 2022

____________________________

Loạt Bài Giáo lý Linh hứng trong Lời Chúa về ý nghĩa và giá trị của tuổi già.
Bài 6. Sự thảo kính đối với người già

Bài trích  sách Huấn Ca (3,3-6.12-13.16):

Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm,
ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.
Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái,
khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.
Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ,
ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng
Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già ;
bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi.
Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông,
chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.
Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn,
ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,
chào anh chị em buổi sáng!

Hôm nay, với sự trợ giúp của Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, chúng ta bước qua sự mong manh của tuổi già, được đánh dấu một cách đặc biệt bởi những kinh nghiệm bối rối và nản lòng, mất mát và bị bỏ rơi, vỡ mộng và nghi ngờ. Tất nhiên, những trải nghiệm về sự mong manh của chúng ta khi đối diện với những tình huống bi hài – đôi khi bi đát – có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời. Tuy nhiên, ở tuổi già, chúng có thể ít tạo ấn tượng hơn và gây cho người khác một thứ làm ngơ (habituation), thậm chí khó chịu. Đã bao lần chúng ta nghe hoặc nghĩ: ‘Người già là một mối phiền toái’ ‘-‘ Nhưng, những người già này luôn là một mối phiền toái ‘: đừng phủ nhận điều đó, đời là như vậy… Chúng ta đã nói về nó rồi, chúng ta đã nghĩ về nó rồi… Những vết thương trầm trọng hơn của thời thơ ấu và tuổi trẻ đúng là kích thích cảm giác bất công và nổi loạn, một sức mạnh phản ứng và chiến đấu. Mặt khác, những vết thương, ngay cả những vết thương trầm trọng, của tuổi già chắc chắn đi kèm với cảm giác này là, dù sao, cuộc sống không mâu thuẫn với chính nó, vì nó đã được sống qua. Và do đó, những người cao niên phần nào bị loại bỏ khỏi kinh nghiệm của chúng ta: chúng ta muốn giữ họ ở một khoảng cách.

Theo kinh nghiệm thông thường của con người, tình yêu – như đã nói – đi xuống: nó không quay trở lại cuộc sống đàng sau với cùng một sức mạnh như nó đã dành cho cuộc sống ở đàng trước chúng ta. Tính nhưng không của tình yêu còn xuất hiện ở điều này: cha mẹ bao đời nay đều biết điều này, người già sớm biết điều đó. Tuy nhiên, mạc khải mở ra một cách để đền đáp tình yêu một cách khác: cách tôn kính những người đã đi trước chúng ta, cách tôn kính những người đi trước chúng ta, cách tôn kính những người lớn tuổi.

Tình yêu đặc biệt, tình yêu dọn đường dưới hình thức tôn kính – nghĩa là cùng một lúc dịu dàng và tôn trọng – dành cho người già được đóng dấu bởi lệnh truyền của Thiên Chúa. “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi” là lời cam kết long trọng, lời cam kết đầu tiên trong “Phiến đá thứ hai” của Mười Điều Răn. Nó không chỉ nói tới cha và mẹ của riêng người ta. Nó nói tới thế hệ của họ và những thế hệ đi trước, mà việc ra đi cũng có thể chầm chậm và kéo dài, tạo ra một khoảng thời gian và không gian chung sống lâu dài với các lớp tuổi khác nhau của cuộc sống. Nói cách khác, nó nói tới tuổi già của cuộc sống, tuổi già…

Tôn kính là một hạn từ tốt để đóng khung khía cạnh này của việc đáp trả tình yêu đối với tuổi già. Nghĩa là chúng ta đã nhận được tình yêu thương của cha mẹ, của ông bà, và nay chúng ta trả lại tình yêu thương này cho họ, cho người già, cho ông bà của chúng ta. Ngày nay, chúng ta tái khám phá thuật ngữ ‘nhân phẩm’, để chỉ giá trị của việc tôn trọng và chăm sóc tuổi [đời] của mọi người. Nhân phẩm, ở đây, xét trong yếu tính, tương đương với danh dự: tôn trọng cha mẹ, tôn vinh người cao niên, và công nhận phẩm giá mà các ngài vốn có.

Chúng ta hãy suy nghĩ cẩn thận về biểu thức cao đẹp của tình yêu vốn là việc tôn kính này. Ngay việc chăm sóc người bệnh, việc hỗ trợ những người không tự lo liệu được, việc bảo đảm nuôi dưỡng, cũng có thể thiếu sự tôn kính. Sự tôn kính thiếu khi sự thái quá tự tin, thay vì được phát biểu bằng sự tế nhị và trìu mến, sự dịu dàng và tôn trọng, lại biến thành sự thô bạo và lạm dụng. Điều này xảy ra khi sự yếu đuối bị khiển trách, thậm chí bị trừng phạt, như thể đó là một lỗi lầm, và khi sự hoang mang và bối rối trở thành cơ hội cho sự chế nhạo và gây hấn. Nó có thể xảy ra ngay trong nhà, trong viện dưỡng lão, cũng như trong các cơ quan hoặc những nơi công cộng của thành phố. Việc khuyến khích nơi người trẻ, dù là gián tiếp, một thái độ trịch thượng – và thậm chí khinh thường – đối với người già, vì những yếu đuối và sự bấp bênh của các ngài, tạo ra những điều khủng khiếp. Nó mở đường dẫn đến những quá lạm ngoài sức tưởng tượng. Những người trẻ tuổi đốt cháy chiếc chăn của “kẻ ăn bám” – chúng ta đã thấy điều này, phải không? – bởi vì họ coi vị này là đồ bỏ đi của con người, và chúng ta thường nghĩ rằng đồ cũ là đồ bỏ đi, hoặc chúng ta bỏ chúng vào thùng rác; những người trẻ đã đốt chiếc chăn của kẻ ăn bám này là phần nổi của tảng băng chìm, tức là tảng băng của sự khinh miệt đối với một cuộc sống, không còn hấp dẫn và kích thích tuổi trẻ nữa, xem ra như một cuộc sống đã bị gạt sang một bên rồi. “Bỏ đi” là một hạn từ, phải không? Khinh người già và loại bỏ các ngài khỏi cuộc sống, gạt các ngài sang một bên, vứt bỏ các ngài.

Sự khinh miệt trên, sự khinh miệt bất tôn kính người già, thực sự làm xấu mặt tất cả chúng ta. Nếu tôi làm ô danh người già, tôi làm ô nhục chính mình. Đoạn văn trong Sách Huấn ca, mà chúng ta đã nghe ở phần đầu, đúng là nghiêm khắc đối với sự thiếu tôn kính này, một sự thiếu tôn kính đòi báo thù trước mặt Thiên Chúa. Có một đoạn trong câu chuyện về ông Nôê rất biểu cảm về vấn đề này – Tôi không biết anh chị em có nhớ nó không. Ông già Nôê, người hùng của trận hồng thủy và vẫn còn là một công nhân chăm chỉ, nằm bất tỉnh sau khi uống quá nhiều rượu. Ông cụ đã già rồi, nhưng ông cụ uống quá nhiều. Vì không muốn làm ông thức giấc và làm ông xấu hổ, các con trai của ông nhẹ nhàng che ông lại, nhìn đi chỗ khác, hết sức tôn trọng. Bản văn này rất đẹp và nói lên tất cả mọi sự về việc tôn kính phải có đối với một người lớn tuổi. Để che đậy yếu điểm của người già, để các ngài không cảm thấy xấu hổ. Một bản văn giúp chúng ta rất nhiều.

Bất chấp tất cả những cung ứng vật chất mà các xã hội giàu có và có tổ chức hơn dành cho tuổi già – điều mà chắc chắn chúng ta có thể tự hào – cuộc đấu tranh để khôi phục hình thức tình yêu đặc biệt là kính trọng vẫn có vẻ mong manh và non nớt. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ và khuyến khích nó, cung cấp hỗ trợ xã hội và văn hóa tốt hơn cho những người nhạy cảm với hình thức có tính quyết định này của ‘nền văn minh tình yêu’.

Và về điểm này, cho phép tôi đưa ra một số lời khuyên cho các bậc cha mẹ: làm ơn, hãy đưa con cái, trẻ nhỏ đến gần người già, hãy luôn đưa chúng đến gần hơn. Và khi người già đau ốm, hơi lãng trí, hãy luôn đến gần các ngài: hãy cho các ngài biết rằng đây là ruột thịt của chúng ta, đây là điều đã làm cho chúng ta có thể hiện hữu ở đây. Xin đừng đẩy người già ra xa. Và nếu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gửi các ngài vào viện dưỡng lão, xin hãy đến thăm các ngài và đưa lũ trẻ đến gặp các ngài: các ngài là niềm vinh dự của nền văn minh chúng ta, những người già đã mở cửa. Và nhiều lần, bọn trẻ quên điều này.

Tôi sẽ nói với anh chị một điều có tính bản thân: Tôi hay thích đến thăm các viện dưỡng lão ở Buenos Aires. Tôi đã đi thường xuyên. Tôi đi thường xuyên, thăm hỏi từng người một… Và tôi nhớ có lần tôi hỏi một bà: “Bà có mấy con?” – “Tôi có bốn đứa con, tất cả đều đã lập gia đình, có cháu…,” và bà ấy bắt đầu nói với tôi về gia đình. “Và chúng có đến [thăm] không?” – “có”, [bà ấy nói,] “chúng luôn đến!” Khi tôi rời khỏi phòng, cô y tá, người đã nghe thấy, nói với tôi: “Thưa cha, bà ấy nói dối để che đậy cho những đứa con của mình. Sáu tháng không có ai đến!” Đây là phế bỏ người già, là nghĩ rằng người già là đồ bỏ. Xin làm ơn: đó là một tội trọng. Đây là điều răn lớn đầu tiên, và là điều răn duy nhất nói đến phần thưởng: “Hãy hiếu kính cha mẹ, thì các ngươi được sống lâu trên mặt đất.” Xin vui lòng trân trọng những người cao niên. Và [thậm chí] nếu tâm trí của các ngài có suy giảm, xin vẫn trân trọng người cao niên. Vì các ngài là sự hiện diện của lịch sử, sự hiện diện của gia đình tôi, và nhờ họ mà tôi có mặt ở đây, tất cả chúng ta có thể nói: thưa ông thưa bà, nhờ có ông, có bà mà con còn sống. Xin đừng để các ngài một mình. Và điều này, chăm sóc người già, không phải là vấn đề của phẫu thuật thẩm mỹ, không. Đúng hơn, đó là một vấn đề tôn kính, vấn đề phải biến đổi cách chúng ta giáo dục giới trẻ về cuộc sống và các giai đoạn của nó. Tình yêu đối với hữu thể nhân bản vốn là của chung chúng ta, bao gồm việc tôn kính một cuộc đời đã sống, không phải là vấn đề đối với người già. Đúng hơn đó là một tham vọng sẽ mang lại vẻ đẹp rạng rỡ cho tuổi trẻ biết kế thừa các phẩm chất tốt nhất của nó. Cầu xin sự khôn ngoan của Thánh Thần Thiên Chúa ban ơn để chúng ta mở chân trời cho cuộc cách mạng văn hóa đích thực này với năng lượng cần thiết. Cảm ơn anh chị em.

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: http://www.vietcatholicnews.org/