Lễ Phục Sinh ở Myanmar, Đức Hồng y Bo: Nơi thờ phượng bị ảnh hưởng, nhưng Giáo hội vẫn đứng vững
Lễ Phục Sinh ở Myanmar, Đức Hồng y Bo: Nơi thờ phượng bị ảnh hưởng, nhưng Giáo hội vẫn đứng vững
Lễ Phục Sinh ở Myanmar có gam màu không sáng sủa lắm, nhưng ánh sáng hy vọng không tắt và được bén rễ sâu nơi Chúa Kitô, Đấng Cứu độ con người. Những tia sáng nhỏ được hé lộ từ nơi đây, nơi bạo lực vẫn đang hoành hành và khủng hoảng tiếp diễn với hàng nghìn người tị nạn chạy trốn khỏi một môi trường chính trị và xã hội đang trên đà xấu đi. Đức hồng y Bo cho biết “chúng tôi vẫn đang ở đồi Golgoth”, ngài nhớ lại những sự kiện gần đây tại Mandalay khi một trăm binh lính đã đột kích vào khuôn viên nhà thờ lúc các tín hữu đang cử hành Cuộc Thương khó.
Quân đội không tha những nơi thờ tự
Tại vùng Sagaing, các làng Công giáo cũng là mục tiêu tấn công của quân chính phủ. Trong vùng Chin và Kayah, quân đội đã tấn công các nhà thờ của người Công giáo, Tin Lành Baptists và các Kitô giáo khác trong nhiều tháng, bắt giữ các linh mục và mục sư. Tổng cộng bốn trong số 16 giáo phận Công giáo là địa điểm của cuộc nội chiến. Người tị nạn Myanmar lang thang trong rừng, hoặc tìm nơi trú ẩn trong các trại, nhiều người khác đến vùng biên giới cạnh Thái Lan. Đức Hồng y bày tỏ tất cả sự đau buồn của mình khi “những nỗ lực vì hoà bình cho đến nay đều vô ích”. Ngài nói thêm: “Nỗi đau trong những giờ phút cuối cùng của Chúa Giêsu hiện lên trong ánh mắt và trái tim của những người mẹ có con và chồng chết ở Myanmar cũng như ở Ucraina.”
Ngài giải thích: “Về đức tin, chúng tôi chắc chắn rằng con đường thương khó là con đường mà qua đó Chúa chiến thắng sự ác và mang lại hoà bình. Những lời cầu nguyện của người dân trong Tuần Thánh đã được lắng nghe. Tôi không thể tin rằng Thiên Chúa không nghe.” Đức hồng y thừa nhận rằng không ai được miễn khỏi sự sụp đổ của nền kinh tế và các dịch vụ căn bản: hơn một nửa dân số rơi xuống tình trạng nghèo và giá lương thực đang tăng. Nhưng sự phẫn uất mạnh mẽ được cảm nhận rõ nhất nơi hầu hết những người trẻ tuổi, họ bị tước đoạt tương lai. “Tất cả những việc này là một sự lãng phí.”
“Dừng giết chóc”
Đức hồng y nói: Giáo hội không thể thừa nhận các bài phát biểu về sự trả thù. Ngài nhận thấy rằng, thế giới đang tập trung vào Ucraina, tuy nhiên, chính tại Myanmar “các tội ác đã gây ra là như nhau, ngay cả với cùng một loại vũ khí hủy diệt của Nga”. Một lần nữa ngài lớn tiếng kêu gọi: “Hãy dừng các vụ giết người lại!”. Tiếp đó, ngài nuối tiếc vì những hạn chế mà các cơ quan nhân đạo trong nước phải gánh chịu, cụ thể là việc không thể tiếp cận được những người đang cần sự giúp đỡ. “Chúng tôi, Giáo hội Công giáo, cố gắng giúp đỡ, bằng các nguồn lực của mình, nhưng chúng tôi e sợ rằng Caritas quốc tế khi tham gia trợgiúp ở Ucraina, sẽ không thể giúp các nạn nhân khác của chiến tranh.” Đức Hồng y Bo – người gần đây đã đến bang Kayah để lắng nghe nhu cầu của những người tị nạn – báo cáo số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc rằng: hiện có thêm 520.000 người tị nạn mới ngoài 370.000 người đã bị trục xuất khỏi nhà của họ.
Một Giáo Hội nhỏ bé nhưng ngoan cường, trung thành với Thập giá
Đức hồng y Bo chân thành thừa nhận rằng trong một tình huống như thế này “không có giải pháp hoặc sự giải thoát nhanh chóng và dễ dàng”. Tuy nhiên, ngài chỉ ra rằng người Myanmar đã trải qua bảy thập kỷ cai trị của quân đội. “Mọi người không bị lừa bởi những lời nói dối. Là Kitô hữu, chúng tôi tìm thấy hy vọng nơi mầu nhiệm sâu xa của sự điên rồ trên thập giá. Làm môn đệ của Chúa Giêsu không miễn cho chúng ta khỏi cái chết, đúng hơn nó đòi chúng ta phải chết mỗi ngày.” Ngài kết luận: “Niềm tin sâu sắc của người dân vào thời gian thử thách này thật mạnh mẽ.”
Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2022-04/le-phuc-sinh-o-myanmar.html