01/11/2024

Nhiều phát hiện mới đáng lo: Virus ngày càng nguy hiểm với loài người

Nhiều phát hiện mới đáng lo: Virus ngày càng nguy hiểm với loài người

Hàng nghìn loại virus mới được khám phá, chúng xuất hiện trong không khí, động vật, đại dương, thậm chí rơi từ trên trời xuống. Chúng đang lặng lẽ biến đổi với tốc độ nhanh khiến con người không thể không đề cao cảnh giác.

 

 

Nhiều phát hiện mới đáng lo: Virus ngày càng nguy hiểm với loài người - Ảnh 1.

SARS-CoV-2 thường đột biến bằng cách xóa các phần nhỏ mã di truyền của nó – Ảnh: GETTY

Virus được phát hiện vào năm 1892, và cho đến nay các nhà khoa học vẫn đang khám phá ra những bí mật mới về chúng.

Virus không phải là những sinh vật sống hoàn toàn và không có cách nào để tự sinh sản. Thay vào đó, chúng xuất hiện từ vật liệu di truyền, thường là DNA hoặc RNA, được bọc trong một lớp phủ protein. 

Do khả năng tích hợp mã di truyền của chúng vào mã của vật chủ, nên các gene virus được tìm thấy ẩn trong mã di truyền của nhiều sinh vật trên khắp thế giới, từ vi khuẩn đến con người, từ sâu dưới đại dương đến bên trong băng triệu năm ở Bắc Cực.

Dưới đây là những phát hiện mới về virus mà các nhà khoa học đã khám phá gần đây.

 

Coronavirus lặng lẽ đột biến không có dấu hiệu báo trước

Trong vòng 4 năm qua, SARS-CoV-2 đã phát triển nhiều đột biến dẫn đến nhiều biến thể trên khắp thế giới. Nhưng vì sao điều này lại xảy ra?

Trong công bố vào tháng 2-2021 trên tạp chí Science, các nhà khoa học đã làm sáng tỏ cách thức vì sao virus đột biến dễ dàng như vậy và tại sao những đột biến này “thoát khỏi” phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng SARS-CoV-2 thường đột biến bằng cách xóa các phần nhỏ mã di truyền của nó. Những vị trí xóa này thường xuất hiện ở những điểm tương tự trên bộ gene, cũng chính là những vị trí mà các kháng thể của con người sẽ liên kết và bất hoạt virus. Vì thế, nhiều kháng thể không thể nhận ra virus mới xuất hiện.

 

Hàng nghìn loại virus mới được tìm thấy trong các đại dương trên thế giới

Theo Live Science, gần đây các nhà khoa học đã phân tích hơn 35.000 mẫu nước từ khắp nơi trên thế giới, tìm kiếm virus RNA, hoặc virus sử dụng RNA làm vật liệu di truyền, và xác định được hơn 5.000 loài virus mới trong các đại dương trên thế giới.

Sự đa dạng của các loại virus mới phát hiện lớn đến mức các nhà nghiên cứu đã đề xuất tăng gấp đôi số lượng nhóm phân loại cần thiết để phân loại virus RNA.

Tất cả virus RNA đều chứa một gene cổ xưa gọi là RdRp, có tuổi đời hàng tỉ năm. Những virus này đều có thể biến đổi theo cách chúng ta rất khó ngờ, và không loại trừ khả năng tạo nên những đại dịch mới.

Nhiều phát hiện mới đáng lo: Virus ngày càng nguy hiểm với loài người - Ảnh 2.

Hàng nghìn loại virus mới được khám phá, chúng xuất hiện trong không khí, động vật, đại dương, thậm chí rơi từ trên trời xuống – Ảnh: GETTY

Tìm thấy hàng nghìn loại virus trong ruột người

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 2-2021 trên tạp chí Cell, các nhà khoa học đã phân tích hơn 28.000 mẫu vi sinh vật trong ruột người từ 28 quốc gia và phát hiện hơn 70.000 loại virus chưa từng được biết đến trước đây ẩn trong đó.

Đáng chú ý, tất cả các virus mới được tìm thấy đều là thực khuẩn (phage), hoặc virus lây nhiễm vi khuẩn.

May mắn thay, một người sẽ chỉ mang theo một phần nhỏ các loại virus mới được phát hiện, và phần lớn các loại virus này không có khả năng gây hại cho con người.

Nhiều phát hiện mới đáng lo: Virus ngày càng nguy hiểm với loài người - Ảnh 3.

Virus đang lặng lẽ biến đổi với tốc độ nhanh khiến con người không thể không đề cao cảnh giác – Ảnh: GETTY

Virus có thể từ trên trời rơi xuống theo đúng nghĩa đen

Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã tự hỏi tại sao các loại virus giống nhau về mặt di truyền lại có thể được tìm thấy cách nhau rất xa trên Trái đất. Câu trả lời là virus có thể di chuyển trong khí quyển theo các dòng không khí.

Trong một bài báo được xuất bản vào tháng 1-2018 trên Tạp chí Sinh thái vi sinh vật đa ngành, các nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng virus có thể bám trên các hạt đất hoặc nước và bay lên cao vào tầng đối lưu, và cuối cùng rơi xuống một địa điểm hoàn toàn mới trên Trái đất.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng khi virus đạt đến tầng đối lưu, ở độ cao khoảng 2.500-3.000m trên bề mặt Trái đất, chúng có thể di chuyển xa hơn nhiều so với khi ở độ cao thấp hơn. Do tác động của các dòng không khí nên một mét vuông bề mặt nhất định của Trái đất có thể chứa hàng trăm triệu virus trong một ngày.

Virus nào sẽ gây ra đại dịch tiếp theo?

SARS-CoV-2 là mầm bệnh mới nhất “lây lan” từ động vật sang người, nhưng hàng trăm nghìn loại virus khác ẩn náu trong động vật đều có thể gây ra mối đe dọa tương tự.

Theo SpillOver, công cụ trực tuyến xếp hạng virus theo khả năng lây nhiễm từ động vật sang người và gây ra đại dịch, trong số các loại vius chưa có nguồn gốc từ động vật, virus xếp hạng cao nhất – hoặc loại virus có khả năng lây nhiễm cao nhất từ ​​động vật sang người và gây ra đại dịch – là coronavirus 229E (chủng dơi), thuộc cùng họ virus như SARS-CoV-2 và lây nhiễm cho dơi ở châu Phi.

Một loại virus hàng đầu khác là coronavirus PREDICT CoV-35, cũng thuộc họ coronavirus và lây nhiễm cho dơi ở châu Phi và Đông Nam Á.

Các nhà nghiên cứu hy vọng công cụ truy cập này có thể được các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và quan chức y tế công cộng khác sử dụng để ưu tiên cho các hoạt động nghiên cứu, giám sát và giảm thiểu rủi ro, chẳng hạn như có thể phát triển vắc xin hoặc liệu pháp điều trị trước khi dịch bệnh bùng phát.

MINH HẢI (Theo Live Science, Cell)
TTO