Phát hiện nguyên nhân khiến tế bào ung thư có thể di căn
Phát hiện nguyên nhân khiến tế bào ung thư có thể di căn
Chỉ cần một lượng nhỏ vi khuẩn xâm nhập khối u cũng có thể khiến khối u – vốn từ đầu hiếm khi di căn – bắt đầu di căn, theo một nghiên cứu mới đây.
Lý do khiến nhiều bệnh ung thư trở nên đặc biệt nguy hiểm đó là chúng có thể di căn. Một nghiên cứu mới do các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện đã chỉ ra rằng vi khuẩn trong các tế bào khối u đã giúp khối u dịch chuyển vị trí, đồng thời thúc đẩy sự tồn tại của tế bào trong quá trình phát triển của khối u.
Các nhà nghiên cứu làm việc tại Phòng thí nghiệm Khoa học đời sống và y sinh học Westlake phát hiện ra rằng vi khuẩn có thể chiếm đoạt các tế bào khối u và tăng cường sức mạnh của các tế bào chủ đó, qua đó làm giảm việc tăng áp lực lên các mạch máu.
Chuyên gia Cai Shang – tác giả chính của báo cáo trên – cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hành vi của tế bào ung thư chịu sự kiểm soát của các vi khuẩn ẩn bên trong các khối u, phần lớn ban đầu chúng được cho là không có khả năng di căn”.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell, ông Cai và các cộng sự đã sử dụng mô hình nghiên cứu là chuột bị ung thư vú với một lượng đáng kể vi khuẩn sống bên trong tế bào, tương tự như ung thư vú ở người. Vi khuẩn trong mô ung thư phong phú hơn khoảng 10 lần so với vi khuẩn trong mô vú bình thường.
Họ đã phát hiện ra rằng các vi khuẩn có thể di chuyển qua hệ tuần hoàn cùng với các tế bào ung thư và những vi khuẩn này có thể điều chỉnh mạng lưới actin của tế bào – một loại protein tham gia nhiều hình thái chuyển động của tế bào, bao gồm cả sự co cơ.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những vi khuẩn nói trên chủ yếu làm dịch chuyển các tế bào ung thư, thay vì ảnh hưởng đến ung thư biểu mô tại chỗ.
Ông Cai cho biết: “Chỉ cần một lượng nhỏ vi khuẩn xâm nhập khối u vú cũng có thể khiến khối u – vốn từ đầu hiếm khi di căn – bắt đầu di căn”.
Sau đó, các nhà nghiên cứu tiêm kháng sinh vào máu chuột để loại bỏ vi khuẩn khối u. Họ phát hiện ra rằng khối u không hề nhỏ lại, nhưng khả năng di căn phổi giảm đi rõ rệt. Ở chiều ngược lại, nếu tiêm những vi khuẩn đó vào cơ thể chuột, khả năng di căn của khối u tăng lên đáng kể.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng các tế bào khối u trong máu có xu hướng bị tiêu diệt dưới áp lực cơ học, nhưng các vi khuẩn bên trong có thể làm cho chúng mạnh hơn bằng cách cấu trúc lại bộ khung của chúng.
Mặc dù vậy, nghiên cứu trên không làm rõ vi khuẩn đã làm cách nào để xâm nhập và phát triển bên trong các tế bào ung thư. Theo các nhà nghiên cứu, sẽ cần có thêm những nghiên cứu chuyên sâu hơn để tìm ra manh mối trong vấn đề này nhằm ứng dụng thuốc kháng sinh hiệu quả hơn trong điều trị ung thư.
Di căn là một thuật ngữ thường được sử dụng trong y học để nói về sự di chuyển của các tế bào ung thư sang các bộ phận, khu vực khác trong cơ thể. Nhìn chung, ung thư di căn có đặc điểm và tính chất gần giống với ung thư nguyên phát (ung thư chưa di căn, vẫn nằm ở vị trí ban đầu), tuy nhiên mức độ phát tán và nguy hiểm của chúng lớn hơn rất nhiều.