Cơ hội vàng khi tiểu hành tinh bay ngang trái đất
Cơ hội vàng khi tiểu hành tinh bay ngang trái đất
Một tiểu hành tinh cỡ một tòa nhà nhỏ đã bay ngang trái đất hôm 6.4 (giờ Việt Nam), mang đến cơ hội vàng cho các nhà thiên văn học trong nỗ lực nghiên cứu cách thức ngăn chặn một vụ va chạm trong tương lai.
Một tiểu hành tinh đang di chuyển trong không gian NASA |
Được đặt tên 2022 GN1, tiểu hành tinh ước tính có chiều dài từ 7,4 đến 17 m, di chuyển với tốc độ 55.836 km/giờ, theo Đài CNN dẫn thông tin từ Trung tâm nghiên cứu các vật thể gần trái đất (CNEOS) thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Thiên thể này tiếp cận địa cầu ở khoảng cách 127.000 km, hoặc khoảng 1/3 khoảng cách giữa mặt trăng – trái đất.
GN1 có kích thước tương đương thiên thạch Chelyabinsk, đã nổ tung trên bầu trời khu vực Ural ở phía nam Nga vào năm 2013 và tạo nên sóng xung kích khắp khu vực. Khoảng 1.200 người bị thương, chủ yếu do kính vỡ bởi tác động của sóng xung kích tỏa ra từ vụ nổ này.
Không giống như Chelyabinsk, GN1 hiện chưa phải là mối đe dọa cho hành tinh chúng ta, ông Gianluca Masi, nhà sáng lập và giám đốc khoa học Dự án Kính Thiên văn Ảo, cho biết.
Thay vào đó, những lần bay ngang trái đất như của tiểu hành tinh GN1 mang đến các nhà khoa học cơ hội hiểu biết thêm về chúng.
Trong trường hợp các tiểu hành tinh, gần như luôn có khả năng sẽ có một tiểu hành tinh đâm trúng trái đất. Đó là lý do Văn phòng Phối hợp Phòng thủ Hành tinh của NASA đang theo dõi các vật thể di chuyển trong không gian có khả năng đe dọa địa cầu.
Một trong những sứ mệnh gần đây nhất của cơ quan này là DART. NASA đang thử nghiệm khả năng liệu một sự tác động vật lý (phóng phi thuyền va chạm trực tiếp) có thể đổi hướng và tốc độ của một tiểu hành tinh hay không.
Và những thông tin thu thập được từ việc quan sát GN1 đều góp phần xây dựng kế hoạch phòng thủ, bảo vệ trái đất trước nguy cơ từ các tiểu hành tinh.
HẠO NHIÊN
TNO