23/11/2024

Chúa Nhật IV Mùa Chay C 2022: Về lại cội nguồn

Chúa Nhật IV Mùa Chay C 2022

Về lại cội nguồn

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

Lời mở

Trong Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay, các bài Thánh Kinh giới thiệu với chúng ta một giai đoạn mới của đời sống. Giống như dân tộc Do Thái chính thức đặt chân vào Đất Hứa, họ không dùng manna nữa nhưng dùng thổ sản trong xứ qua bài Đọc I (x Gs 5,9-12). Chúng ta cần ý thức mình là “thụ tạo mới”: “vì phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi” như trong Bài đọc II (x. 2Cr 5,17-21). Nhờ Đức Giêsu Kitô ta được hoà giải với Thiên Chúa và chúng ta có nhiệm vụ thể hiện sự hoà giải đó cho các anh chị em khác, để lôi kéo họ bỏ đàng tội lỗi như người con thứ trong dụ ngôn Tin Mừng. Đấy là cuộc Vượt Qua của chúng ta để mở chính mình ra cho một trời mới, đất mới với biết bao ân sủng của Chúa. Vì thế chúng ta được mời gọi thống hối, trở về với Cha Trên Trời, là cội nguồn của hạnh phúc, sự sống và tình yêu.

E:\HINH CHUP DSCM\New folder\SAM_1662.JPG

1. Chúng ta là những thụ tạo mới

Chúng ta là những thụ tạo mới vì tất cả đã được rửa tội nhân danh Chúa Giêsu, được thông phần vào cái chết và sự phục sinh của Người để “nên đồng hình, đồng dạng với Người”. Chúng ta thật sự là con cái Chúa. Chúng ta nhận được nhiều ân sủng để có thể chia sẻ cho mọi người mọi vật quanh mình: sự sống kỳ diệu, tình yêu vô biên, hạnh phúc vô cùng của Chúa khi Ngài dựng nên ta giống hình ảnh của Ngài. Nhưng tội lỗi trong ta đã phá huỷ và làm chúng ta mất hết tất cả. Trong thân phận thụ tạo đầy tội lỗi, ta cũng bất lực và không thể hoà giải với Chúa.

Vì thế, tình yêu vô biên đã thúc đẩy Thiên Chúa sai Con của mình đến cứu độ chúng ta. Tất cả là nhờ Đức Giêsu Kitô đã chết nhục nhã trên thập giá, “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người”, để ban lại cho ta những ân huệ cao đẹp nhất của Thiên Chúa: tình yêu, sự sống vĩnh hằng và muôn ân huệ của Thánh Thần. Vì thế, chúng ta đã được mời gọi hãy “đổi mới khuôn mặt” của mình để thấy rằng khuôn mặt đó cần phải toả sáng như khuôn mặt biến hình trên núi của Đức Kitô, bởi vì muôn loài thụ tạo vẫn mong đợi ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người.

2. Vinh quang bị che phủ bởi tội lỗi nên cần thống hối và hoán cải

Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn lại khuôn mặt của mình đang bị bụi trần che khuất ánh vinh quang. Chúng ta cần nhìn vào đời sống để khám phá ra tình trạng tội lỗi của mình như các người con trong dụ ngôn Tin Mừng (x. Lc 15,1-32).

Nhiều người hiện nay chưa biết Chúa. Họ có thể giống như người con thứ đã từng sống sung sướng, đã nhận bao ân huệ, tài năng, phương tiện vật chất cũng như tinh thần của Cha Trên Trời, nhưng lại tưởng mình đương nhiên có quyền hưởng dùng những thứ ấy, mà chẳng cần đáp lại bằng một thái độ hiếu thảo nào. Họ sống vô cảm vô tâm, chỉ biết hưởng thụ theo lòng đam mê và dục vọng, chẳng cần biết đến ai. Cuối cùng họ đã phung phí mọi ân huệ Cha ban nên trở thành nghèo khổ, bất hạnh, phải đi làm thuê cho những quyền lực trần thế để kiếm sống qua ngày, giống như phải đi chăn heo là những con vật hết sức ghê tởm đối với người Do Thái, vì đó là việc làm của nô lệ. Họ đang phải chịu đựng những cơn đói khát, khốn khổ trong cuộc đời trần thế mà không dám trở về nhà Cha. Họ rất cần chúng ta thể hiện nhiệm vụ hoà giải họ với Cha Trên Trời.

Còn chúng ta lại có thể đang sống trong tình trạng người con cả, “bao năm trời hầu hạ Cha, chẳng khi nào trái lệnh Cha”. Chúng ta tự hào mình đang sống trong ơn nghĩa với Cha, ngày ngày cầu nguyện, hàng tuần dự lễ, rước lễ, nhưng vẫn không phát huy được những ơn lành của Cha. Chúng ta sống như người làm thuê mà không được trả lương, cảm thấy Cha bất công với mình đến độ không cho mình một con dê nhỏ để ăn mừng với bạn bè. Chúng ta xin ơn này ơn nọ mà Cha Trên Trời không ban theo ý ta xin. Vậy mà, những bọn tội lỗi, đàng điếm, vô đạo kia, xin ơn gì là được ơn nấy. Chúng ta ghen tức với họ và còn làm buồn lòng Cha hơn họ, vì “lúc nào cũng ở với Cha” mà không nhận ra được tình Cha yêu thương mình. Chúng ta cũng không bao giờ ngờ được rằng “tất cả những gì của Cha đều là của ta”, tất cả quyền năng, ân huệ, giàu sang của Cha đều thuộc về ta, nhưng vinh quang đó không phát huy được vì thói đạo đức tự mãn, kiêu căng của ta.

Đối với cả hai con, Cha Trên Trời đều ra khỏi nhà, đều sai Con Một của Ngài bỏ trời xuống thế để mời gọi chúng hoán cải. Vì thế, chúng ta hãy cảm nghiệm được sức mạnh chữa lành của sự thống hối. Ngay khi chúng ta quyết tâm lên đường trở về với cha như người con thứ là Cha Trên Trời đã ra đường để đón ta, ôm lấy ta, trao lại cho ta địa vị làm con và những ân huệ đã mất. Ngay khi chúng ta thành tâm thống hối, nhận ra sự vô tâm và lòng ghen ghét của mình đối với anh chị em để đi vào nhà như người con cả, và cùng chung vui với mọi người, thì những đau khổ, vất vả, hy sinh ta chịu, ta làm cho Cha, đều được ban thưởng gấp bội. Đó là vì tất cả các ân phúc vô tận, tình yêu vô biên, sự sống vĩnh hằng, quyền năng cao cả của Cha đều dành cho ta.

Lúc đó ta sẽ thấy mình tràn đầy ơn Thánh Thần giống như các môn đệ thời sơ khai, để khi ta tiếp xúc với ai thì người đó được cứu độ, đụng chạm đến ai thì họ được chữa lành. “Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa” (2Cr 5,18) vì chúng ta là những thụ tạo mới và chúng ta nhận được tất cả những điều đó là nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã hoà giải chúng ta với Cha Trên Trời và trao cho chúng ta sứ mệnh hoà giải (x. 2Cr 5,18).

3. Cần gắn bó với Đức Giêsu để thực hiện sứ mệnh hoà giải

Chúng ta cần phải nối kết với Đức Giêsu để thực hiện được sứ mệnh này, vì Thiên Chúa đã trao cho ta sứ mệnh nói lời hoà giải với muôn loài. Chúng ta sẽ “đổi mới khuôn mặt” của mình bằng cách lau rửa những vết bẩn trong đời sống để toả được ánh vinh quang của Thiên Chúa. Chúng ta cần “nhìn lại con tim” trống rỗng của mình để thấy nó đang cần đổ đầy những ân huệ của Chúa Con. Chúng ta cần phải nối kết lại với Chúa Thánh Thần để Ngài soi sáng giúp ta nhận biết mình đang thiếu sót điều gì và cần phải trở về như thế nào.

Lau rửa khuôn mặt mình cho toả sáng không phải chỉ bằng việc cầu nguyện, ăn chay, bác ái. Nhưng trước hết cần phải tìm lại sự quân bình toàn diện về thể lý, tâm thần, tâm lý, tâm linh, phải nối lại các mối tương quan với Chúa, với người, với vạn vật, với chính mình, phải thay đổi thói quen sống lười biếng, phung phí, ích kỷ, tự mãn của mình bằng những hành động tích cực. Con tim trống rỗng của ta cũng sẽ tràn đầy ân huệ của Chúa Thánh Thần, không phải chỉ bằng việc xưng tội, rước lễ, nhưng bằng việc mở lòng ra cho Chúa Giêsu và thở được Thần Khí của Người. Khi đó ta sẽ nhận ra những người tội lỗi, nghèo khổ đều là con cái của Cha Trên Trời để giúp họ sống lại bằng tình yêu của ta, khi ta biết tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình, gây thiệt hại cho mình và chia sẻ cho họ những ân huệ Cha ban.

Lời kết

Như thế lời hoà giải ta nói với vạn vật qua đời sống tiết độ và với con người qua đời sống cảm thông chia sẻ, sẽ quy tụ muôn loài trong bữa tiệc ở nhà Cha Trên Trời. Nhờ đó, tất cả chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui, bình an và hạnh phúc. Đó là thứ ánh sáng chúng ta cần toả ra cho thế giới hôm nay.

HKK