24/11/2024

Vì sao sau 50 năm NASA mới chịu mở niêm phong mẫu đá Mặt trăng?

Vì sao sau 50 năm NASA mới chịu mở niêm phong mẫu đá Mặt trăng?

Cơ quan vũ trụ Mỹ NASA đã tiến hành mở một ống kim loại chứa mẫu đá Mặt trăng mà tàu con thoi Apollo 17 từng mang về và được niêm phong trong suốt 50 năm qua.

 

 

Vì sao sau 50 năm NASA mới chịu mở niêm phong mẫu đá Mặt trăng? - Ảnh 1.

Các nhà khoa học đang mở ống ANGSA 73001 chứa các mẫu đá Mặt trăng – Ảnh: NASA

Đây là mẫu đá do các phi hành gia thuộc sứ mệnh Apollo 17 – gồm 2 ông Eugene Cernan và Harrison “Jack” Schmitt – lấy về từ Mặt trăng vào tháng 12-1972.

Hai phi hành gia này đã thu thập đá và đất từ mỏ lở đất ở thung lũng Taurus-Littrow của Mặt trăng. Sau đó, họ niêm phong vào 2 ống dẫn động hút chân không trên Mặt trăng trước khi đưa chúng trở lại Trái đất.

Ống kim loại chứa mẫu đá có kích thước 3,81cm x 35,56cm với ký hiệu ANGSA 73001 được niêm phong tại Trung tâm vũ trụ Johnson ở thành phố Houston, bang Texas. Niêm phong suốt 50 năm qua, nay ống ANGSA 73001 mới được mở ra nghiên cứu, theo báo Independent của Anh.

Ống còn lại đã được mở vào năm 2019, bao gồm một loạt hạt và các vật thể nhỏ hơn, được gọi là đá nhỏ. Hiện nay, các nhà địa chất Mặt trăng đang ráo riết nghiên cứu các mẫu đá này.

Các nhà khoa học NASA hy vọng việc nghiên cứu các mẫu đá Mặt trăng của sứ mệnh Apollo 17 sẽ giúp cơ quan vũ trụ Mỹ chuẩn bị tốt cho việc lấy các mẫu đá mới – một phần của sứ mệnh Artemis III lên Mặt trăng.

Sứ mệnh Artemis III của NASA, được lên kế hoạch vào khoảng năm 2025, sẽ đưa con người trở lại Mặt trăng lần đầu tiên kể từ Apollo 17 để lấy mẫu đá ở cực nam Mặt trăng.

Ông Thomas Zurbuchen, phó giám đốc Ban sứ mệnh khoa học của NASA, cho biết: “Hiểu được lịch sử địa chất và sự tiến hóa của các mẫu Mặt trăng tại các địa điểm hạ cánh của tàu Apollo trước đây, sẽ giúp chúng tôi chuẩn bị cho các loại mẫu có thể gặp trong sứ mệnh Artemis III.

Các mẫu Mặt trăng được niêm phong 2 lớp. Nhóm chuyên gia NASA bắt đầu bóc niêm phong bên ngoài vào ngày 11-2 để theo dõi cẩn thận xem có khí nào bị rò rỉ từ lớp niêm phong bên trong hay không.

Theo thông tin trên trang blog của NASA, sau khi phát hiện không có khí gas nào vào ngày 23-2, các chuyên gia bắt đầu xuyên thủng lớp niêm phong bên trong, một quá trình có thể mất nhiều tuần mới đạt kết quả.

Các nhà khoa học hy vọng sẽ thu được khí, chẳng hạn như hơi nước và carbon dioxide, từ quá trình tan băng của mẫu đá trong 5 thập kỷ qua.

Vì sao 50 năm sau NASA mới mở ống ANGSA 73001 để nghiên cứu?

Bà Lori Glaze, giám đốc phòng khoa học hành tinh của NASA, giải thích việc cất giữ một số mẫu Apollo suốt 50 năm qua: “NASA biết rằng khoa học – công nghệ sẽ phát triển và cho phép các nhà khoa học nghiên cứu vật liệu này theo những cách mới để giải quyết các câu hỏi mới trong tương lai”.

Chẳng hạn, các công nghệ như khối phổ đã phát triển vượt bậc trong những năm qua và các nhà khoa học hy vọng có thể nghiên cứu những chất bay hơi từ đá Mặt trăng một cách chi tiết. Đây là điều mà các nhà khoa học 50 năm trước không thể làm được.

Khối phổ (MS) là một kỹ thuật phân tích trong phòng thí nghiệm, để tách các thành phần của một mẫu theo khối lượng và điện tích của chúng.

GIA MINH
TTO