23/11/2024

Việt Nam: Giảm nhanh phát thải là lựa chọn lý trí

Việt Nam: Giảm nhanh phát thải là lựa chọn lý trí

Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) vừa công bố phần thứ hai trong bốn phần của báo cáo đánh giá lần thứ sáu (AR6) vào ngày 28-2 về tác động của khí hậu.

 

Việt Nam: Giảm nhanh phát thải là lựa chọn lý trí - Ảnh 1.

Lắp ráp pin năng lượng mặt trời tại nhà máy điện mặt trời ở Ninh Thuận – Ảnh: TRUNG NAM

Với Việt Nam, báo cáo nêu rõ nếu chúng ta không cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhanh chóng thì tác động của nắng nóng, nước biển dâng, thời tiết cực đoan sẽ đe dọa lớn đến an ninh lương thực và kinh tế.

“Ác mộng” nóng – ẩm

Trên toàn cầu, nóng và ẩm sẽ tạo ra một điều kiện khắc nghiệt ngoài sức chịu đựng của con người và Việt Nam là một trong những nơi có thể bị ảnh hưởng nặng nề.

Báo cáo đề cập đến khái niệm “wet-bulb globe temperatures” (WBGT – nhiệt độ cầu ướt) – một thang đo kết hợp nhiệt độ với độ ẩm. Nhiệt độ cầu ướt từ 26 – 29°C là mức có nguy cơ trung bình, và từ 30 – 33°C là có nguy cơ cao với sức khỏe người lao động.

Hiện tại, phần lớn Việt Nam đang ở khoảng từ 26 – 29°C. Nếu không nhanh chóng cắt giảm phát thải thì hầu như toàn bộ Việt Nam sẽ tiến đến mức WBGT nguy hiểm hơn là 30 – 33°C. Khi đó, các công việc ngoài trời như làm nông, xây dựng sẽ trở nên rất nguy hiểm, đời sống người lao động bị rủi ro và giảm năng suất lao động.

Các ca tử vong liên quan đến nắng nóng ở Việt Nam có thể tăng 7% vào năm 2050 và 26% vào năm 2090. Tuy nhiên, mất mát này có thể ở mức 3% nếu phát thải được cắt giảm nhanh chóng.

Việt Nam: Giảm nhanh phát thải là lựa chọn lý trí - Ảnh 2.

Nước biển dâng

Mực nước biển toàn cầu có thể tăng từ 44 – 76cm trong thế kỷ này, nếu các chính phủ thực hiện cam kết cắt giảm phát thải hiện tại. Nếu cắt giảm nhanh hơn, mức tăng có thể ở mức 28 – 55cm.

Tuy nhiên, nếu phát thải cao hơn và nếu các tảng băng tan nhanh hơn dự kiến, mực nước biển có thể dâng cao đến 2m trong thế kỷ này và 5m vào năm 2150.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, nước mặn có thể xâm nhập sâu vào đất liền 15km trong mùa mưa và 50km vào mùa khô, gây thiệt hại về năng suất lúa lên đến 4 tấn/ha/năm.

Khoảng 28 triệu người Việt Nam hiện đang sống trong các vùng có nguy cơ bị ngập lụt ven biển. Với lượng phát thải cao, con số đó sẽ là hơn 40 triệu người vào cuối thế kỷ này.

Chi phí kinh tế do nước biển dâng với Việt Nam sẽ rất cao. Một nghiên cứu được trích dẫn trong báo cáo chỉ ra thiệt hại hằng năm do mực nước biển dâng ở TP.HCM có thể lên tới khoảng 14,5 tỉ USD vào năm 2050 và 122 tỉ USD vào năm 2100. Chi phí tại Hải Phòng có thể lên tới khoảng 17,6 tỉ USD và 187,3 tỉ USD ở lần lượt ở hai mốc thời gian đó.

Sản xuất lương thực bị ảnh hưởng

Trên toàn cầu, nhiệt độ cao và các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, sóng nhiệt và lũ lụt đang gây hại cho mùa màng và sẽ ngày càng giảm năng suất cây trồng nếu nhiệt độ tiếp tục tăng.

IPCC cho rằng những yếu tố này kết hợp với mực nước biển dâng sẽ gây hại cho nông nghiệp Việt Nam. Sản lượng lúa gạo có thể giảm 6% với mức phát thải cao hoặc 2% nếu chúng ta giảm nhanh lượng phát thải, sản lượng bắp (ngô) giảm 10% với lượng phát thải cao hoặc 6% khi cắt giảm nhanh phát thải.

Biến đổi khí hậu cũng sẽ gây hại cho nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của Việt Nam. Nhiệt độ tăng cao làm đàn cá di chuyển khỏi vùng biển nhiệt đới, khiến doanh thu từ khai thác thủy sản tự nhiên của Việt Nam giảm 11%.

Hơn 30% diện tích nuôi trồng thủy sản ở Đông Nam Á được dự báo sẽ không còn thích hợp cho sản xuất vào giữa thế kỷ này nếu lượng phát thải cao, trong đó Việt Nam là nước dễ bị tổn thương.

Nếu lượng phát thải cao, sản lượng cá ở Việt Nam sẽ giảm 64% vào năm 2030 – 2050 so với năm 2010 – 2030, trong khi sản lượng động vật có vỏ có thể bị mất hoàn toàn vào năm 2030 – 2050.

Báo cáo nhận định Việt Nam sẽ phải đối mặt với thiệt hại kinh tế nghiêm trọng nếu không cắt giảm phát thải nhanh chóng.

Ảnh hưởng tổng thể nếu tiếp tục phát thải cao có thể làm giảm 23% thu nhập trung bình toàn cầu, trong đó thu nhập trung bình ở Việt Nam vào năm 2100 sẽ thấp hơn 88% so với khi không có biến đổi khí hậu.

Báo cáo – được hoàn thiện và phê duyệt từng dòng bởi 270 tác giả và 195 chính phủ – là đánh giá lớn nhất về tác động của biến đổi khí hậu. Báo cáo nêu rõ hiểu biết đến hiện tại chỉ ra “biến đổi khí hậu là mối đe dọa với đời sống ổn định của con người và sức khỏe trên toàn hành tinh.

Bất kỳ sự chậm trễ nào nữa trong các hành động toàn cầu liên quan tới thích ứng và giảm thiểu sẽ khiến ta bỏ lỡ cơ hội về một tương lai mà loài người có thể sinh sống và phát triển bền vững”.

HỒNG VÂN
TTO