23/11/2024

Chúa Nhật VII TN C, 2022: Anh chị em của mọi người

Các bài Thánh Kinh tuần thứ VII này như mời gọi chúng ta phải nhìn những người đang sống quanh ta như những người anh chị em thuộc về một đại gia đình để đối xử tốt đẹp với nhau, thay vì coi nhau như đối thủ hay kẻ thù.

Chúa Nhật VII TN C 2022

Anh chị em của mọi người

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh tuần thứ VII này như mời gọi chúng ta phải nhìn những người đang sống quanh ta như những người anh chị em thuộc về một đại gia đình để đối xử tốt đẹp với nhau, thay vì coi nhau như đối thủ hay kẻ thù. Thánh Phaolô nhắc nhở ta rằng: “Cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra là Ađam, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến, là Chúa Giêsu Kitô” (1Cr 15,49).

1. Chúng ta thật sự là anh chị em theo lẽ tự nhiên

Những khám phá của các ngành khoa học tự nhiên trong khoảng 20 năm gần đây đã giúp chúng ta xác định điều đó.

Trong nhiều thế kỷ người ta tưởng rằng loài người hiện đại chúng ta mới chỉ xuất hiện khoảng 40.000 năm TCN qua những mẫu xương hoá thạch và hình vẽ trong hang động ở Cromagnon, nước Pháp. Nhưng khoa Nhân chủng học năm 2005 đã khám phá ra con người xuất hiện sớm hơn nhiều. Người hiện đại xuất hiện ở Đông Phi cách đây 195.000 năm, rồi khoảng 50.000 TCN mới rời bỏ Phi Châu để di cư sang châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Úc.

Mặc dù bên ngoài chúng ta khác nhau về màu da, màu tóc, hình thể, giới tính, nhưng cấu trúc ADN của chúng ta lại đồng nhất, vì chúng ta thuộc giống người. Như thế, tất cả chúng ta đều thuộc về một gia đình nhân loại. Thay đổi cấu trúc này, sẽ không còn là người, mà là quả dưa chuột, con vật, trái táo…

Cấu trúc này tạo nên bộ gen người gồm khoảng 3 tỉ base của ADN. Chúng được xếp chặt lại thành 23 đôi nhiễm sắc thể để chứa trong nhân nhỏ xíu của mỗi tế bào. Mỗi con người chúng ta trung bình có khoảng 75 ngàn tỉ tế bào. Trước đây nhiều người chủ trương vô thần, duy vật nghĩ rằng vật chất tự nhiên tiến hoá thành những tế bào sống rồi thành con vật, thành con khỉ và ngẫu nhiên thành con người.

Nhưng khoa học hiện đại bảo chúng ta rằng: nói như vậy là sai lầm và vô lý vì vật chất không thể tự mình tiến hoá được nếu không có động lực thúc đẩy, sắp xếp chúng.

Một cây bút chỉ có 4,5 bộ phận, tháo rời ra rồi bỏ vào cái ly, lắc mạnh, cho đến khi nào ngẫu nhiên thành cây viết? Khoa học nói rằng lắc nó suốt đời cũng không thể tạo nên: nếu không có người lắc thì sao các bộ phận đó tụ hội được. Phải có một người đặt ra nguyên lý để các bộ phận sắp xếp với nhau, mới hình thành nên cây viết. Con người với 3 tỉ thành phần của bộ gen càng cần phải có một Đấng vô cùng khôn ngoan để sắp xếp chúng.

Hơn nữa, từng giây phút sống là chúng ta nhận được khí oxy từ các cây xanh toả ra, nhận được các chất bổ dưỡng từ đồ ăn, thức uống, từ cọng rau, miếng thịt, bát cơm. Khí Carbonic và cặn bã con người thải ra, qua sự chuyển hoá của vũ trụ, lại trở thành xương thịt cho mọi loài, mọi vật quanh ta. Nên tất cả vũ trụ đều thuộc về một đại gia đình vì cùng tạo nên xương thịt cho nhau.

Khoa học còn cho ta biết rằng trong 1 gram nước hay 1 gram khí oxy ta thở, có hàng tỉ tỉ phân tử nước hay nguyên tử oxy mà mọi người, mọi vật trên trái đất này luân chuyển trong cơ thể của nhau theo định luật Avogadro. Vì vậy, trong cơ thể mỗi người, mỗi vật đang có những nguyên tử, phân tử vật chất đã từng ở trong thân thể của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Suy nghĩ về điều này, ta cảm thấy mình rất hạnh phúc. Do đó, chúng ta thật sự là anh chị em ruột thịt của nhau xét về lĩnh vực khoa học, chưa cần nói đến khía cạnh ân sủng tâm linh.

2. Chúng ta thật sự là anh chị em theo lẽ siêu nhiên

Hơn nữa, ngoài những cấu trúc vật chất, con người còn có tình yêu, tự do, tư tưởng, hạnh phúc… Những vật chất trong cơ thể muôn loài biến đổi không ngừng. Nhưng tinh thần, tư tưởng, tình yêu của từng người chúng ta vẫn tồn tại để xác định ta là một nhân vị trong suốt cuộc đời. Những thứ này mới định hình con người, mới cho nó có một giá trị cao cả vượt trên muôn loài để xứng đáng là người mang hình ảnh của Đấng Tạo Hoá.

Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 7 Thường Niên, Năm C – Giáo xứ Tân Định

Vì tinh thần con người không bị lệ thuộc vật chất, nên cũng vượt ra khỏi mọi giới hạn của không gian và thời gian. Do đó tình huynh đệ, coi nhau như anh chị em trong đại gia đình, cũng phải vượt qua mọi biên giới của các dân tộc, vượt qua mọi ngăn cách của các hệ tư tưởng, vượt qua mọi khác biệt về màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, kinh tế, chính trị, tôn giáo, giai cấp xã hội.

Chúng ta không còn được coi nhau là kẻ thù vì không cùng biên giới, không được coi nhau là đối thủ vì cạnh tranh kinh tế, không được coi nhau là tình địch vì khác biệt tình yêu. Câu chuyện David và vua Saun trong Bài đọc I (1Sm 26,2-23) như gợi ý cho ta điều đó.

Saun đem 3.000 quân binh truy nã David vì sợ David sẽ cướp ngai vàng của mình. Ông coi David là kẻ thù không đội trời chung. Khi Saun nằm ngủ mê mệt trong cái hang có David và Avisai trốn trong đó. Avisai nói: “Hôm nay Chúa đã nộp kẻ thù vào tay cậu, hãy để cho cháu giết Saun”. Nhưng David lại không coi Saun là kẻ thù mà là người được Thiên Chúa xức dầu: “Đừng giết vua! Có ai tra tay hại đấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong mà vô sự đâu!

Mỗi tín hữu chúng ta đã được Chúa xức dầu tấn phong là con cái của Ngài như Chúa Giêsu, qua bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức. Nhiều người ngoài Công giáo cũng được xức dầu qua bí tích Rửa Tội thiêng liêng bằng lửa hay bằng máu qua việc họ sống và chịu đau khổ vì sự thật và sự sống, dù họ không biết Đức Giêsu là ai. Họ quả thật là các Kitô hữu ẩn danh vì đã đi theo Đức Giêsu là “con đường sự thật và sự sống”.

Hơn nữa, chúng ta còn được mang hình ảnh của Chúa Giêsu là “Ngôi Lời từ trời mà đến”, khi chúng ta được Người rửa sạch tội lỗi bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Người trên thập giá. Người đã chịu chết để đền bù tội lỗi chúng ta. Người đã nối kết tất cả nhân loại và vũ trụ thành một trong thân thể mầu nhiệm của Người, để chúng ta không còn phân biệt người Nam hay kẻ Bắc, Công giáo hay ngoài Công giáo, Tư bản hay Cộng sản, giàu sang hay nghèo hèn.

Cuối cùng, tất cả chúng ta là những chi thể trong thân thể có chung một sự sống thần linh vì chúng ta thở chung một Thần Khí của Người để phát huy muôn vàn ân sủng của Chúa Thánh Thần. Nhờ đó chúng ta mới có thể yêu thương như Người đến độ dám chết cho cả những ai đóng đinh chúng ta vào thập giá.

Vì thế, chúng ta phải sống theo lòng nhân từ của Người, “như Cha chúng ta là Đấng nhân từ”. Chúng ta sẽ không xét đoán, không lên án bất cứ một ai, dù vẫn phải phân biệt hành động phải trái, tốt xấu, đúng sai của họ. Chúng ta sẽ không còn coi ai là kẻ thù vì “kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai?!” như nhạc sĩ Phạm Duy đã hát trong bài Tâm ca số 7 của ông.

Chúng ta sẽ cho đi cách quảng đại mà không cần tính toán, sẽ yêu thương cách trong sáng mà không cần được yêu lại để vui vẻ nhường chỗ cho Đức Giêsu trong một trái tim khác. Chúng ta sẽ chiến đấu cho sự thật, sự thiện, cái đẹp, chính nghĩa mà không sợ bị thương tích, vì hiểu rằng Cha Trên Trời nhìn thấu tất cả và sẽ ban thưởng cho ta.

Lời kết

Chỉ sống như thế ta mới có thể mang lại niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ cho muôn loài như Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Amen.

HKK