Chúa Nhật VI TN C 2022: Hành động tích cực như Chúa Giêsu
Các bài Kinh Thánh tuần này, như mời gọi chúng ta nhìn vào cộng đồng xã hội mình sống để hành động tích cực như Chúa Giêsu.
Chúa Nhật VI TN C 2022
Hành động tích cực như Chúa Giêsu
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Các bài Kinh Thánh tuần này, như mời gọi chúng ta nhìn vào cộng đồng xã hội mình sống để hành động tích cực như Chúa Giêsu. Chúng ta đã từng nghe bài Tám mối Phúc thật theo thánh Matthêu (x. Mt 5,1-12). Hôm nay chúng ta được nghe bài “4 mối phúc và 4 mối hoạ” theo thánh Luca (x. Lc 6,17.20-26). Chúng ta dành vài phút để tìm hiểu ý nghĩa của bài Tin Mừng vì nó rất thực tế trong đời sống chúng ta.
1. Trình bày tình trạng thực tế của xã hội đương thời
Chúng ta đã nghe Tám mối Phúc thật như là bản Hiến chương Nước Trời, trong đó Chúa Giêsu công bố trên núi, trong tư cách Người là Ngôi Lời Thiên Chúa, những nguyên tắc nền tảng của Nước Trời, giống như hiến pháp của một dân tộc, hiến chương của một tổ chức, để bổ túc cho Mười Điều Răn mà Môsê đã giới thiệu cho dân Do Thái từ trên núi Sinai trong thời Cựu Ước. Những mối phúc ấy là những đường hướng tích cực, giống như hiến pháp là nền tảng luật pháp của một quốc gia, mà mỗi người chúng ta được mời gọi noi gương Chúa Giêsu để hành động trong suốt cuộc đời.
Nhưng, những mối phúc và mối hoạ hôm nay lại mời gọi chúng ta nhìn vào xã hội hiện tại mà chúng ta đang sống, nhìn vào chính những con người đang phải nghèo khổ, đói khát để biết hành động như thế nào. Vì thế Đức Giêsu “nhìn vào các môn đệ”. Những chi tiết như “chỗ đất bằng” thay vì trên núi và rất nhiều từ “bây giờ”, “đang phải”, “đang được” như muốn gợi ý cho ta điều đó.
Chúa Giêsu nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó vì Nước Trời là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ đang phải đói vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng… Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các ngươi là những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói…”.
Quả thật, vào thời Chúa Giêsu, người Do Thái đang sống dưới ách đô hộ của đế quốc Rôma, bị chèn ép, bị bóc lột, trở thành những con người nghèo khó, đói khổ, khóc lóc. Ngược lại, hầu hết những người giàu trong xã hội đó lại kiếm tiền một cách bất công, bất chính. Họ cộng tác với chính quyền nên giàu sang, no đủ, vui vẻ, có nhiều địa vị và được nhiều người bắt chước. Vì thế Chúa Giêsu nói những lời này để an ủi những con người đang phải đau khổ, chịu nhiều bất công trong xã hội. Người cũng lên án những con người giàu có, có quyền hành, danh vọng, hạnh phúc, nhưng lại đi theo đường lối bất công, bất chính và ích kỷ đối với anh chị em mình.
Khi thánh Luca ghi lại bài giảng này của Chúa Giêsu, ngài muốn nâng đỡ những cộng đồng tín hữu trong thế kỷ đầu của Giáo Hội sơ khai đang bị chính quyền áp bức, bách hại. Họ sống trong nghèo khổ, đói khát, khóc lóc, bị áp bức và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Vì thế, ngài muốn nhắc lại lời chúc phúc của Chúa Giêsu để giúp họ kiên nhẫn trong những thử thách của cuộc sống và tích cực hành động để biến đổi xã hội.
2. Thực tế của xã hội hiện nay
Đối với người tín hữu chúng ta ngày nay, khi nghe lại những lời chúc phúc và cảnh báo tai hoạ của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi nhìn vào xã hội hiện nay để hiểu cho đúng lời Tin Mừng. Người chúc phúc cho con người bất hạnh nhưng lại lên án sự nghèo khó, đói khát, sầu khổ, áp bức. Người đã tích cực hành động để giúp con người vượt thắng những nỗi bất hạnh đó trong cuộc đời của mình khi làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, cho kẻ chết sống lại để người đang nghèo ân sủng được giàu sang thật sự, đang đói được no nê, đang khóc được vui cười. Người đã chấp nhận cả cái chết nhục nhã để giải phóng toàn diện con người và vũ trụ.
Người cũng không lên án sự giàu sang, no đủ, vui cười, danh dự, nhất là khi chúng bắt nguồn từ đời sống lao động chân chính, tốt lành của con người. Người chỉ cảnh báo mối hoạ cho những ai đang sống trong những tình trạng tốt đẹp ấy vì chúng tiềm ẩn những nguy hiểm và thách đố do những tham vọng và dục vọng ẩn sâu trong tâm hồn con người, do những sai lầm, bất công, bất chính đang có đầy trong xã hội.
Như thế, Chúa Giêsu mời gọi tất cả chúng ta, giàu cũng như nghèo, đói cũng như no, khóc lóc cũng như vui cười, bị áp bức cũng như nắm giữ quyền hành, hãy can đảm đi vào con đường tích cực, liêm chính, tốt lành của Thiên Chúa mà Bài đọc I (x. Gr 17,5-8) của tiên tri Giêrêmia đã giới thiệu cho chúng ta: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy giống như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, bốn mùa cành lá xanh tốt, mang lại hoa trái tốt tươi”.
Hơn nữa, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta tích cực hành động, dám làm ơn dù bị mắc oán, dám chịu thua thiệt để nhường phần tốt đẹp cho người khác, dám chấp nhận bị tai tiếng, hiểu lầm, nguy hiểm vì chúng ta đang ở tuyến đầu của công trình cứu độ thế giới cùng với Chúa Giêsu. Thiên Chúa luôn nhìn thấu tất cả sự thật để ban ơn giúp sức cho ta kiên nhẫn chịu đựng, vượt qua thử thách khổ đau và đạt được hạnh phúc thật sự. Bài đọc II đã nhắc nhở và mời gọi chúng ta hãy hành động như Đức Giêsu vì Người đã trổi dậy từ cõi chết (1Cr 15,12.16-20): “Nếu chúng ta đặt hy họng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế vì Đức Giêsu Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai an giấc ngàn thu” .
3. Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo
Khi đọc đoạn Tin Mừng về các mối phúc và mối hoạ, nhiều tín hữu và người ngoài Công giáo đã hiểu sai ý nghĩa vì không nhớ đến bối cảnh xã hội đương thời. Họ nghĩ rằng Chúa Giêsu đã ca tụng những người nghèo khổ, đói khát, khóc lóc và bị áp bức mà không làm gì để cứu thoát họ. Người chỉ yêu cầu họ hãy kiên nhẫn chịu đựng tất cả những khổ đau ở trần thế để đời sau hưởng hạnh phúc muôn đời mà không cải tạo xã hội.
Karl Marx và Engel, là những ông tổ của học thuyết Cộng sản, cũng đã dựa vào những câu Tin Mừng tương tự để lên án Kitô giáo. Thời đó không ít các giáo sĩ, tu sĩ đứng về phía chính quyền, cụ thể là Sa hoàng với chế độ quân chủ chuyên chế và giới tư bản đang bóc lột dân chúng, để kêu gọi dân chúng phải kiên nhẫn chịu đựng, đừng phản kháng và Chúa sẽ ban thưởng cho họ ở đời sau. Chính vì thế người Cộng sản cho rằng tôn giáo chỉ là một thứ thuốc phiện ru ngủ quần chúng, và hô hào giới vô sản phải đứng lên làm cách mạng, cướp chính quyền để đòi cho mình những quyền lợi chính đáng của con người. Không ít dân tộc trong thế kỷ XX đã theo hệ tư tưởng này và lập nên chính quyền Cộng sản. Nhưng qua dòng lịch sử, các dân tộc đã phân biệt được điều gì đúng, điều gì sai trong hệ tư tưởng đó, nhất là sau khi Liên Xô tan rã, các nước Đông Âu và Tây Á được giải phóng.
Giáo Hội Công giáo đã trình bày học thuyết xã hội của mình, trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes của Công đồng Vaticanô II năm 1965, nhất là trong cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo xuất bản năm 2004. Giáo Hội không theo hệ tư tưởng Tư bản hay Cộng Sản mà chỉ theo Đức Giêsu Kitô. Giáo Hội xác định cho chúng ta: phải tích cực hành động để xây dựng đất nước, xây dựng cộng đồng xã hội mình đang sống, cho mỗi người và mọi người được ấm no, hạnh phúc, giàu sang, được sống đúng với nhân phẩm cao quý của mình.
Lời kết
Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy tích cực hành động như Người. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần và trong sự liên kết với nhau, chúng ta sẽ làm cho Nước Thiên Chúa không phải chỉ xuất hiện sau khi ta chết nhưng Nước đó được bắt đầu ngay tại trần thế này.
HKK