Năm mới với hy vọng và lo lắng của các Kitô hữu ở Iraq
Năm mới với hy vọng và lo lắng của các Kitô hữu ở Iraq
Cuộc sống của các Kitô hữu ở Đồng bằng Nineveh của Iraq vẫn còn bấp bênh, mặc dù có nhiều tiến bộ đã đạt được sau khi ISIS bị đánh bật khỏi khu vực cũng như việc khôi phục và tái xây dựng các ngôi nhà của Kitô hữu cũng như nhà thờ và tài sản của Giáo hội.
Nhà báo Namroud Kasha cho biết mặc dù có nhiều khó khăn, mọi thứ đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Bầu khí Giáng Sinh và Năm Mới có sự khác biệt đáng kể so với trước đây. Mười năm trước, các cử hành bị hủy bỏ do tình hình bất an, đặc biệt ở Nineveh, nơi có sự hiện diện của các nhóm khủng bố. Ông nói: “Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã trở lại thị trấn, nơi đã bị phá huỷ và dường như không còn sự sống. Chúng tôi tập trung tái thiết cơ sở hạ tầng và các thiệt hại khác. Trong 3 năm qua, lớp bụi đen bao phủ các thành phố đã được làm sạch.”
Nhà hoạt động nhân quyền Amr Yalda, người đã nỗ lực cho việc chuẩn bị Giáng Sinh vừa qua nói về Lễ Giáng Sinh: “Mọi người sẵn sàng đón Chúa Hài Đồng, và bầu khí cử hành thật tuyệt vời. Các Kitô hữu chia sẻ niềm vui thông qua việc thể hiện các truyền thống khác nhau.” Theo bà, có những người sẵn sàng giết chết niềm vui của các Kitô hữu bằng những ý tưởng quá khích, tuy nhiên, đức tin vào Chúa Giêsu và ân sủng bao la của Người làm cho những điều xấu của những kẻ cực đoan tan biến.
Tuy nhiên, Cha Istephanos al-Katib, linh mục Công giáo ở Qaraqosh, chia sẻ những lo ngại về sự bất ổn và chỉ ra mối đe doạ do dân quân gây ra. Lực lượng này phá hoại đất nước, tiếp tục giết người, bắt cóc, cướp phá. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế đang xấu đi với tình trạng thất nghiệp lan rộng; rồi thái độ cuồng tín Hồi giáo, cũng như sự tham gia không phù hợp của tôn giáo vào chính trị và thương mại.
Ông Amer Shamoun, một công chức đã nghỉ hưu, hy vọng cho sự tồn tại của Kitô giáo ở Iraq trong lĩnh vực chính trị. Ông hy vọng các quyền của Kitô hữu được ghi trong Hiến pháp được thể hiện trong thực tế. Tuy nhiên, để điều này trở thành hiện thực, điều cần thiết là các điều kiện chính trị và an ninh hỗn loạn ở Iraq phải được ổn định, và làn sóng di cư phải được ngăn chặn để giảm số Kitô hữu rời khỏi đất nước vì tình hình bất an và mất niềm tin vào tương lai.
Ngọc Yến
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2022-02/nam-moi-hy-vong-lo-lang-kito-hua-iraq.html