23/11/2024

45 nhà nghiên cứu phản đối kỹ thuật ‘làm mờ nắng mặt trời’ của Đại học Harvard

45 nhà nghiên cứu phản đối kỹ thuật ‘làm mờ nắng mặt trời’ của Đại học Harvard

Một nhóm các nhà khoa học và chuyên gia quốc tế đã viết thư ngỏ đề nghị các quốc gia nên có hiệp ước cấm tài trợ công và triển khai địa kỹ thuật năng lượng mặt trời, cũng như các thí nghiệm ‘làm mờ nắng mặt trời’.

 

 

45 nhà nghiên cứu phản đối kỹ thuật làm mờ nắng mặt trời của Đại học Harvard - Ảnh 1.

Nghiên cứu sử dụng sol khí để giảm ánh nắng mặt trời đang bị 45 nhà khoa học phản đối – Ảnh: PEXELS

Hơn 45 học giả, giáo sư luật và nhà văn đã ký vào lá thư, bao gồm các tác giả nổi tiếng như nhà văn Amitav Ghosh, nhà nghiên cứu Sheila Jasanoff, giáo sư Pforzheimer về nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Trường Harvard Kennedy (Mỹ) và giáo sư vật lý Raymond T. Pierrehumbert tại Đại học Oxford (Anh).

Ông Frank Biermann, giáo sư về quản trị bền vững toàn cầu tại Đại học Utrecht (Hà Lan) và là một trong những người khởi xướng bức thư, đã tóm tắt lập trường của các bên ký kết như sau: “Địa kỹ thuật năng lượng mặt trời là không cần thiết. Nó không phải là mong muốn, đạo đức, hoặc có thể quản lý về mặt chính trị”.

Khái niệm địa kỹ thuật năng lượng mặt trời (còn gọi là kỹ thuật sửa đổi bức xạ mặt trời) nhằm mục đích hạ nhiệt độ trên Trái đất, bằng cách sử dụng công nghệ hiện đại để giảm ánh sáng mặt trời.

Theo tạp chí Forbes, những người ủng hộ địa kỹ thuật năng lượng mặt trời, như tỉ phú công nghệ Bill Gates, nói rằng các kỹ thuật nhằm ngăn chặn một phần bức xạ mặt trời tới hành tinh cần phải được xem xét.

Bản thân ông Gates đã bỏ tiền túi của mình ủng hộ một thí nghiệm của Đại học Harvard để xem xét hiệu ứng của việc phun các sol khí (aerosols) vào tầng bình lưu (là tầng chính thứ hai của khí quyển Trái đất, ngay phía trên tầng đối lưu và bên dưới tầng trung lưu) để ngăn chặn sự phát tán của năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, các tác giả của bức thư đã cảnh báo về “những bất ổn” xung quanh tác động của các  công nghệ trên đối với thời tiết, nông nghiệp, việc cung cấp thực phẩm và nước.

Bức thư lập luận rằng các quốc gia nghèo nhất trên thế giới sẽ rất dễ bị tổn thương, trừ khi các quốc gia hùng mạnh đặt công nghệ ở quy mô hành tinh này dưới sự kiểm soát của quốc tế.

“Trật tự thế giới hiện tại dường như không thích hợp để đạt được các thỏa thuận sâu rộng, về việc kiểm soát sự công bằng và hiệu quả đối với việc triển khai địa kỹ thuật năng lượng mặt trời”, Đài truyền hình RT trích đoạn từ bức thư ngỏ.

Các đề xuất nghiên cứu địa kỹ thuật năng lượng mặt trời đã được các cơ quan truyền thông đưa ra gần đây nhất trong bối cảnh COP26, hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lớn của Liên Hiệp Quốc tại Scotland, diễn ra hồi tháng 11-2021.

Vào tháng 3-2021, Viện hàn lâm Khoa học, kỹ thuật và y học quốc gia Mỹ (NASEM) đã công bố một báo cáo khuyến nghị đầu tư từ 100 – 200 triệu USD cho nghiên cứu địa kỹ thuật năng lượng mặt trời trong 5 năm, như một phần của việc xây dựng “một danh mục chính sách thích ứng và giảm thiểu khí hậu mạnh mẽ”. NASEM cho rằng các thí nghiệm ngoài trời liên quan đến việc giải phóng các chất vào khí quyển phải được giới hạn và tuân theo quy định nghiêm ngặt.

NASEM cũng nhấn mạnh rằng địa kỹ thuật năng lượng mặt trời không nên thay thế cho việc giảm phát thải khí nhà kính.

GIA MINH
TTO