24/11/2024

Mực nước sông Mekong thấp 3 năm liên tiếp, thách thức lớn với ĐBSCL

Mực nước sông Mekong thấp 3 năm liên tiếp, thách thức lớn với ĐBSCL

Ba năm liên tiếp mực nước sông Mekong thấp kỷ lục, nếu xu hướng này không thay đổi sẽ gây ra hậu quả nặng nề đối với lưu vực sông Mekong, bao gồm ĐBSCL.

 

Mực nước sông Mekong thấp 3 năm liên tiếp, thách thức lớn với ĐBSCL - Ảnh 1.

2021 là năm thứ 3 liên tiếp mực nước sông Mekong thấp nhất trong hơn 60 năm. Trong ảnh, một khúc sông Tiền đoạn qua tỉnh Tiền Giang – một nhánh sông Mekong – Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Ngày 13-1, Ban thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC) kêu gọi 6 nước dọc sông Mekong khẩn trương giải quyết vấn đề dòng chảy thấp, sự thay đổi bất thường của mực nước và tình trạng hạn hán trong bối cảnh khu vực hạ lưu sông Mekong tiếp tục có dòng chảy thấp kỷ lục năm thứ 3 liên tiếp.

Xu hướng đáng lo

Báo cáo mới có tên “Dòng chảy thấp và tình trạng hạn hán của sông Mekong giai đoạn 2019 – 2023” do Ban thư ký MRC công bố cho thấy trong 3 năm qua, các dòng chảy chính của sông Mekong đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 60 năm, trong đó năm 2020 là năm khô hạn nhất của lưu vực hạ lưu sông Mekong.

Báo cáo nhấn mạnh kể từ năm 2015, chế độ thủy văn đã thay đổi, dòng chảy mùa khô nhiều hơn và dòng chảy mùa mưa giảm do số lượng thủy điện trong lưu vực tăng lên. Đến giai đoạn 2019 – 2021, mọi thứ trở nên đặc biệt khác thường do lượng mưa giảm nhiều và điều kiện khí hậu ngày càng xấu đi.

Các chuyên gia của MRC lưu ý một số yếu tố tích lũy đã dẫn đến sự thay đổi chưa từng có về dòng chảy. Thông thường, mùa gió mùa thường tạo ra một đỉnh lũ duy nhất, nhưng việc tích nước vào mùa mưa ở lưu vực sông Mekong đã góp phần trì hoãn tất cả các đợt lũ quan trọng.

Ngoài ra, dòng chảy thấp còn tác động lên dòng chảy ngược vào hồ Tonle Sap (Biển Hồ ở Campuchia) trong mùa mưa, một yếu tố quan trọng trong chế độ thủy văn của cả lưu vực rộng lớn.

Trong khi dòng chảy ngược của năm 2019 gần với mức trung bình, dòng chảy ngược trong các năm 2020 và 2021 đứng ở mức thấp nhất từng ghi nhận. Tổng lượng dòng chảy ngược năm 2020 và 2021 lần lượt là 58% và 51% tổng lượng dòng chảy ngược bình quân trong giai đoạn 2008 – 2021.

MRC nhận định những yếu tố trên kết hợp với nhau gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng thủy sản và nông nghiệp, gây áp lực lên sinh kế của người dân ở khu vực ĐBSCL và đe dọa hệ sinh thái mong manh của lưu vực sông Mekong.

ĐBSCL trước thách thức lớn

Hiện tại ĐBSCL có độ cao trung bình chưa đầy 1m trên mực nước biển. Các nhà khoa học Hà Lan dự báo nếu không có gì sớm thay đổi, phần lớn diện tích vùng châu thổ sẽ nằm dưới mực nước biển vào năm 2050.

Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature, nhóm chuyên gia từ ĐH Wageningen và ĐH Utrecht (Hà Lan) đã sử dụng mô hình tính toán mới, kết hợp các dự báo về sụt lún đất, nước biển dâng và tình trạng thiếu hụt phù sa sông Mekong, để đánh giá tác động lên ĐBSCL trong 30 năm tới.

“Chúng tôi phát hiện vùng châu thổ có khả năng sẽ chìm rất nhanh so với mực nước biển” – học giả Frances Dunn từ ĐH Utrecht cho biết.

“Những năm gần đây, sụt lún đất diễn ra ngày càng nhanh do con người khai thác nước ngầm quá mức. Sự kết hợp giữa sụt lún đất và nước biển dâng chúng tôi gọi là “mực nước biển dâng tương đối”. Đây là điều người dân sinh sống ở vùng châu thổ đang chứng kiến” – giáo sư Philip Minderhoud từ ĐH Wageningen bổ sung thêm.

Nhóm khoa học gia Hà Lan gợi ý một chiến lược tạm đối phó với đất sụt lún và nâng cao vùng đồng bằng là điều khiển phù sa tích tụ ở những khu vực nhất định. Đây không phải là giải pháp toàn diện vì lượng phù sa của sông Mekong hiện quá ít để bù đắp cho sự sụt lún, nhưng Việt Nam sẽ có thêm thời gian để thích ứng với những gì sẽ đến trong tương lai.

“Ví dụ chúng tôi thử đánh giá chuyện gì xảy ra nếu tập trung phù sa xung quanh thành phố Cần Thơ. Thậm chí với biện pháp này, anh chỉ có thể bảo vệ một bên của thành phố vì bên còn lại có sông chảy qua, đồng thời phần còn lại của vùng châu thổ sẽ chìm nhanh hơn vì không còn nhận được phù sa nữa” – học giả Frances Dunn giải thích.

Về một số giải pháp tình thế khác, tiến sĩ An Pich Hatda, giám đốc điều hành Ban thư ký MRC, cho rằng Trung Quốc và tất cả các nước thành viên của MRC cần chủ động hợp tác để cùng giải quyết những vấn đề của sông Mekong, ví dụ thiết lập cơ chế thông báo chung về những dao động bất thường của mực nước, hoặc nghiên cứu khả năng phối hợp quản lý vận hành các hồ chứa và đập thủy điện.

Ngoài ra các nước cũng cần xem xét các phương án xây dựng thêm hồ chứa để xử lý những tình huống hạn hán và lũ lụt khẩn cấp, cũng như một mô hình vận hành đối với toàn bộ lưu vực sông Mekong.

Mực nước sông Mekong thấp 3 năm liên tiếp, thách thức lớn với ĐBSCL - Ảnh 2.

Nguồn: MRC – Dữ liệu: MINH KHÔI – Đồ họa: T.ĐẠT

 

Phải dần thích nghi với mực nước thấp

Trước tiên phải nhìn nhận rằng nguyên nhân của hiện tượng mực nước sông Mekong năm thứ ba liên tiếp giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 60 năm là do 45 đập thủy điện ở phía thượng nguồn và tả ngạn sông Mekong gây ra.

Và dĩ nhiên điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình vận chuyển phù sa. Bởi vì tải lượng phù sa đem về vùng ĐBSCL phụ thuộc vào sức mạnh dòng chảy của mùa lũ. Bây giờ mùa lũ biến mất thì chắc chắn phù sa sẽ về ít. Việc thiếu phù sa sẽ thành nước đói, ảnh hưởng rất nhiều đến nông nghiệp và xảy ra tình trạng sạt lở. Sạt lở cả bờ sông lẫn bờ biển.

Nói đến sự ảnh hưởng đến nông nghiệp, việc mực nước sông thấp sẽ ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất, tăng chi phí sản xuất do phải bù bằng phân bón. Tuy nhiên thực tế chứng minh ngay cả việc bù phân bón cũng không thể thay thế được phù sa.

Ngoài ra, việc mực nước trên sông Mekong giảm trực tiếp ảnh hưởng đến sinh kế của bà con sống bằng mùa lũ: sản vật không có, nuôi thủy sản trên đồng cũng không được. Tín hiệu dòng sông theo đó cũng rối loạn khiến hệ sinh thái rối loạn theo. Ví dụ như bông điên điển phải có lũ mới trổ bông, hay cá muốn bơi ngược dòng, xuôi dòng để di cư thì phải chờ tín hiệu từ nước như độ đục, nhiệt độ, tốc độ dòng chảy… Tuy nhiên bây giờ những tín hiệu này đã bị xáo trộn hết, tín hiệu dòng sông phát đi theo mùa thay đổi khiến hệ sinh thái cũng bị rối loạn. Vì mùa lũ biến mất nên năng suất thủy sản sẽ giảm theo. Các nghiên cứu đã chứng minh lũ càng lớn thì năng suất khai thác thủy sản càng cao vì khi lũ càng lớn thì diện tích ngập càng lớn, cá có nhiều chỗ để đẻ.

Bây giờ nguồn lợi thủy sản của sông Mekong sẽ giảm, và việc nguồn lợi thủy sản đã giảm một năm thì kéo theo nhiều năm sau cũng sẽ giảm theo vì không kịp phục hồi.

Năm nay khoảng 45 đập thủy điện phía thượng nguồn đã tích được khoảng 85% trữ lượng nước để phục vụ thủy điện và nguồn nước này sẽ được xả về vùng ĐBSCL trong mùa khô. Cùng với hiện tượng La Nina xuất hiện trong năm nay nên vấn đề về xâm nhập mặn sẽ không gay gắt như những năm trước.

Tuy nhiên chúng ta cũng phải dần thích nghi với việc mực nước sông Mekong thấp liên tiếp và tình trạng thiếu hụt nguồn phù sa bằng cách thay đổi việc canh tác nông nghiệp. Chúng ta không thể mãi đi theo hướng thâm canh 3 vụ nữa. Trong bối cảnh thiếu phù sa như thế này thì phải giảm việc thâm canh mà phải dưỡng cho đất đai.

Thay vào đó nên sản xuất nông nghiệp theo tinh thần nghị quyết 120 của Chính phủ, tức là chọn ngành nông nghiệp sinh thái, hữu cơ trong tình hình mới.

Ths NGUYỄN HỮU THIỆN (chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL) – ​​​​​M.TRƯỜNG ghi

MINH TRUNG
TTO