Kiến nghị về luật tự do tôn giáo của các tôn giáo ở Chile
Kiến nghị về luật tự do tôn giáo của các tôn giáo ở Chile
Chile đang trong giai đoạn soạn thảo Hiến pháp mới. Liên quan đến tự do tôn giáo, các tôn giáo đã đưa ra một bản kiến nghị. Và điều kiện để kiến nghị được Hội nghị Hiến pháp chấp nhận đưa ra thảo luận là cần phải có đủ số người ủng hộ. Trong những ngày cuối năm 2021, theo một thông báo từ Hội đồng Giám mục Chile, đề xuất văn bản cho Hiến pháp mới đã vượt quá 15 ngàn sự ủng hộ cần thiết để được coi là một kiến nghị trước cơ quan hiến pháp.
Trước đó 19/10/2021, đại diện các tôn giáo ở Chile đã trình bày những đóng góp của họ đối với Hội nghị Hiến pháp về tự do tôn giáo như một giá trị cho đời sống dân chủ và xã hội của đất nước. Tài liệu là kết quả của một công việc chung liên tôn và liên sắc tộc bắt đầu vào tháng 8/2021, nhằm đạt được một ngôn ngữ và một đề xuất chung về ý nghĩa của tự do tôn giáo và lương tâm trong hiến pháp. Bước thứ hai là việc xây dựng cụ thể văn bản quy phạm, bao gồm ba điều, được trình lên Hội nghị Hiến pháp vào ngày 9/12/2021.
Điều thứ nhất liên quan đến các yếu tố trung tâm của tự do tôn giáo, bao gồm tự do giáo dục, tự do kết hôn, và những điều khác. Điều thứ hai nhấn mạnh: “Các tôn giáo được công nhận là đối tượng của pháp luật và được hưởng đầy đủ quyền tự chủ và đối xử bình đẳng để phát triển các mục tiêu, phù hợp với chính thể của họ. Các thỏa thuận hợp tác có thể được ký kết với họ. Họ có thể xây dựng các nơi thờ tự, sẽ được miễn tất cả các loại đóng góp. Những thiệt hại gây ra đối với các nơi thờ phượng và cho những người thực hiện quyền này bị coi là một cuộc tấn công chống lại quyền con người.” Cuối cùng, điều thứ ba được trình bày đề cập đến quyền của cha mẹ, và người giám hộ khi thích hợp, để con cái họ được giáo dục tôn giáo, tâm linh và đạo đức phù hợp với niềm tin của chúng.
Hội nghị phụ trách việc soạn thảo Hiến pháp mới ở Chile đã hoàn thành sáu tháng. Quy trình cấu thành là giải pháp được đa số các lực lượng chính trị đồng ý để giải quyết cuộc khủng hoảng năm 2019, nghiêm trọng nhất kể từ khi nền dân chủ trở lại, với 30 người chết, hàng ngàn người bị thương và các cáo buộc chống lại lực lượng an ninh vì vi phạm nhân quyền. Trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 25/10, mặc dù đại dịch, số người tham gia đã đông nhất trong lịch sử đất nước, trong đó 79% đã bỏ phiếu ủng hộ cải cách.
Ngọc Yến
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2022-01/kien-nghi-tu-do-ton-giao-chile.html