23/12/2024

Nghiên cứu ở Mỹ: Vắc xin COVID-19 chỉ ảnh hưởng kinh nguyệt tạm thời

Nghiên cứu ở Mỹ: Vắc xin COVID-19 chỉ ảnh hưởng kinh nguyệt tạm thời

Một nghiên cứu dựa trên gần 4.000 phụ nữ cho thấy kỳ kinh nguyệt sau khi tiêm vắc xin sẽ đến trễ hơn bình thường nhưng số ngày xuất huyết vẫn không đổi. Các ảnh hưởng và thay đổi chỉ ở mức tối thiểu, tạm thời.

 

Nghiên cứu ở Mỹ: Vắc xin COVID-19 chỉ ảnh hưởng kinh nguyệt tạm thời - Ảnh 1.

Một phụ nữ Mỹ được tiêm vắc xin COVID-19 – Ảnh: AP

Tiến sĩ Alison Edelman của Đại học Khoa học và sức khỏe Oregon, người đứng đầu nghiên cứu, cho rằng phụ nữ có thể yên tâm đi tiêm vắc xin COVID-19 sau khi đọc kết quả nghiên cứu công bố ngày 5-1 (giờ Mỹ).

Ứng dụng này đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm cấp phép, giúp phụ nữ theo dõi chu kỳ kinh nguyệt và cho biết thời gian có khả năng mang thai cao nhất.

Khoảng 2.400 người đã được tiêm vắc xin COVID-19, đa số của Pfizer (55%), tiếp theo là Moderna (35%) và Johnson & Johnson (7%). Khoảng 1.500 phụ nữ chưa tiêm cũng được đưa vào để so sánh.

Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh này đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo. Sự thay đổi nhẹ và tạm thời giữa các tháng là bình thường do căng thẳng, chế độ ăn uống, thậm chí tập thể dục.

Nghiên cứu bao gồm những phụ nữ có độ dài chu kỳ trung bình từ 24 đến 38 ngày, theo Hãng thông tấn AP.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu thu được từ những phụ nữ đã tiêm vắc xin trong 6 chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp, bao gồm 3 chu kỳ trước khi tiêm và 3 chu kỳ ngay sau đó.

Họ nhận thấy những người tiêm liều đầu tiên có chu kỳ dài hơn, trung bình là 0,64 ngày và liều thứ hai là 0,79 ngày.

Một nhóm nhỏ gồm 358 người được tiêm cả hai liều vắc xin trong cùng một chu kỳ kinh nguyệt có sự thay đổi một chút đối với độ dài chu kỳ tiếp theo, trung bình là hai ngày. Khoảng 10% trong số này có chu kỳ dài hơn 8 ngày trở lên nhưng sau đó trở lại mức bình thường.

Hiện vẫn chưa rõ vì sao có những thay đổi như vậy. Giả thuyết của bà Edelman là do hệ miễn dịch đang hoạt động, nhưng cho rằng cần thêm các nghiên cứu chuyên sâu để tìm lời giải.

Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ có điều kiện nghiên cứu trên toàn cầu để so sánh mức độ ảnh hưởng của từng loại vắc xin đến chu kỳ kinh nguyệt.

Tiến sĩ Christopher Zahn thuộc Đại học Sản – phụ khoa Mỹ nhận định phát hiện của nhóm bà Edelman là “bằng chứng mới quan trọng nhấn mạnh rằng bất kỳ tác động nào của vắc xin COVID-19 đối với kinh nguyệt đều là tối thiểu và tạm thời”.

Kinh nguyệt không đều hoặc những thay đổi kinh nguyệt khác sau khi tiêm vắc xin COVID-19 là vấn đề của không ít phụ nữ khiến một số chị em lo lắng.

Tại Mỹ, Viện Y tế quốc gia đang tài trợ cho các nghiên cứu về vấn đề này, bao gồm việc liệu có sự liên hệ nào giữa kinh nguyệt và vắc xin hay không.

BẢO DUY