Du ký trời Tây: Máy năng lượng mặt trời của kỹ sư Việt tại Paris
Du ký trời Tây: Máy năng lượng mặt trời của kỹ sư Việt tại Paris
Nhiều nghiên cứu nông học của kỹ sư Nguyễn Công Tiễu giới thiệu tại Pháp đã được giới khoa học nhiều quốc gia cho là có giá trị cao, trong đó có cả phát minh máy năng lượng mặt trời.
Nghiên cứu nấm Isaria, bèo hoa dâu được đánh giá cao
Năm 1937, khi sang Pháp, lúc đến Vườn bách thảo thăm GS Auguste Chevalier và GS Roger de Hiem ngày 15.9, kỹ sư Nguyễn Công Tiễu giới thiệu loài cá hà đồ, hay cá rễ cau thường đào lỗ ở ruộng làm ruộng mất nước, rồi nấm Isaria giết ve sầu khiến hai vị giáo sư trầm trồ, còn người bạn đi cùng ông Tiễu thì ngạc nhiên “bởi bên nước Việt Nam mình vẫn thấy người ta chế ông Nguyễn Công Tiễu về việc giết ve sầu, thế mà việc giết ve sầu ấy đã được nhà giáo sư ở Viện Quốc gia Bảo tàng Pháp cho là một phát minh có giá trị”, Khoa học tạp chí số 185, ngày 1.3.1938 ghi.
Bài tường thuật về hội nghị canh nông quốc tế có kỹ sư Nguyễn Công Tiễu dự đăng trên Khoa học tạp chí số 180 năm 1937 TƯ LIỆU CỦA TRẦN ĐÌNH BA |
Đem theo những nghiên cứu trên, kỹ sư Nguyễn Công Tiễu tham dự hội nghị quốc tế canh nông nhiệt đới và hạ nhiệt đới (Congrês internatianal d’Agriculture tropicale et subtropicale) ngày 16 – 21.9.1937 tại Paris với hơn 150 đại biểu. Ông Tiễu có 4 bài tham gia với các chủ đề: Việc để giống bèo hoa dâu về mùa hè (soạn chung với Nguyễn Công Huân); khảo về loại cá đục ruộng cùng cách trừ; khảo về loài bọ xít hại cây vải; khảo về nấm Isaria sinh bệnh truyền nhiễm trừ được ve sầu và nhiều loài sâu bọ.
Nghe xong các bài trình bày của ông Tiễu bằng tiếng Pháp, nhiều nhà khoa học đã hỏi vị kỹ sư người Việt về những vấn đề liên quan như cách sinh hoạt của bèo hoa dâu với vi trùng Nostoc; cách trừ cá đục ruộng và việc tìm ra loại nấm Isaria, “ông Tiễu trả lời cẩn thận, được ông chủ tọa là GS Heim de Balzac rất chú ý” viết thư riêng hỏi về những vấn đề khoa học ở nước Nam. Khoa học tạp chí số 180, ngày 21.12.1937 còn cho biết các nhà khoa học Ý, Hà Lan, Brazil dự hội nghị nhờ kỹ sư Tiễu gửi cho họ ít bèo hoa dâu, cá đục ruộng để nghiên cứu.
Các nghiên cứu trên tập trung nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp, mà nghiên cứu bèo hoa dâu được kỹ sư Tiễu theo đuổi từ lâu. Khi làm chủ bút báo Vệ Nông, năm 1928 ông xuất bản Sách làm ruộng, sách Những điều bí mật về bèo dâu in năm 1934. Cũng liên quan bèo hoa dâu, ông Tiễu có sách Bèo hoa dâu dùng làm phân bón phát triển từ bài thuyết trình gửi hội nghị ở Java, Indonesia…
Phát minh máy Tiêu – Tiên đăng trên Khoa học tạp chí số 23, ngày 1.6.2932 TƯ LIỆU CỦA TRẦN ĐÌNH BA |
Trình diễn thành công máy năng lượng mặt trời
Ở Pháp, kỹ sư Nguyễn Công Tiễu còn dự hội nghị khảo cứu khoa học ở các thuộc địa Pháp diễn ra tại Trường Thuộc địa, số 2 Avenue de l’Observatoire, Paris, thời gian 20 – 26.9.1937. Tại đây, một phát minh của ông Tiễu cùng đồng sự Trần Công Tiến khiến giới khoa học phải trầm trồ, đó là máy chạy bằng ánh sáng mặt trời, được đặt tên “Turbine solaire Tiêu – Tiên”. Để có máy trình bày tại hội nghị, ông Tiễu cho hay đã phải vất vả tự thân vận động, nấu thủy tinh chế ra máy trong mấy tháng mới hoàn thành. Máy vận chuyển sang Tây lại vất vả hơn. Mà trình tại hội nghị khoa học lại khó bội phần.
Trước khi máy được giới thiệu tại hội nghị, thì khi tới Paris, kỹ sư Tiễu đã viết thư cho Thư ký vĩnh viễn tại Viện Hàn lâm là ông Lacroix để trình bày mình có chiếc máy mới sáng chế muốn trình Viện Khoa học hàn lâm. GS vật lý A.Cotton được ủy quyền nghe ông Tiễu trình bày, khổ nỗi hai bên thông tin không thông suốt nên việc gặp xem máy bị lỡ. GS A.Cotton nhờ GS Maurin, chủ tọa Ban Địa cầu vật lý, là thành viên của Viện Hàn lâm khoa học xem. GS Maurin liền viết thư hẹn kỹ sư Tiễu sáng ngày 24.9.1937 đem máy đến hội nghị để trình bày. Vậy là cơ hội cho chiếc máy năng lượng mặt trời được biết rộng rãi đến thật tình cờ.
Nhận được thư hẹn chiều 23.9, ông Tiễu vui mừng khôn xiết, chỉ mong nhanh đến sáng mai cho các nhà khoa học biết đến chiếc máy của mình, “nếu không thì lúc nào cũng ân hận rằng người ta chờ đợi mà mình không đến, thành thử việc hỏng tại mình; có lúc bực mình, tôi định: nếu không đưa trình được, thì vất quách máy xuống sông Seine mà về cho rảnh”, Khoa học tạp chí số 183, ngày 1.2.1938 thuật lại.
Giờ G cũng điểm, sáng ngày 24.9, Ban Vật lý địa cầu họp, đến phiên của mình, ông Tiễu lên diễn thuyết về chiếc máy Tiêu – Tiên, đồng thời thực hiện thí nghiệm hoạt động của máy cho cử tọa xem. Cuộc thí nghiệm thành công khi cử tọa được xem máy hoạt động. GS Maurin là chủ tọa hứa sẽ trình lên Viện Hàn lâm. Thế là chiếc máy năng lượng mặt trời của kỹ sư người Việt được trình diễn trước đông đảo các nhà khoa học của nhiều quốc gia. Khoa học Việt Nam đã có tiếng nói ngay tại trời Tây khiến các học giả thích thú vì sự mới lạ.
Máy Tiêu – Tiên, vốn đã được Khoa học tạp chí số 14, ngày 15.1.1932 giới thiệu do hai ông Tiễu, Tiến phát minh. Sang số 15, ngày 1.2.1932 thông tin tiếp hai tác giả đã gửi bài tường trình về máy sang Pháp cho Viện Hàn lâm khoa học. “Vậy máy Tiêu – Tiên là một thứ động cơ chạy bằng mặt giời, nhờ ánh sáng mặt giời làm cho khí nở ra ở trong, ống vắng khí giời xô đẩy nước chạy đầu ống này sang đầu ống kia thành quay mãi”, Khoa học tạp chí số 23, ngày 1.6.1932 đăng bài “Phát minh máy Tiêu – Tiên” đã kết luận về cách thức, mô hình hoạt động của máy.
TRẦN ĐÌNH BA
TNO