Công cụ mới chống Covid-19
Công cụ mới chống Covid-19
Việc Mỹ phê duyệt thuốc viên Paxlovid của Pfizer để trị Covid-19 mang lại biện pháp mới hứa hẹn hữu hiệu trong việc ngăn chặn đại dịch.
Hiệu quả 89% ngăn nhập viện
Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) hôm qua (23.12) cấp phép sử dụng khẩn cấp cho thuốc kháng vi rút Paxlovid đối với bệnh nhân Covid-19 từ 12 tuổi trở lên có nguy cơ bệnh nặng.
Thuốc Paxlovid được sản xuất và đóng gói tại Ascoli, Ý REUTERS |
Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng của Pfizer, loại thuốc trên cho kết quả hiệu quả 89% trong việc ngăn chặn nhập viện và tử vong. Theo chỉ định của FDA, thuốc này chỉ được cấp cho bệnh nhân xét nghiệm dương tính và phải do bác sĩ kê đơn. Bệnh nhân phải uống trong vòng 5 ngày, mỗi ngày 2 liều. Một liều thuốc gồm 2 viên của Pfizer và 1 viên thuốc kháng vi rút ritonavir, loại giúp gia tăng công hiệu của thuốc chính trong cơ thể, theo AP.
Tuy nhiên, Paxlovid không được khuyến cáo dùng cho người mắc bệnh nặng về gan hoặc thận. Trẻ em muốn sử dụng phải đạt đủ cân nặng cần thiết. Bên cạnh đó, thuốc này chỉ chứng minh công dụng khi được sử dụng trong vòng 5 ngày từ khi biểu hiện triệu chứng, đặt ra trở ngại lớn về thời gian trong bối cảnh nguồn cung xét nghiệm tại Mỹ đang thiếu hụt. “Nếu vượt ra khỏi khung thời gian này, độ hiệu quả của loại thuốc được dự kiến sẽ giảm”, nhà vi rút học Andrew Pekosz tại Đại học Johns Hopkins cho hay.
Mỹ đã đặt mua 10 triệu liệu trình với giá 5,3 tỉ USD. Tuy được cấp miễn phí nhưng nguồn cung thời gian đầu dự kiến sẽ bị hạn chế do thời gian sản xuất thuốc này mất nhiều tháng. Nhà Trắng thông báo sẽ nhận được 265.000 liệu trình đến cuối tháng 1.2022. Trong khi đó, Pfizer cũng sẽ sản xuất 80 triệu liệu trình trong năm tới theo hợp đồng của nhiều nước khác như Anh, Úc…
Tin mừng cho nước thu nhập thấp
Trong bối cảnh biến thể Omicron đang khiến số ca bệnh tăng mạnh, việc FDA phê duyệt thuốc Paxlovid là thông tin đáng lạc quan đối với lực lượng y tế Mỹ bởi thuốc này được cho là có hiệu quả đối với người nhiễm biến thể Omicron.
Thuốc này tiện dụng và rẻ hơn so với các loại thuốc kháng thể được sử dụng để trị Covid-19 trước nay, vốn phải được tiêm hoặc truyền tĩnh mạch tại bệnh viện. Paxlovid là thuốc trị Covid-19 dạng uống đầu tiên được cấp phép tại Mỹ. Tuần trước, cơ quan quản lý dược phẩm của EU đã cho phép các nước thành viên sử dụng thuốc của Pfizer để điều trị nhằm ứng phó đợt bùng phát do biến thể Omicron, trong thời gian chờ cấp phép chính thức.
Loại thuốc viên Molnupiravir của hai hãng Merck và Ridgeback Therapeutics cũng đang được xem xét nhưng ngay cả khi được cấp phép, thuốc này nhiều khả năng không được ưa chuộng hơn vì chỉ giúp giảm 30% nguy cơ nhập viện và tử vong.
Biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn ?
Tờ The New York Times ngày 23.12 dẫn kết quả của 3 cuộc nghiên cứu cho thấy có thể biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn so với các biến thể trước đó. Cụ thể, nghiên cứu tại Nam Phi trong đợt bùng phát hồi tháng 11 cho thấy những người mắc biến thể Omicron có nguy cơ nhập viện thấp hơn 70% so với những người mắc các biến thể khác. Nghiên cứu tại Scotland trong tháng 11 và 12 cho thấy mắc biến thể Omicron ít nguy cơ nhập viện hơn 2/3 so với biến thể Delta, trong khi nghiên cứu tại Anh là khoảng 15 – 20%.
Dù vậy, giới chuyên gia lưu ý rằng đây mới chỉ là kết quả sơ bộ và việc nguy cơ nhập viện thấp hơn có thể nhờ những bệnh nhân đó đã hình thành miễn dịch. Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng đợt lây nhiễm gia tăng nhanh tại nhiều nước do biến thể này có thể khiến hệ thống y tế bị quá tải.
Điều đáng mừng là cả Pfizer và liên doanh đối thủ Merck-Ridgeback đều đã tình nguyện cho phép các nhà sản xuất thuốc khác sao chép công thức, công nghệ để sản xuất ra loại thuốc tương tự nhằm cung cấp cho các nước thu nhập trung bình và thấp, theo thỏa thuận với Tổ chức Bằng sáng chế dược phẩm (MPP) do LHQ hậu thuẫn.
Theo đó, Pfizer sẽ không nhận phí bản quyền trong doanh số bán thuốc cho các nước thu nhập thấp và tất cả những nước nằm trong thỏa thuận, trong thời gian Covid-19 còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế. Merck, Ridgeback và Đại học Emory của Mỹ (nơi nghiên cứu ra Molnupiravir) cũng đưa ra tuyên bố tương tự hồi tháng 10, theo CNN.
Mặc dù vậy, các chuyên gia y tế, trong đó có Tổng giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla, nhấn mạnh loại thuốc mới không phải là sự thay thế cho vắc xin và nhấn mạnh tiêm chủng vẫn là biện pháp an toàn, hiệu quả nhất để ngăn chặn nhiễm bệnh.
VI TRÂN
TNO