CDC Mỹ: Nên tiêm vắc xin Pfizer/Moderna thay vì Johnson & Johnson
CDC Mỹ: Nên tiêm vắc xin Pfizer/Moderna thay vì Johnson & Johnson
Ngày 16-12, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị người dân nên tiêm vắc xin của Pfizer, Moderna thay vì của Johnson & Johnson (J&J), do vắc xin của J&J hiệu quả bảo vệ yếu và nguy cơ lớn hơn.
“Khuyến nghị mới cập nhật hôm nay (16-12) nhấn mạnh cam kết của CDC về việc cung cấp thông tin khoa học cập nhật cho công chúng Mỹ”, tiến sĩ Rochelle Walensky – giám đốc CDC Mỹ – cho biết.
Theo Hãng tin AFP, vắc xin J&J ban đầu được ca ngợi vì có thể trữ ở nhiệt độ tủ lạnh, và có hiệu quả tốt với các biến thể trước đây của virus SARS-CoV-2 dù chỉ cần tiêm một liều.
Tuy nhiên, bằng chứng xuất hiện sau đó cho thấy vắc xin có liên quan đến tình trạng đông máu hiếm gặp, đặc biệt ở phụ nữ trong độ tuổi sinh nở, buộc nhà chức trách phải tạm dừng sử dụng vắc xin J&J một thời gian ngắn trước khi cho tiêm lại từ tháng 4 vừa qua.
Kể từ đó, vắc xin J&J vẫn là lựa chọn thứ ba, sau Pfizer và Moderna, ở Mỹ.
Tuần này, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ phát hiện tỉ lệ gặp tác dụng phụ đông máu cao hơn mức đã nghĩ, và không chỉ ở phụ nữ.
Theo dữ liệu CDC vừa công bố, tính đến ngày 9-12 với khoảng 16 triệu liều J&J đã tiêm, ít nhất 9 người chết vì huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS), trong đó có 7 nữ và 2 nam.
Phụ nữ từ 30-49 tuổi là nhóm có nguy cơ cao nhất, với tỉ lệ mắc TTS vào khoảng 1/100.000 người.
Dữ liệu thử nghiệm sơ bộ trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy liều vắc xin J&J tạo ra rất ít sự bảo vệ chống biến thể Omicron, ít nhất là trong việc ngừa mắc bệnh.
Dù vậy, nhóm cố vấn của CDC cho rằng vắc xin J&J (công nghệ vector virus) vẫn nên sẵn có để tiêm cho những người vì lý do nào đó không thể tiêm vắc xin Pfizer hay Moderna (công nghệ mRNA).
Cùng ngày, trong cuộc thảo luận về lợi ích và rủi ro, nhóm cố vấn CDC cũng đánh giá về những rủi ro của vắc xin Pfizer và Moderna, đặc biệt với nam thanh niên trẻ – những người có thể gặp phản ứng phụ hiếm gặp về viêm tim sau khi tiêm các loại vắc xin này.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có ca tử vong nào được ghi nhận do viêm tim sau tiêm ở Mỹ, và hai vắc xin này có hiệu quả bảo vệ cao hơn so với J&J.
CDC Mỹ cũng cho rằng không nên cấm vắc xin J&J vì có thể phát đi tín hiệu tiêu cực cho nhiều khu vực trên thế giới – nơi vắc xin J&J có thể là lựa chọn sẵn có duy nhất.