23/12/2024

Thuốc trị Covid-19 rao bán tràn lan

Thuốc trị Covid-19 rao bán tràn lan

Thuốc kháng viêm, kháng đông, thuốc kháng vi rút điều trị Covid-19 được sử dụng có kiểm soát, theo đơn, chỉ định. Thế nhưng, hiện được rao bán như rau ngoài chợ.

 

 

Nhà thuốc vô tư bán thuốc trị Covid-19

Thời điểm số ca mắc Covid-19 tăng cao khiến bệnh viện (BV) quá tải, Bộ Y tế cho phép TP.HCM cách ly điều trị F0 tại nhà, kèm theo phát gói thuốc A (vitamin, hạ sốt), B (kháng viêm, kháng đông) và C (thuốc Molnupiravir kháng vi rút trong chương trình thử nghiệm thuốc). Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tuần qua, Sở Y tế TP.HCM đã rút gói thuốc B ra khỏi thuốc dùng cho F0 tại nhà. Loại thuốc B chỉ uống 1 lần duy nhất khi F0 có SpO2 dưới 96%, chuyển nặng trước khi nhập viện. Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Sở Y tế cho biết sau quá trình sử dụng gói thuốc B, nhận thấy thuốc uống cần có sự kiểm soát, theo dõi của bác sĩ nên cho dừng, chỉ cấp gói A, C.

Trong hướng dẫn của Sở Y tế trước đây, gói thuốc B gồm kháng viêm và kháng đông. Kháng viêm có 3 loại để chọn 1: Dexamethasone 0,5 mg, Methylprednisolone 16 mg và Prednisolone 5 mg (tạm gọi là thuốc 3). Thuốc kháng đông có 2 loại để chọn 1: Rivaroxaban 10 mg và Apixaban 2,5 mg (tạm gọi là thuốc 4).

Thuốc trị Covid-19 rao bán tràn lan - ảnh 1
Dễ dàng tiếp cận mua thuốc kê đơn dùng điều trị Covid-19 KHÁNH TRẦN

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, việc mua gói thuốc B dễ dàng không cần đơn tại các nhà thuốc, dù trước đó Sở Y tế yêu cầu chỉ bán thuốc này theo đơn.

Khi chúng tôi đến một nhà thuốc trên đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) thì được nhân viên vô tư giới thiệu giá từng loại thuốc điều trị Covid-19, loại thuốc 3: Dexamethasone 0,5 mg và Prednisolone 5 mg đều có giá 500 đồng/viên; thuốc Methylprednisolone 16 mg giá 4.500 đồng/viên. Đối với loại thuốc 4 trong gói thuốc B là Rivaroxaban 10 mg và Apixaban 2,5 mg, nhân viên này giới thiệu tại nhà thuốc hiện chỉ có Rivaroxaban 10 mg với giá 48.000 đồng/viên. Tại nhà thuốc trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10), nhân viên này giới thiệu loại thuốc 4 là Rivaroxaban 10 mg với giá 65.000 đồng/viên, Apixaban 2,6 mg có giá 25.000 – 26.000 đồng/viên. Các loại thuốc 3 như Dexamethasone 0,5 mg và Prednisolone 5 mg đều có giá 500 đồng/viên, Methylprednisolone 16 mg giá 4.500 đồng/viên.

Chúng tôi tiếp tục đến một nhà thuốc khác trên đường Dương Quang Trung (Q.10) để hỏi mua các loại thuốc điều trị Covid-19 như trên, nhân viên tại đây cho biết Dexamethasone 0,5 mg và Prednisolone 5 mg đều có giá 500 đồng/viên, Methylprednisolone 16 mg giá 2.500 đồng/viên. Loại thuốc 4 là Rivaroxaban 10 mg được bán với giá 40.000 đồng/viên. Tham khảo tại nhà thuốc lớn trên đường Hai Bà Trưng (Q.3), các loại thuốc 3 như Dexamethasone 0,5 mg và Prednisolone 5 mg đều có giá 500 đồng/viên, Methylprednisolone 16 mg khoảng 1.900 đồng/viên. Loại thuốc Rivaroxaban có giá 32.000 đồng/viên…

Rao bán tràn lan trên mạng

Hiện TP.HCM chỉ cấp gói thuốc kháng vi rút (Molnupiravir hoặc Favipiravir) cho F0 có triệu chứng và khai báo, ưu tiên cho người lớn tuổi, có bệnh nền. Tuy nhiên, có không ít F0 không khai báo mà ở nhà tự điều trị, một số F0 tự ý mua thuốc kháng vi rút khi không được cấp thuốc này khiến giá thuốc ở “chợ đen” được đẩy lên rất cao. Nếu tháng 8, 9.2021, thuốc kháng vi vút được rao bán trên mạng có giá từ 1,8 – 2,5 triệu đồng/liều (20 viên với thuốc có hàm lượng 400 mg/viên và 40 viên với thuốc 200 mg/viên), đến nay đã được đẩy lên 8 triệu đồng/liều.

Trên mạng, việc rao bán các loại thuốc điều trị Covid-19 của Nga và Mỹ sản xuất, trong đó loại thuốc đặc trị Covid-19 Molnupiravir 200 mg do một công ty của Mỹ sản xuất được nhiều người tìm mua. Ngày 30.11, một tài khoản Đ.L rao bán thuốc Molnupiravir với 2 dạng vỉ và lọ. Người này rao bán 1 liều 4 vỉ (40 viên) giá 8 triệu đồng, 1 lọ 9,5 triệu đồng cùng một số lượng viên thuốc. Lý giải về sự chênh lệch giá dù bằng số lượng, người này cho hay vì thuốc theo vỉ có hạn sử dụng chỉ 6 tháng, trong khi lọ có hạn sử dụng cao hơn dẫn đến giá có sự chênh lệch. Về nguồn gốc, Đ.L khẳng định đây là thuốc được Bộ Y tế cấp phép nên dạng vỉ hay lọ thì công dụng đều giống nhau(?).

Khi PV đặt vấn đề mua với số lượng 10 hộp, người này nói, có “thầy” làm bác sĩ giao đi bán nên không thể tự quyết định. Sau vài phút, Đ.L trả lời, “thầy” đồng ý giảm giá 200.000 đồng cho mỗi hộp nếu mua 10 hộp. Ngoài ra, Đ.L còn tư vấn thêm: Nếu mua để bán thì nên mua dạng lọ, còn nếu mua để uống thì lấy dạng vỉ cho kinh tế. Về phương thức giao dịch, người này sẵn sàng giao hàng thông qua shipper, nhưng khi PV muốn gặp trực tiếp để kiểm tra chất lượng trước khi thanh toán tiền thì người này thoái thác và khóa tài khoản ngay sau đó.

Còn tài khoản Facebook H.T rao bán trực tiếp các loại thuốc điều trị Covid-19, ban đầu người này rao bán các loại thuốc đặc trị Covid-19 do Nga sản xuất, nhưng khi hỏi mua Molnupiravir 200 mg cũng có sẵn hàng mặc dù thị trường đang khan hiếm. PV đặt mua 10 lọ thuốc Molnupiravir 200 mg trong ngày (1.12), H.T lập tức đồng ý, và hẹn PV đến nhà tại Q.7 để xem hàng, nhưng do làm về trễ nên H.T giới thiệu anh trai tên N.D có nhà trên đường Âu Cơ (Q.11), và nhắn PV gặp N.D để xem hàng. Sau đó, những người này lại đổi ý chỉ giao hàng qua shipper và hối thúc mua vì mỗi ngày giá mỗi lên.

Về nguồn gốc của các hộp thuốc trên, H.T khẳng định hàng chất lượng được nhiều bác sĩ ở các BV lớn tin dùng (?). “Anh yên tâm cái này không có thuốc giả, chỉ có thuốc thật thôi, bao hàng giả luôn, nên anh cứ yên tâm. Em nói thật hôm nay anh không mua mai giá nó khác, hôm qua giá còn bèo nhèo hôm nay giá trên trời luôn”, H.T hối thúc. Hẹn địa điểm xong, một lát sau, shipper mang đến cho chúng tôi 10 lọ Molnupiravir đựng trong bao ni lông màu đen.

Tham khảo một đầu mối bán thuốc “chợ đen” khác, tài khoản P.K cũng rao bán thuốc đặc trị Covid-19 Molnupiravir 200 mg xuất xứ Ấn Độ. Cụ thể, 2 vỉ/20 viên có giá 8,5 triệu đồng, còn lọ chỉ có giá 8,2 triệu đồng. P.K cho rằng loại này vừa được công ty nhập về, chưa được sử dụng tại các BV.

Thuốc trị Covid-19 rao bán tràn lan - ảnh 2
Thuốc Molnupiravir được shipper giao cho chúng tôi  SONG MAI

Thuốc kháng vi rút được quản lý ra sao ?

Bác sĩ Đặng Quốc Quân, Giám đốc BV đa khoa khu vực Hóc Môn, cho biết khi bệnh nhân (BN) nhập viện nếu có chỉ định dùng Molnupiravir thì được cấp sử dụng 5 ngày (BN có ký cam kết). Mỗi ngày điều dưỡng sẽ cấp phát cho uống tại chỗ. Nếu BN vì lý do nào đó ngưng thuốc thì thuốc sẽ được điều dưỡng trả về khoa dược trong ngày. Hằng ngày, phòng kế hoạch – tổng hợp thống kê trong BV có bao nhiêu BN dùng Molnupiravir (hoặc Remdesiver – thuốc tiêm dành cho BN nặng). Khoa dược đều báo cáo hằng ngày về cho Sở Y tế số thuốc được cấp, số đã sử dụng. Cũng theo bác sĩ Quân, hiện ngoài thị trường trôi nổi thuốc kháng vi rút nên khuyến cáo người dân không nên mua vì không loại trừ thuốc giả.

Theo TS-BS Diệp Bảo Tuấn, phụ trách BV dã chiến số 14, khi khoa dược phát thuốc ra phải có chữ ký của người nhận, đúng hồ sơ BN sử dụng. Phòng kế hoạch – tổng hợp thường xuyên đi kiểm tra xem việc sử dụng thuốc có đúng theo hồ sơ cấp phát hay không? Như vậy, ngoài quy trình ban hành thì BV còn phải giám sát, không thể để thất thoát, bên cạnh đó là nâng cao ý thức của nhân viên y tế. “Thuốc bán trên thị trường hiện là hàng xách tay mà chủ yếu từ Ấn Độ”, TS-BS Bảo Tuấn nhìn nhận.

Còn trưởng một trạm y tế lưu động cho hay một F0 cách ly tại nhà ngoài đủ điều kiện uống thuốc kháng vi rút thì phải lý cam kết sử dụng, báo cáo hằng ngày về trạm về tình hình sử dụng, các triệu chứng sau sử dụng. Nếu vì lý do nào đó ngưng thuốc, phải trả thuốc về trạm y tế lưu động để trả lại cho trung tâm y tế. Tất cả đều có giấy tờ, hồ sơ và báo cáo.

 

Thuốc trị Covid-19 rao bán tràn lan - ảnh 3

Không tùy tiện mua thuốc trị Covid-19

Bác sĩ Tôn Thanh Tùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Quân y 175, cho rằng qua tư vấn nhiều F0 tại nhà, ông thấy một số F0 hay dùng nhóm thuốc 3 ngay từ đầu (Corticoid) để điều trị bao vây. Theo ông, nhóm thuốc 3 uống sớm quá hoặc không cần thiết, sẽ gây ra tác dụng phụ như xuất huyết dạ dày, bội nhiễm phổi, nhiễm nấm… “Khi vi rút xâm nhập, trong những ngày đầu cơ thể cần sức đề kháng chống lại vi rút nhưng lại đi uống Corticoid trong khi chất này gây suy giảm miễn dịch, không có lợi”, bác sĩ Tùng nói. Còn với thuốc chống đông (nhóm thuốc 4), theo bác sĩ Tùng, phải uống dựa vào yếu tố nguy cơ với liều dự phòng nếu không có chống chỉ định mà BN chưa cần nhập viện, hay chưa có điều kiện đi BV (người thừa cân, bệnh nền). Việc cho thuốc là bằng kinh nghiệm của bác sĩ hoặc dựa trên các chỉ số xét nghiệm. “Không có công thức chung điều trị cho BN Covid-19. Điều trị là theo giai đoạn bệnh, mức độ bệnh, yếu tố nguy cơ, nhóm nguy cơ. Vì vậy, việc kê đơn phải có kinh nghiệm, chứ tự mua uống là không phù hợp”, bác sĩ Thanh Tùng khuyến cáo.

Trước thực trạng xuất hiện mua bán tràn lan thuốc điều trị Covid-19, đặc biệt là Molnupiravir, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, có văn bản gửi các BV, trung tâm y tế, nhà thuốc chấn chỉnh hoạt động cấp phát, kinh doanh thuốc điều trị Covid-19.

Theo lãnh đạo Sở Y tế, lợi dụng tâm lý lo lắng và nhu cầu dự trữ thuốc điều trị Covid-19 của người dân, hiện các thuốc kháng vi rút không có nguồn gốc, xuất xứ đang được chào bán trên mạng với giá cao. Việc kinh doanh trái phép các thuốc chưa được cấp giấy phép lưu hành có thể dẫn đến các nguy cơ về sức khỏe như bệnh trở nặng hoặc biến chứng do dùng thuốc giả, dùng thuốc không đúng chỉ định, dùng thuốc cho các đối tượng chống chỉ định hoặc không theo dõi tác dụng phụ. Ngoài việc yêu cầu quản lý chặt việc cấp phát các loại thuốc tại cơ sở y tế, Sở Y tế chỉ đạo các quận huyện tổ chức kiểm tra việc kinh doanh của các cơ sở bán lẻ thuốc và xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.

 

DUY TÍNH – KHÁNH TRẦN

TNO