Phát hiện hàng trăm hành tinh ngoài hệ mặt trời nhờ cỗ máy mới của NASA
Phát hiện hàng trăm hành tinh ngoài hệ mặt trời nhờ cỗ máy mới của NASA
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã thành công xác nhận sự tồn tại của 301 hành tinh mới nhờ vào sự hỗ trợ của hệ thống vận hành theo công nghệ “machine learning”, tức dạy học cho máy móc.
Một hành tinh đi ngang sao trung tâm trong hệ sao được kính thiên văn Kepler phát hiện NASA |
Đến nay, đa số các hành tinh ngoài hệ mặt trời đều nằm trong phạm vi của Dải Ngân hà, thường cách địa cầu trong vòng 3.000 năm ánh sáng.
Hôm 22.11, NASA tuyên bố các nhà khoa học gần đây tìm được thêm 301 hành tinh, nâng tổng số hành tinh được phát hiện lên 4.569, theo báo The Hill.
Việc xác nhận được sự tồn tại của các hành tinh xa xôi được thực hiện nhờ vào hệ thống gọi là ExoMiner, sử dụng siêu máy tính Pleiades của NASA và dữ liệu từ kính thiên văn Kepler. ExoMiner có thể ngay lập tức học được cách triển khai một nhiệm vụ khi được cung cấp đầy đủ dữ liệu.
NASA cho hay ExoMiner đã giúp giới chuyên gia rút ngắn thời gian xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ từ kính thiên văn Kepler để xác định đâu là một hành tinh.
Tổng cộng 301 ứng viên hành tinh đã được Kepler phát hiện nhưng các nhà khoa học không thể xác định được cho đến khi ExoMiner được đưa vào sử dụng.
“Nếu ExoMiner khẳng định một đối tượng là hành tinh, bạn có thể an tâm về kết luận đó”, theo ông Hamed Valizadegan, người dẫn đầu dự án ExoMiner thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Không gian của Các trường Đại học.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng không có hành tinh nào trong số vừa tìm thấy sở hữu những đặc điểm như trái đất hoặc nằm trong khu vực có thể cho phép sự sống phát triển.
HẠO NHIÊN
TNO