24/01/2025

Ô nhiễm nặng nề, Delhi đóng cửa trường học vô thời hạn

Ô nhiễm nặng nề, Delhi đóng cửa trường học vô thời hạn

Thành phố Delhi, Ấn Độ sẽ đóng cửa các trường học cho đến khi có thông báo mới vì ô nhiễm không khí lên đến mức nguy hiểm.

 

 

Ô nhiễm nặng nề, Delhi đóng cửa trường học vô thời hạn - ảnh 1
Người dân trên bãi bồi sông Yamuna, New Delhi, Ấn Độ sáng ngày 17.11 REUTERS

AFP đưa tin cuối ngày 16.11, Ủy ban Quản lý Chất lượng Không khí của Delhi, Ấn Độ thông qua lệnh buộc tất cả cơ sở giáo dục tại thành phố này đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.

Lệnh này cũng cấm xe tải vào thủ đô Ấn Độ, ngoại trừ những xe chở hàng thiết yếu cho đến ngày 21.11. Hầu hết hoạt động xây dựng đã bị tạm dừng. “Súng chống sương khói” và vòi phun nước đã được lệnh hoạt động tại các điểm nóng ở Delhi ít nhất ba lần một ngày.

6/11 nhà máy nhiệt điện trong bán kính 300 km xung quanh Delhi cũng phải ngừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Ủy ban Quản lý Chất lượng Không khí Delhi cũng cho phép 50% nhân viên trong chính phủ Ấn Độ làm việc tại nhà và khuyến cáo các công ty tư nhân thực hiện điều này.

Đây là thay đổi lớn vì ngày 13.11, chính quyền Delhi ra lệnh đóng cửa các trường học trong một tuần và cấm các hoạt động xây dựng diễn ra trong bốn ngày.

Lệnh mới được đưa ra vài ngày sau khi chính quyền Delhi bác bỏ lời kêu gọi của Tòa án Tối cao Ấn Độ về việc tuyên bố “phong tỏa vì ô nhiễm” lần đầu tiên và yêu cầu người dân ở nhà.

Delhi là nơi sinh sống của khoảng 20 triệu người và là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Mỗi mùa đông, Delhi lại bị bao phủ trong lớp sương khói dày đặc.

Một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí vào mùa đông ở Delhi là khói do nông dân đốt đồng ở các bang lân cận. Tuy nhiên, chính quyền Delhi cho biết hoạt động công nghiệp là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm này, sau đó là xe cộ và bụi.

Tuần này, nồng độ bụi mịn PM 2.5 – loại bụi gây ra bệnh phổi và tim mãn tính – đã đạt mức hơn 400 ở một số khu vực của thành phố Delhi.

Tuần trước, nồng độ bụi đã chạm ngưỡng 500, gấp 30 lần giới hạn tối đa mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị.

Một báo cáo của tạp chí Lancet vào năm 2020 cho thấy gần 17.500 người đã chết ở Delhi vào năm 2019 vì ô nhiễm không khí. Theo báo cáo của tổ chức IQAir của Thụy Sĩ năm ngoái, 22 trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới nằm ở Ấn Độ.

 

ĐÔNG A

TNO