24/11/2024

Bí mật toà giải tội và nạn lạm dụng tính dục

Bí mật toà giải tội và nạn lạm dụng tính dục

Trong những năm gần đây, ấn tích toà giải tội nhiều lần bị tấn công sau những tin tức và phúc trình về những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Người ta nuôi ảo tưởng nhờ sự bãi bỏ bí mật tòa giải tội, thiện ích của các trẻ em sẽ được bảo vệ hơn. Trong khi đó, giáo quyền quyết liệt bảo vệ tính chất thánh thiêng của ấn tích toà giải tội. Vụ gần đây nhất là trường hợp tại Pháp, nhưng trước đó những điều tương tự cũng đã xảy ra tại Australia.

 Phúc trình Ciase

Hôm 5/10 vừa qua, dư luận Công giáo tại Pháp và nhiều nơi trên thế giới bị “sốc” lớn vì phúc trình do một uỷ ban độc lập được Hội đồng Giám mục Pháp uỷ nhiệm thực hiện trong 32 tháng: kết quả là trong 70 năm từ năm 1950 đến nay người ta phỏng đoán có 330.000 người trẻ bị giáo sĩ và các nhân viên của Giáo Hội lạm dụng tính dục. Và trong số các biện pháp được ông Jean-Marc Sauvé, trưởng nhóm điều tra, đề nghị để giúp ngăn chặn tệ nạn này là cần thay đổi quy luật về Bí tích Giải Tội, để cha giải tội có thể trình báo với nhà chức trách những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Tuyên bố của Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Pháp

Trước đề nghị này, Đức cha Éric de Moulins-Beaufort, Tổng Giám mục Giáo phận Rennes, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, phản ứng và bênh vực bí mật toà giải tội, đồng thời nói rằng đối với các tín hữu Công Giáo, quy luật giữ bí mật toà giải tội “cao hơn luật pháp Nhà Nước” đòi các cha giải tội phải trình báo với nhà chức trách những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên biết được trong toà giải tội. Tức khắc phía chính quyền, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Tư pháp, và dư luận đời mạnh mẽ phản đối. Thế là thay vì chú ý đến nội dung của Phúc trình Ciase, dư luận quan tâm tranh luận về lời tuyên bố của Đức Tổng Giám mục Eric.

 Phản ứng của chính quyền

Sau đó Bộ trưởng Nội vụ Pháp, ông Gérard Darmanin, đã triệu Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp đến gặp ông chiều thứ Hai 12/10 vừa qua để làm sáng tỏ vấn đề. Ông tuyên bố rằng các linh mục phải trình báo cho Nhà Nước những vụ lạm dụng trẻ em, kể cả những vụ nghe được trong toà giải tội.

Theo hình luật Pháp, những người không trình báo những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên mà họ biết được, sẽ bị phạt từ 3 năm tù và 45.000 Euro cho tới 5 năm tù và 75.000 Euro.

 Phản ứng của Đức Tổng Giám mục Eric

Về phần Đức cha Eric, ngài ra thông cáo xin lỗi về câu nói “vụng về” bảo vệ ấn tích toà giải tội và nói thêm: “Tôi xin lỗi các nạn nhân và tất cả những người có thể đau lòng hoặc bị sốc vì những câu nói của tôi trên Đài France Info về việc xưng tội, đã lấn át việc đón nhận nội dung Phúc trình Ciase và sự quan tâm đến các nạn nhân.” Đức cha cũng cam đoan rằng Hội đồng Giám mục Pháp sẽ làm việc để dung hòa “bản chất của việc xưng tội và sự cần thiết phải bảo vệ trẻ em” dưới ánh sáng mức độ rộng lớn của bạo lực và gây hấn tình dục đối với các trẻ vị thành niên.

 Phản ứng của dư luận

Lời tuyên bố trên đây của Đức Tổng Giám mục Eric gây kinh ngạc nơi các tín hữu Công giáo Pháp và từ Mỹ cũng có những người kêu gọi các Giám mục Pháp hãy bênh vực bí mật của Bí tích Giải Tội.

Vì thế, phát ngôn viên Hội đồng Giám mục Pháp, bà Karine Dalle phải lên tiếng hôm 13/10 vừa qua để thanh minh rằng các Giám mục Pháp duy trì bí mật toà giải tội và không làm thương tổn giáo huấn của Giáo hội Công giáo về ấn tích thánh thiêng của Bí tích Giải Tội.

Bà Karine Dalle nói với 1 ký giả Công giáo Mỹ rằng không thể thay đổi giáo luật cho nước Pháp, vì đây là luật của Giáo Hội hoàn vũ. Một linh mục vi phạm bí mật toà giải tội sẽ bị vạ tuyệt thông. Đó là điều Đức Tổng Giám mục Moulins-Beaufort, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, muốn nói trong tuần trước đây, sau khi công bố phúc trình do Uỷ ban của ông Sauvé thực hiện. Đức Tổng Giám mục nói rằng ấn tín tòa giải tội ở trên luật của Cộng hoà Pháp. Đức Tổng Giám Mục nói sự thật, nhưng sự thật này không thể nghe được đối với những người không phải là Công Giáo, và không thể hiểu được tại Pháp giữa cuộc tranh luận về điều gọi là “chủ trương ly khai tôn giáo”.

 Trường hợp ở Australia

Tại Australia cũng xảy ra tương tự. Đã có 6 tiểu bang ở Australia thông qua luật bó buộc về vấn đề này, theo đề nghị của Uỷ ban Hoàng gia tại Australia điều tra về những vụ lạm dụng tính dục trong Giáo hội Công giáo, mặc dù giáo quyền Công giáo nước này đã mạnh mẽ phản đối. Nhiều linh mục tuyên bố sẵn sàng vào tù chứ không vi phạm ấn tín toà giải tội, vì giáo luật buộc linh mục phải tuyệt đối giữ kín những gì đã nghe được trong toà giải tội.

Một số người khác cảnh giác rằng chính quyền ban hành luật như thế là điều không những vô ích, nhưng còn làm thiệt hại cho chính nghĩa bảo vệ trẻ em. Lý do vì không ai đi xưng thú tội của mình với linh mục để rồi để bị cha giải tội tố giác với chính quyền. Như vậy, luật đó sẽ khiến những kẻ phạm tội các tội ấy không xưng tội nữa, và thế là cha giải tội mất đi cơ hội khuyên bảo họ từ bỏ con đường tội lỗi ấy.

 Toà Thánh lên tiếng

Toà Thánh đã gửi đến Hội đồng Giám mục Australia một số nhận xét về 12 đề nghị của Uỷ ban Hoàng gia để bài trừ nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục, trong đó có cả đề nghị bãi bỏ bí mật toà giải tội. Toà Thánh tái khẳng định đặc tính bất khả xâm phạm của ấn tín toà giải tội, nó là điều mà chính bản chất của bí tích đòi hỏi, vì thế nó xuất phát từ chính luật của Thiên Chúa. “Toà giải tội cống hiến một cơ hội, có lẽ là duy nhất, để những người phạm tội lạm dụng tính dục nhìn nhận tội ấy. Trong lúc ấy có thể cha giải tội khuyên hối nhân hãy thống hối, sửa đổi cuộc sống và tái lập công lý. Nhưng điều này không có nghĩa là cha giải tội tố giác hối nhân với nhà chức trách về tội lạm dụng ấy, vì làm như thế sẽ không hối nhân nào đến toà giải tội nữa và như thế sẽ mất đi cơ hội thống hối vừa canh tân.”

 Đức Hồng Y Chánh tòa ân giải tối cao

Trong bối cảnh những xôn xao ở Pháp, hôm 15/10 vừa qua, trong cuộc phỏng vấn dành cho trang mạng Aci Stampa ở Ý, Đức Hồng y Mauro Piacenza, Chánh Toà Ân giải Tối cao, tái khẳng định bí mật toà giải tội là bất khả xâm phạm, và ngài phê bình lập trường của những giới chức chính quyền Pháp muốn đồng hoá bí mật toà giải tội với bí mật của các nghề nghiệp khác như bác sĩ, luật sư, dược sĩ. Bí mật toà giải tội không phải là một sự bó buộc áp đặt từ bên ngoài, nhưng là một đòi hỏi nội tại của bí tích, và với tư cách ấy, bí mật này cũng không thể hủy bỏ, kể cả từ chính hối nhân như giáo luật số 1550 triệt 2, số 2 quy định. Hối nhân không nói với cha giải tội trong tư cách là người, nhưng với Thiên Chúa. Vì thế chiếm đoạt điều thuộc về Thiên Chúa là một tội phạm thánh.

Đức Hồng y cảnh giác rằng điều chắc chắn là không phải bài trừ nạn lạm dụng tính dục bằng cách vi phạm một bí tích. Nạn lạm dụng này ngày nay lan tràn trong mọi lĩnh vực xã hội và nó được nuôi dưỡng bàng sự tính dục hoá tột cùng.

Đức Hồng y Piacenza nhấn mạnh rằng Bí tích Hoà Giải là một hành vi phụng tự, vì thế không thể lẫn lộn nó với một cuộc nói chuyện tư vấn tâm lý. Trong tư cách là một hành vi bí tích, việc xưng và giải tội phải được bảo vệ nhân danh tự do tôn giáo và mọi sự xen mình vào phải bị coi là bất hợp pháp và xâm phạm các quyền của lương tâm.

 Giáo luật hiện hành

Về kỷ luật hiện hành của Giáo Hội về vấn đề này, Giáo luật hiện nay, khoản số 983 quy định rằng:

1. Ấn tích giải tội là điều bất khả vi phạm: do đó, tuyệt đối cấm chỉ cha giải tội không được tiết lộ về hối nhân bằng lời nói hay bằng cách nào khác, và vì bất cứ lý do gì.

Trong tinh thần thận trọng, nhắm bảo vệ bí mật tòa giải tội, Giáo luật số 984 dạy thêm:

1. “Tuyệt đối cấm chỉ cha giải tội không được sử dụng những điều biết được trong tòa giải tội để làm hại hối nhân, cho dù không có nguy cơ tiết lộ.”

2. “Những người cầm quyền không bao giờ được dùng vào việc cai trị ở tòa ngoài những điều nghe biết trong toà giải tội bất cứ vào thời gian nào.”

Giáo luật số 1388 quy định hình phạt cho những người nào vi phạm luật cấm trên đây:

1. “Cha giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, sẽ mắc vạ tuyệt thông tức khắc dành cho Toà Thánh quyền giải. Còn ai chỉ vi phạm gián tiếp, sẽ bị phạt tuỳ theo mức nặng của tội phạm.”

G. Trần Đức Anh, OP

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-10/bi-mat-toa-giai-toi-nan-lam-dung-tinh-duc.html