Christopher Columbus là người hùng hay kẻ tội đồ?
Christopher Columbus là người hùng hay kẻ tội đồ?
Nhà thám hiểm Christopher Columbus có chịu trách nhiệm về thiệt hại nhân mạng, phá hủy đất đai và phá vỡ truyền thống từng được người Mỹ bản địa duy trì trong hàng chục ngàn năm?
Đó là những nhận định được đưa ra nhân kỷ niệm 529 năm nhà thám hiểm người Ý Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ diễn ra hôm 10.10 ở nhiều thành phố của xứ cờ hoa.
Năm 1492, Christopher Columbus đi tàu vượt qua Đại Tây Dương, nơi ông tình cờ gặp châu Mỹ và những người sống trên châu lục này, theo Thư viện Quốc hội Mỹ (LOC). Khám phá quan trọng của ông đã mở đường cho việc khai phá và thuộc địa hóa rộng rãi châu Mỹ, đưa Christopher Columbus trở thành một nhân vật được ca ngợi trong nền văn hóa Mỹ gốc Ý.
Kể từ đó, những người Mỹ gốc Ý trên khắp nước Mỹ đã tổ chức lễ kỷ niệm và diễu hành vào ngày 10.10 để tưởng nhớ chuyến đi của Christopher Columbus cùng những đóng góp của ông.
Christopher Columbus PEOPLE |
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, người dân bản địa và các nhà hoạt động khác lại cho rằng nhà thám hiểm nổi tiếng phải chịu trách nhiệm về thiệt hại nhân mạng, phá hủy đất đai và phá vỡ truyền thống từng được người Mỹ bản địa duy trì hàng chục nghìn năm trước khi ông đến.
Sự phản đối của họ khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8.10 đưa ra một tuyên bố công nhận Ngày của Người bản địa. Tuyên bố của ông Biden đóng vai trò như một sự thúc đẩy đáng kể nhằm tập trung lại ngày lễ liên bang hướng tới các dân tộc bản địa.
Hơn 100 thành phố ở Mỹ bao gồm Seattle, Los Angeles, Denver, Phoenix, San Francisco… đã thay thế Ngày Columbus bằng Ngày của Người bản địa, tin từ CNN. Và hơn một chục bang bao gồm Vermont, New Mexico, Maine, Hawaii… cũng làm như vậy, theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Smithsonian của người Mỹ da đỏ.
Tranh vẽ Christopher Columbus đến châu Mỹ PEOPLE |
Sự thay đổi đã dẫn đến căng thẳng cao độ giữa những người ủng hộ hai ngày lễ, quanh việc tranh cãi liệu khen ngợi Christopher Columbus vì hành động của ông có đúng hay không.
Những người ủng hộ Ngày Columbus nói rằng nên duy trì ngày lễ vì đó là biểu tượng của di sản người Mỹ gốc Ý và đại diện cho sự khởi đầu của nền văn minh phương Tây.
“Chúng tôi có một thị trưởng đang làm mọi cách để tấn công cộng đồng người Mỹ gốc Ý, bao gồm hủy bỏ cuộc diễu hành, dỡ bỏ các bức tượng, thay đổi Ngày Columbus thành Ngày của Người bản địa”, luật sư George Bochetto nói với tờ Time sau khi Thị trưởng Philadelphia Jim Kenney và chính quyền đặt một chiếc hộp trên bức tượng Christopher Columbus sau vụ giết hại người Mỹ da đen George Floyd vào năm 2020. Ít nhất 3 bức tượng của nhà thám hiểm Christopher Columbus đã bị phá hoại ở Mỹ vào năm 2020, dấu hiệu cho thấy các cuộc biểu tình phản đối bạo lực quá mức của cảnh sát đang biến thành phản đối bất bình đẳng chủng tộc ở Mỹ.
“Hôm nay, chúng tôi kỷ niệm ngày Christopher Columbus đặt chân đến châu Mỹ và buổi bình minh của văn minh phương Tây ở thế giới mới. #ColumbusDay”, thượng nghị sĩ Doug Mastriano của bang Pennsylvania viết trên Twitter.
Hạ nghị sĩ Nydia Velázquez của New York đứng về phía những người chống lại Ngày Columbus, nói rằng ngày lễ này nên bị xóa hoàn toàn khỏi lịch vì nhà thám hiểm người Ý là một “kẻ cuồng tín diệt chủng”. Bà viết trên Twitter : “Hôm nay đáng lẽ phải là #IndinativePeopleDay… Chúng ta cần dành thời gian này để suy ngẫm về lịch sử bạo lực tàn bạo đối với các dân tộc bản địa ở Mỹ và nhận ra rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để sửa chữa tác hại sai lầm này”.
Bức tượng Christopher Columbus ở Minnesota bị giật sập CHỤP MÀN HÌNH |
Hạ nghị sĩ New York Hakeem Jeffries ghi rõ trong một dòng Tweet: “Hàng triệu người bản địa đã mất mạng trong cuộc diệt chủng chống lại họ ở châu Mỹ. Hôm nay chúng tôi tạm dừng để long trọng ghi nhận thảm kịch của những người này”.
Trong khi đó, những người khác đã chọn cách đồng thời công nhận cả Ngày Columbus và Ngày của Người bản địa.
Thị trưởng Thành phố New York Bill de Blasio gần đây lên tiếng bảo vệ cả hai ngày này sau cuộc tranh cãi giữa Hội đồng Giáo dục thành phố và các nhà hoạt động người Mỹ gốc Ý, theo Time.
Vào tháng 5.2021, hội đồng quản trị đã xóa Ngày Columbus khỏi lịch học của thành phố New York và thay thế bằng Ngày của Người bản địa. Quyết định của họ đã không thành công do các nhà hoạt động người Mỹ gốc Ý phản đối. Các trường học sau đó buộc phải đổi tên ngày lễ thành Ngày Di sản Ý/Ngày của Người bản địa để thỏa hiệp với cả hai bên.
“Chúng ta phải tôn vinh Ngày Columbus như một ngày ghi nhận những đóng góp của tất cả những người Mỹ gốc Ý, vì vậy tất nhiên ngày đó không nên thay đổi một cách tùy tiện”, de Blasio nói với Time.
Ron Onesti, Chủ tịch Ủy ban hành chính chung của những người Mỹ gốc Ý, đã lặp lại thông điệp của mình: “Kết quả mà tôi đang mong muốn là truyền thống của chúng ta được tôn trọng và các cuộc bàn luận tiếp tục diễn ra. Cần ghi nhận những đóng góp của cộng đồng người Ý”.
Christopher Columbus (1451-1506) là một nhà hàng hải, thám hiểm người Ý. Những chuyến vượt Đại Tây Dương của ông mở ra nhiều cuộc thám hiểm châu Mỹ cũng như quá trình thực dân hóa của lục địa già. Nhiều quan điểm xét lại thời hiện đại cho rằng Christopher Columbus đã ra lệnh tiến hành tội ác diệt chủng đối với người Mỹ bản địa, nhưng điều này vẫn chưa chính xác về mặt lịch sử. Các nhà sử học chưa tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Christopher Columbus từng ra lệnh diệt chủng, hoặc có bất kỳ hành động ác ý cụ thể nào đối với người Mỹ bản địa mà ông từng gặp.
ĐỖ TUẤN
TNO