23/11/2024

Không có ca tử vong khi thử thuốc kháng virus Molnupiravir

Không có ca tử vong khi thử thuốc kháng virus Molnupiravir

Ngày 1-10, Hãng dược Merck của Mỹ cho biết họ sẽ xin cấp phép thuốc viên Molnupiravir, sau khi thuốc chứng minh giúp giảm gần nửa nguy cơ nhập viện vì COVID-19.

 

Không có ca tử vong khi thử thuốc kháng virus Molnupiravir - Ảnh 1.

Logo Hãng dược Merck tại cổng vào khuôn viên công ty này ở bang New Jersey, Mỹ – Ảnh: REUTERS

“Dữ liệu rất ấn tượng”, tiến sĩ Anthony Fauci – chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ – cho biết.

Ông Fauci nhấn mạnh kết quả thử nghiệm cho thấy không có ca tử vong trong số những bệnh nhân đã dùng Molnupiravir, so với 8 ca tử vong trong nhóm dùng giả dược.

Theo Hãng tin AFP, trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, Merck và đối tác Ridgeback Therapeutics đã đánh giá dữ liệu trên 770 bệnh nhân. Gần một nửa trong số này dùng Molnupiravir trong 5 ngày, trong khi số còn lại dùng giả dược.

Theo đó, kết quả cho thấy Molnupiravir giúp giảm gần 50% nguy cơ nhập viện. Thuốc đảm bảo tính an toàn, và có hiệu quả tốt chống lại các biến thể đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2 như biến thể Delta.

Kết quả đủ thuyết phục để một hội đồng chuyên gia độc lập theo dõi thử nghiệm của Merck – có sự tham vấn với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ – quyết định dừng thử nghiệm sớm.

Theo AFP, điều này cũng cho thấy việc hội đồng cảm thấy sử dụng tiếp giả dược cho phân nửa nhóm bệnh nhân tham gia thử nghiệm là vô đạo đức.

“Loại thuốc này sẽ thay đổi các cuộc trao đổi xung quanh việc kiểm soát COVID-19”, ông Robert Davis – giám đốc điều hành Merck – cho biết.

Merck cho biết sẽ sớm nộp hồ sơ xin FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp cho thuốc Molnupiravir. Nếu được cấp phép, theo Hãng tin Reuters, Molnupiravir sẽ là thuốc kháng virus dạng uống đặc trị COVID-19 đầu tiên trên thế giới.

Chính phủ Mỹ đã chi 1,2 tỉ USD để đặt mua trước 1,7 liệu trình thuốc Molnupiravir.

Theo AFP, cho tới nay, các liệu pháp trị COVID-19 như kháng thể đơn dòng và thuốc Remdesivir của Hãng Gilead vẫn được dùng qua đường tĩnh mạch chứ không phải thuốc dạng uống.

“Thật tốt khi có thêm lựa chọn. Bạn có thể có thứ gì đó hiệu quả tương tự, song nếu một trong số chúng dễ sử dụng hơn, nó sẽ có tác động lớn hơn trong dân số”, bà Natalie Dan – nhà thống kê sinh học tại ĐH Emory và là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm – nhận định.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng nếu được phê chuẩn, Molnupiravir không phải là một phép mầu chữa trị COVID-19, và mọi người vẫn nên tiêm vắc xin có hiệu quả bảo vệ cao hơn là để mắc bệnh và uống thuốc.

ANH THƯ
TTO