Loài người có thể ngăn chặn được biến thể Delta?
Loài người có thể ngăn chặn được biến thể Delta?
Với số ca nhiễm biến thể Delta tăng mạnh tại nhiều nước trong những tháng gần đây, ngày càng nhiều chuyên gia y tế công cộng cho rằng cần kết hợp nhiều biện pháp chống dịch bên cạnh tiêm vắc xin.
Theo Hãng tin Bloomberg ngày 14-8, biến thể Delta (lần đầu tiên phát hiện ở Ấn Độ) đang đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống y tế công cộng trên toàn cầu.
Tại sao biến thể Delta lại khó ngăn hơn các biến thể khác?
Biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn và có khả năng né tránh miễn dịch của cơ thể có được sau khi mắc COVID-19 lẫn miễn dịch sinh ra nhờ vắc xin.
Dù không biết chính xác nguyên do nhưng các nhà khoa học cho rằng đó có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có khả năng nhân lên nhanh hơn, có nồng độ virus cao hơn đáng kể trong đường hô hấp trên, khả năng bám tốt hơn vào thụ thể ACE2 – thụ thể mà virus SARS-CoV-2 bám vào để xâm nhiễm vào tế bào người.
Thêm vào đó, biến thể Delta mạnh hơn các biến thể trước, và chỉ cần một lượng nhỏ virus chủng này cũng đủ gây bệnh.
Cách tốt nhất để phòng ngừa biến thể Delta?
Tiêm đủ vắc xin là cách tốt nhất để phòng ngừa nhập viện trong trường hợp nhiễm chủng Delta. Để dập tắt nguy cơ từ biến thể Delta, cần phải có đủ nguồn cung cấp vắc xin cho toàn thế giới và tiêm chủng cho phần lớn các cộng đồng dân cư trên thế giới.
Nếu không như vậy, các cộng đồng sẽ dễ bùng dịch do biến thể Delta gây ra, với hệ quả là số lượng lớn ca nhiễm, ca nhập viện, và thậm chí là tử vong. Nếu để virus tiếp tục lây lan sẽ xuất hiện thêm nhiều biến thể nữa có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch hoặc thậm chí dễ lây truyền hơn nữa.
Vắc xin có hiệu quả không?
Câu trả lời là CÓ. Lợi ích của việc chủng ngừa là vắc xin giúp đào tạo hệ miễn dịch nhận biết và biết cách chống lại virus nhanh hơn, ngăn bệnh tiến triển nặng hơn. Do đó, vắc xin có thể giúp những ca lẽ ra tiến triển nặng trở thành ca bệnh nhẹ, hoặc giúp ca bệnh nhẹ thành ca không triệu chứng.
Các nước có tỉ lệ tiêm chủng cao ghi nhận số ca nhập viện thấp hơn, là bằng chứng cho thấy vắc xin đang hoạt động hiệu quả.
Tại sao lại có ca bệnh trong số những người đã chủng ngừa?
Không có vắc xin ngừa COVID-19 nào đạt hiệu quả bảo vệ 100% trong ngăn ngừa nhiễm virus. Mỗi người đều có phản ứng khác nhau với vắc xin, dẫn đến sự khác nhau về số lượng và chất lượng của các kháng thể mà cơ thể tạo ra sau khi tiêm chủng.
Nghiên cứu cho thấy một số cá nhân đã tiêm chủng có thể không tạo ra đủ lượng kháng thể để chống lại sự lây nhiễm của biến thể Delta ngay từ ban đầu. Những trường hợp này được gọi là “ca nhiễm đột phá”.
Tuy nhiên, các ca đột phá thường bình phục nhanh hơn những người chưa tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều. Vắc xin không chỉ giúp ngăn ngừa các triệu chứng nặng mà còn rút ngắn thời gian bình phục, và do đó làm giảm khả năng lây truyền virus của họ.
Có thể làm gì để vắc xin hiệu quả hơn?
Một số nước giàu đã bắt đầu tiêm liều vắc xin bổ sung để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể do lo ngại về hiệu quả của các liều vắc xin giảm theo thời gian, cũng như nhu cầu bảo vệ các nhóm người dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, việc tiêm liều bổ sung cũng đang gây tranh cãi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều chuyên gia y tế kêu gọi hoãn tiêm liều bổ sung để chia sẻ vắc xin với những nước nghèo thiếu nguồn cung và đang chật vật tìm vắc xin để tiêm liều đầu tiên cho người dân.
Vắc xin là đủ?
Các chuyên gia y tế cho biết chỉ mỗi vắc xin sẽ không đủ ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta vốn có khả năng lây nhiễm cao, mà cần có các biện pháp bổ sung, gồm đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và tránh tụ tập đông người.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng kêu gọi đại tu hệ thống thông gió cũng như hệ thống cấp nước công cộng từ những năm 1800 và từng là nguồn lây dịch tả.
Vắc xin có thể ngăn nhiễm COVID-19?
CÓ KHẢ NĂNG. Trong số các vắc xin đang được phát triển, có một số loại nhằm mục đích kích thích phản ứng miễn dịch mạnh hơn trong mũi – nơi virus sử dụng để xâm nhập vào cơ thể.
Hy vọng bằng cách cải thiện miễn dịch ở mũi, virus có thể bị đánh bại trước khi có cơ hội gây nhiễm trùng, ít xâm nhập vào phổi và gây bệnh nặng hơn.