Ốc mượn hồn bị ‘kích thích’ bởi rác thải nhựa, hậu quả ra sao?
Ốc mượn hồn bị ‘kích thích’ bởi rác thải nhựa, hậu quả ra sao?
Loài ốc mượn hồn có thể nhầm lẫn một chất phụ gia trong rác thải nhựa ở đại dương là thức ăn.
Tờ Business Insider ngày 12.8 dẫn nghiên cứu của Đại học Hull (Anh) cho rằng chất phụ gia oleamide trong rác thải nhựa khiến loài ốc mượn hồn (cua ẩn sĩ) bị tăng động.
Hóa chất thường dùng để làm tăng độ bóng nhựa được phóng thích ra trong quá trình rác thải nhựa phân hủy có thể bị chúng nhầm lẫn là thức ăn.
Điều này có nghĩa là nhiều con phải di chuyển rất xa để tìm thức ăn, nhưng sau cùng lại tìm thấy rác thải nhựa.
Theo chuyên gia Paula Schirrmacher, thành viên nhóm nghiên cứu, tần số hô hấp của chúng tăng đáng kể chỉ với nồng độ thấp của oleamide và chúng có hành vi bị thu hút cũng giống như khi bị kích thích bởi thức ăn.
“Oleamide rất giống với axit oleic, hóa chất được phóng thích bởi loài chân khớp khi phân hủy”, chuyên gia này phân tích.
Nghiên cứu được thực hiện tại vịnh Robin Hood’s ở Bắc Yorkshire giúp suy đoán loài ốc mượn hồn có thể đã ăn nhiều vi nhựa hơn ta tưởng. Có những nghiên cứu khác cho thấy tiêu thụ nhựa có thể khiến loài ốc này khó tìm được vỏ phù hợp, và có thể chết vì bị kẹt trong chai lọ bằng nhựa trong lúc tìm vỏ.
Ốc mượn hồn có vai trò thiết yêu trong việc duy trì sức khỏe của các môi trường nhiệt đới, vì vậy việc số lượng cá thể giảm đi do tiếp xúc với nhựa là một mối nguy lớn cho môi trường, theo Jennifer Lavers, trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Tasmania.
KHÁNH AN
TNO