25/01/2025

30 năm cứu người trên cung đường ‘đệ nhất hùng quan’

Đã thành thói quen, mỗi khi có thông tin báo tai nạn trên cung đường đèo Hải Vân hơn 20km, vợ chồng bà Đặng Thị Vang là những người có mặt sớm nhất tại hiện trường.

 

30 năm cứu người trên cung đường ‘đệ nhất hùng quan’

Đã thành thói quen, mỗi khi có thông tin báo tai nạn trên cung đường đèo Hải Vân hơn 20km, vợ chồng bà Đặng Thị Vang là những người có mặt sớm nhất tại hiện trường.
 

“Nghe tiếng nổ ầm ầm, tui nhìn lên thấy cột khói cao hơn cả chục mét. Biết có chuyện, tui ra đường ngăn xe lên dốc, còn ổng chạy đến hiện trường coi thế nào. Con gái út gọi báo công an”.

30 năm cứu người trên cung đường đệ nhất hùng quan - Ảnh 1.

Bà Vang và tủ thuốc dùng để sơ cứu người bị tai nạn trên đỉnh đèo Hải Vân - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Đó là phản xạ tưởng như thành nếp của gia đình bà Đặng Thị Vang (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) trong vụ lật xe bồn gây chết người vừa qua.

Đó là trách nhiệm khi mình sống và mưu sinh nhờ cung đường này.

Bà Đặng Thị Vang

Hơn 30 năm mưu sinh trên cung đường được mệnh danh “thiên hạ đệ nhất hùng quan”, vợ chồng bà Vang không nhớ hết bao nhiêu lần ra tay cứu giúp những người không may lỡ đường, gặp tai nạn trên đèo Hải Vân (nối TP Đà Nẵng với tỉnh Thừa Thiên – Huế).

Lột nhẫn cứu người

Đã thành thói quen, mỗi khi có thông tin báo tai nạn trên cung đường đèo dài hơn 20km này, vợ chồng bà Đặng Thị Vang là những người có mặt sớm nhất tại hiện trường.

Như vụ tai nạn xe bồn trên đỉnh Hải Vân chiều tối 20-12, chiếc xe chở đầy khí lỏng chạy theo hướng Bắc – Nam đổ dốc từ đỉnh đèo về TP Đà Nẵng chưa đầy 2km thì xảy ra va quẹt với xe khác, rồi lao xuống vực. Tài xế tử vong trong đám cháy lớn, còn phụ xe là anh Đào Trọng Minh (33 tuổi, trú cùng địa phương) may mắn thoát ra khỏi đám cháy được ông Phạm Dạng, chồng bà Vang và những người buôn bán trên đỉnh đèo trợ giúp đưa lên khỏi vực.

Gia đình bà Vang mưu sinh bằng nghề bán nước giải khát, sửa xe trên đỉnh đèo từ ngày mới thống nhất đất nước. Khi ấy chưa có hầm đường bộ Hải Vân, mật độ xe cộ lưu thông liên tục, những vụ tai nạn lớn nhỏ xảy ra hằng ngày. Lúc bấy giờ chỉ có một quán nhỏ ở ngay đỉnh đèo, nơi tập trung của những người phụ nữ bán hàng rong như bà Vang. Còn ông Dạng đi xe đạp lên xuống cung đường này để bán ụ kê bánh xe và bơm vá xe đạp, xe máy.

Không đếm nổi bao nhiêu vụ tai nạn mà vợ chồng ông cùng những người buôn bán ở đây ra tay trượng nghĩa. Ông Dạng chỉ nhớ nhất vụ tai nạn lúc hầm đường bộ Hải Vân chưa đi vào sử dụng, bởi vụ đó đã khiến vợ chồng lớn tiếng cãi nhau. Cũng “kịch bản” tương tự chiếc xe bồn tai nạn hôm rồi, chiếc xe tải chở đầu trâu khi vừa qua khỏi đèo, đổ dốc khúc khuỷu ở phía nam thì lăn ào xuống vực.

Tài xế chính mất xác dưới vực, còn tài phụ trong cabin bê bết máu. Vợ chồng ông Dạng cùng với mấy người buôn bán trên đỉnh đèo lại chuyền tay nhau xuống vực đưa tài phụ lên. Lúc vẫy được chiếc xe khách dừng lại, bà Vang cùng em gái ông Dạng nhảy lên xe theo người xuống bệnh viện.

“Vụ đó ghê lắm, ông tài phụ ra máu ướt hết người tui. Xuống bệnh viện thành phố, tôi lục trong túi cũng không thấy tiền và giấy tờ. Bác sĩ hỏi đến, tui phải đứng ra nhận người thân rồi rủ cô em ra tiệm vàng gần đó bán 5 phân nộp viện phí” – bà Vang nhớ lại.

Đêm đó bà về nhà, một cuộc cãi vã nhỏ đã xảy ra giữa hai vợ chồng. Ông Dạng nói đây là số tiền lớn để dành mua sách vở cho 4 đứa con vào năm học mới. “Lỡ tài xế qua đời hoặc người ta không trả thì con lấy gì nhập học?” – ông Dạng quát. Lúc này bà Vang chỉ biết ôm mặt khóc. Dường như trong lúc gay cấn, bà cũng quên mất mục đích sử dụng số tiền lớn mà cả năm hai vợ chồng chắt chiu được.

Một lúc sau, bà ra nơi ông Dạng đang ngồi đốt thuốc nói nhỏ: “Tui không làm khác được ông ơi. Nếu đó là người thân của mình đi ra gặp nạn, ông thấy có nên không?”.

30 năm cứu người trên cung đường đệ nhất hùng quan - Ảnh 3.

Quán nước của bà Đặng Thị Vang ở gần đỉnh đèo luôn có đông khách lui tới – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

“Bảo bối” cung đường đèo

Năm 2012, chính quyền thành phố hỗ trợ những người bán hàng rong trên đỉnh đèo Hải Vân như bà Vang một khoản tiền để chuyển đổi ngành nghề. Vợ chồng bà đi hết cung đường đèo, chọn một vị trí có góc quan sát đẹp làm một lều nhỏ, đặt tên quán là “View”.

Quán nhỏ xíu nhưng khách quốc tế đến rất đông vì cảnh quan đẹp, phần vì có bà chủ quán tướng phúc hậu biết nói đủ thứ tiếng Anh, Pháp, Trung, Hàn… Từ khi có quán, ông Dạng không phải đạp xe quanh đèo tìm người hỏng xe, bà Vang cũng không phải chạy theo mời chào khách mua bánh, uống nước.

Bà Vang chép miệng nói: “Tui ở hơn 30 năm nay được trời phù hộ”. “Trời phù hộ” theo cách nói của bà Vang là để giải thích mình cứu người không vụ lợi, nên giờ có đứa con gái thứ 2 được học bổng đang học thạc sĩ ở Mỹ. “Mấy đứa con có đứa đại học, có đứa đi làm bảo vệ nhưng đứa nào cũng lễ phép, có hiếu với cha mẹ là tui yên lòng” – bà Vang nói.

Trong căn lều mái tôn, một góc bà Vang để cho chồng sửa xe, một góc cho bà bán nước mía, còn người chị bán dừa xiêm. Cô con dâu và người con trai mới đi bộ đội về cũng lên phụ giúp cha mẹ bán thêm đồ lưu niệm và trái cây.

Bà nói đùa rằng ở đây ai cũng có một góc riêng hành hiệp trượng nghĩa. Đó chính là góc tủ đựng “bảo bối” cứu người. Những dụng cụ y tế như băng, gạc, nước sát trùng, kem bôi vết bỏng… được bà mua để sẵn sàng sơ cứu những người gặp nạn.

Hôm chúng tôi tới đây, có một cặp sinh viên quê Quảng Trị cũng đến quán chơi. Hỏi ra mới biết năm ngoái về quê ăn tết, hai em hư lốp xe giữa đường đèo nhưng không đủ tiền sửa. Ông Dạng sửa xong cho nợ, còn bà Vang cho mượn 100.000 đồng phòng thân đi đường. Lúc rảnh rỗi hai sinh viên này lại lên đây chơi, vừa bưng phụ bán nước cho bà Vang vừa luyện nói tiếng Anh với những khách Tây. Niềm vui của vợ chồng bà Vang – ông Dạng khi làm việc nghĩa là những cuộc “trả ơn” như thế.

Từ khi hầm đường bộ Hải Vân đi vào sử dụng, bất trắc với tài xế trên cung đường này đã giảm đi rất nhiều. Tai nạn xe lớn giảm, nhưng tai nạn xe nhỏ (xe máy) lại tăng do có nhiều thanh niên thích phượt trên cung đường này. Những vụ va chạm hay té xuống đường vẫn diễn ra không ít trên đường đèo, do đó tủ thuốc của ông bà cũng liên tục phát huy tác dụng. Câu cửa miệng của người buôn bán trên đèo khi thấy tai nạn va quẹt là “Xuống quán bà Vang xin thuốc”.

Thấy vợ chồng bà Vang hoạt động tích cực, ba năm trước Hạt kiểm lâm Liên Chiểu nhận ông Dạng vào đội cơ động phòng chống cháy rừng. Công việc này cũng từng khiến ông suýt chết, khi bom phát nổ lúc ông và hai người có mặt đầu tiên tại hiện trường đám cháy. Dù đôi khi sợ rơi nước mắt, nhưng hai người đã tâm niệm “sống nhờ đèo thì nên trả ơn đèo”.

“Làm việc nghĩa không kể chi”

Gắn bó với công việc bán hàng rong cùng bà Vang mấy chục năm trên đỉnh đèo, bà Nguyễn Thị Thu nói không nhớ bao nhiêu lần bà Vang vẫy xe gọi cứu người. “Chị Bê (tên thường gọi của bà Vang) lúc nào cũng hăng hái. Bao nhiêu đợt máu người bị nạn ra đẫm áo mà cũng không biết sợ” – bà Thu nói.

Theo bà Thu, những tài xế đi đường dài thông thường rất ngại việc đưa người gặp tai nạn lên xe mình, phần vì sợ trễ chuyến, phần vì yếu tố tâm linh. Nhưng hễ bà Vang ra gọi xe là tài xế đều dừng xe đưa người tới bệnh viện.

 

TRƯỜNG TRUNG