23/11/2024

ĐTC Phanxicô: Thiên Chúa thực hiện điều kỳ diệu từ sự chia sẻ, dù ít ỏi, nhưng sẵn lòng của chúng ta

ĐTC Phanxicô: Thiên Chúa thực hiện điều kỳ diệu từ sự chia sẻ, dù ít ỏi, nhưng sẵn lòng của chúng ta

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 25/7/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích “lôgic của sự nhỏ bé và sự cho đi” và cách Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta hãy quảng đại cho đi để giúp đỡ anh chị em của mình. Cho đi và chia sẻ “làm tăng tình yêu thương và để Thiên Chúa thực hiện những điều kỳ diệu”.

Dù không chủ sự Thánh lễ Ngày Thế giới Ông bà và Người cao niên hôm Chúa Nhật 25/7/2021, nhưng vào lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ Dinh Tông Toà để đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ngắn, nhắc lại 5 chiếc bánh và 2 con cá mà cậu bé đã vui lòng chia sẻ để từ đó Chúa hoá ra nhiều nuôi sống 5.000 người. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Thiên Chúa có thể làm được mọi sự từ sự ít ỏi mà chúng ta sẵn lòng dâng cho Người. Phép lạ chính là sự chia sẻ để Thiên Chúa làm nên điều kỳ diệu.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng trong phụng vụ Chúa Nhật hôm nay thuật lại phép lạ nổi tiếng về việc hóa bánh và cá ra nhiều, trong đó Chúa Giêsu cho khoảng 5.000 người đến nghe Người ăn no đầy (x. Ga 6,1-15). Thật là thú vị khi thấy phép lạ này diễn ra như thế nào: Chúa Giêsu không tạo ra bánh và cá từ con số không, nhưng Chúa làm từ những gì các môn đệ mang đến cho Người. Một người trong số họ nói: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” (câu 9). Nó ít ỏi, nó không là gì, nhưng nó đủ cho Chúa Giêsu.

Chúa có thể làm được rất nhiều từ những thứ ít ỏi chúng ta sẵn lòng dâng cho Người

Bây giờ chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của cậu bé đó. Các môn đệ yêu cầu cậu chia sẻ mọi thứ cậu có để ăn. Đó dường như là một đề xuất không hợp lý. Tại sao lại lấy đi những gì một người, thực tế là một đứa trẻ, đã mang theo từ nhà và có quyền giữ cho riêng mình? Tại sao lại lấy của một người những thứ không đủ để nuôi tất cả mọi người? Về mặt con người, nó là phi logic, là vô lý. Nhưng đối với Chúa thì không. Ngược lại, nhờ món quà nhỏ bé được sẵn lòng cho đi và do đó là một món quà anh hùng, Chúa Giêsu có thể nuôi sống mọi người. Đây là một bài học quan trọng cho chúng ta. Nó cho chúng ta biết rằng Chúa có thể làm được rất nhiều điều với những thứ ít ỏi mà chúng ta sẵn lòng đưa ra theo ý của Người. Sẽ rất tốt nếu mỗi ngày bạn tự hỏi: “Hôm nay tôi mang gì đến cho Chúa Giêsu?” Người có thể làm được nhiều điều bằng một trong những lời cầu nguyện của chúng ta, bằng một cử chỉ bác ái đối với người khác, ngay cả bằng một trong những đau khổ của chúng ta phó thác cho lòng thương xót của Người. Đây là cách Thiên Chúa thích làm: Người làm những điều lớn lao, bắt đầu từ những việc nhỏ, được sẵn lòng trao tặng.

Luận lý của sự nhỏ bé và cho đi

Tất cả các nhân vật vĩ đại của Kinh Thánh – từ Abraham, đến Đức Mẹ Maria, cho đến cậu bé hôm nay – đều cho thấy logic, luận lý của sự nhỏ bé và cho đi. Logic của việc cho đi rất khác so với logic của chúng ta. Chúng ta cố gắng tích lũy và gia tăng những gì chúng ta có, nhưng Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta cho đi, giảm bớt đi. Chúng ta thích thêm, thích được thêm; Chúa Giêsu thích trừ bớt, lấy đi một thứ gì đó để cho người khác. Chúng ta muốn nhân lên cho chính mình; Chúa Giêsu đánh giá cao điều đó khi chúng ta chia sẻ với người khác, khi chúng ta chia sẻ. Điều thú vị là trong các trình thuật về việc hoá bánh trong các sách Phúc âm, động từ “nhân lên” không bao giờ xuất hiện. Ngược lại, các động từ được sử dụng có nghĩa ngược lại: “bẻ ra”, “cho”, “phân phát” (x. câu 11; Mt 14,19; Mc 6,41; Lc 9,16). Chúa Giêsu nói, phép lạ thực sự không phải là sự nhân lên, tạo ra sự hư không và quyền lực, nhưng là sự chia sẻ làm tăng tình yêu thương và để Thiên Chúa thực hiện những điều kỳ diệu.

Chúa mời gọi hãy cho những gì ít ỏi bạn có

Ngày nay cũng vậy, sự gia tăng hàng hóa không thể giải quyết vấn đề nếu không có sự chia sẻ công bằng. Bi kịch của nạn đói xuất hiện trong tâm trí, đặc biệt là ảnh hưởng đến những trẻ nhỏ. Người ta tính rằng mỗi ngày trên thế giới có khoảng 7.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết do suy dinh dưỡng. Trước những bi kịch như thế này, Chúa Giêsu cũng ngỏ lời mời gọi chúng ta, một lời mời tương tự như lời mời mà cậu bé có lẽ đã nhận được trong Phúc Âm, người không có tên và là người mà trong đó tất cả chúng ta có thể nhìn thấy chính mình: “Hãy can đảm, hãy cho những gì ít ỏi bạn có, tài năng và của cải của bạn, hãy tặng cho Chúa Giêsu và cho anh chị em của bạn. Đừng sợ, không có gì sẽ bị mất cả, vì nếu bạn chia sẻ, Chúa sẽ nhân lên gấp bội. Hãy bỏ đi sự khiêm tốn giả tạo khi cảm thấy mình không xứng, hãy tin tưởng vào bản thân. Hãy tin vào tình yêu, vào sức mạnh của sự phục vụ, vào sức mạnh của sự nhưng không.”

Xin Đức Trinh Nữ Maria, người đã thưa “vâng” trước lời đề nghị bất ngờ của Thiên Chúa, giúp chúng ta mở lòng đón nhận những lời mời gọi của Chúa và với nhu cầu của người khác.

Hồng Thuỷ