24/11/2024

Lá phổi xanh Amazon đang thải nhiều CO2 hơn hấp thụ

Lá phổi xanh Amazon đang thải nhiều CO2 hơn hấp thụ

Các nhà khoa học lần đầu tiên khẳng định rừng nhiệt đới Amazon hiện đang thải ra nhiều carbon dioxide (CO2) hơn mức nó có thể hấp thụ, với lượng khí thải lên tới hơn một tỉ tấn mỗi năm.
Đám cháy tại rừng Amazon /// AFP
Đám cháy tại rừng Amazon AFP
Khu rừng khổng lồ Amazon từng là một “bể chứa” CO2, nhưng giờ đây nó lại đang thải ra nhiều khí CO2 làm đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu, theo một nghiên cứu được công bố gần đây trên chuyên san khoa học Nature.
Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia ở Brazil đã sử dụng các máy bay nhỏ để đo mức độ CO2 ở độ cao 4.500 m trong vòng một thập niên qua, từ đó cho thấy toàn bộ khu rừng Amazon đang thay đổi như thế nào, theo The Guardian.
Nghiên cứu cho thấy hầu hết lượng khí thải từ rừng Amazon là do cháy rừng, trong đó nhiều đám cháy là do người dân đốt rừng để lấy đất cho chăn nuôi bò và trồng đậu nành. Các đám cháy tạo ra khoảng 1,5 tỉ tấn CO2 mỗi năm và khu rừng chỉ loại bỏ được 0,5 tỉ tấn, phần còn lại tồn tại trong bầu khí quyển.
Tuy nhiên, ngay cả khi không có cháy rừng thì nhiệt độ cao và hạn hán cũng đã biến khu vực đông nam của rừng Amazon thành một nguồn thải CO2 thay vì hấp thụ nó.
Trước đó, một nghiên cứu công bố vào tháng 4 cũng cho thấy trong một thập niên qua, rừng Amazon thải ra khí quyển một lượng CO2 nhiều hơn gần 20% so với lượng mà nó hấp thụ.
Các nhà khoa học cho biết việc này rất có thể là kết quả của nạn phá rừng và cháy rừng hàng năm, khiến cho các vùng rừng quanh khu vực bị hủy hoại dễ bị tổn thương hơn vào năm tiếp theo.
Lá phổi xanh Amazon đang thải nhiều CO2 hơn hấp thụ - ảnh 1

Đám cháy Bootleg Fire hoành hành khắp trung tâm bang Oregon ở bờ Tây nước Mỹ hôm 13.7 REUTERS

Theo đó, cây cối là yếu tố chính giúp tạo ra mưa cho khu rừng, vì vậy ít cây cối hơn đồng nghĩa với các đợt hạn hán và sóng nhiệt khắc nghiệt hơn, cũng như khiến nhiều cây cối chết đi và xảy ra cháy nhiều hơn. Những điều này lại khiến cho mùa khô trở nên càng tồi tệ hơn đối với các khu vực rừng còn lại.
Bà Luciana Gatti, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu, cho biết: “Chúng ta đang có một vòng lặp rất tiêu cực khiến cho ngày càng dễ xảy ra các đám cháy rừng mất kiểm soát”.
Theo các nhà khoa học, việc khả năng hấp thụ CO2 của rừng Amazon giảm đi là một lời cảnh báo rõ ràng rằng việc cắt giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch là cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở bờ Tây nước Mỹ khi 16.000 lính cứu hỏa đang phải chiến đấu với những đợt cháy rừng kinh hoàng đã nhấn chìm khoảng 400.000 hecta đất đai trong biển lửa. Nguyên nhân là do khu vực này đang phải gánh chịu hạn hán dữ dội và những đợt nắng nóng chết người được khuếch đại lên do biến đổi khí hậu.
ĐỨC THƯỜNG
TNO