Người mắc COVID-19 có thể phát bệnh nặng hơn vì ô nhiễm không khí
Người mắc COVID-19 có thể phát bệnh nặng hơn vì ô nhiễm không khí
Một số nghiên cứu mới chỉ ra rằng ô nhiễm không khí có thể khiến tình trạng của bệnh nhân COVID-19 nghiêm trọng hơn.
Nghiên cứu mới được thực hiện tại một trong những thành phố ô nhiễm nhất nước Mỹ cho thấy không khí ô nhiễm góp phần khiến tình trạng của người mắc COVID-19 nghiêm trọng hơn.
Theo Hãng tin Reuters ngày 13-7, nghiên cứu trên do các bác sĩ của Bệnh viện Henry Ford thuộc thành phố Detroit, bang Michigan, Mỹ thực hiện.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 2.038 người trưởng thành nhập viện vì COVID-19 tại Detroit. Họ phát hiện những người cần chăm sóc đặc biệt và dùng máy trợ thở phần lớn đến từ các khu dân cư có mức ô nhiễm không khí cao và sử dụng sơn tường có chứa chì.
Tình trạng ô nhiễm không khí tại địa phương càng nghiêm trọng, khả năng bệnh nhân COVID-19 cần chăm sóc đặc biệt và phải dùng máy thở càng cao.
Bác sĩ Anita Shallal của Bệnh viện Henry Ford cho biết việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong thời gian dài có thể gây suy giảm hệ miễn dịch, khiến hệ miễn dịch giảm khả năng phản ứng với sự xâm nhập của virus.
Các hạt bụi nhỏ trong bầu không khí ô nhiễm cũng có thể trở thành vật bám cho virus và giúp chúng lây lan.
Biến thể Beta nguy hiểm hơn virus corona gốc
Tạp chí khoa học The Lancet Global Health ngày 9-7 đã công bố báo cáo chỉ ra rằng biến thể Beta của SARS-CoV-2, lần đầu được phát hiện ở Nam Phi, có khả năng nguy hiểm hơn so với virus gốc.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Truyền nhiễm quốc gia ở thành phố Johannesburg (Nam Phi) đã theo dõi hơn 1,5 triệu bệnh nhân COVID-19 để cho ra đời báo cáo trên.
Họ phát hiện những người bệnh bị nhiễm virus trong đợt bùng dịch thứ 2 do biến thể Beta chiếm ưu thế có nhiều khả năng phải nhập viện hơn những người bị nhiễm trong đợt đầu tiên. Ngoài ra, bệnh nhân COVID-19 nhập viện trong đợt thứ hai có nguy cơ tử vong cao hơn tới 31%.
Dù vậy, nghiên cứu này không ghi nhận cụ thể biến thể từng bệnh nhân mắc phải. Vì thế, tiến sĩ Waasila Jassat, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết họ chỉ có thể sử dụng đợt sóng thứ nhất và thứ hai để làm so sánh.
“Chúng tôi hy vọng có thể lặp lại nghiên cứu này, so sánh đợt bùng dịch thứ ba ở Nam Phi với hai đợt đầu tiên, để cố gắng tìm hiểu liệu làn sóng Delta có liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn hay không”, bà Jassat cho biết.