Các Giám mục Châu Âu khẳng định con người không có quyền phá thai
Uỷ ban Hội đồng Giám mục của Liên minh Châu Âu (COMECE) lo ngại và lấy làm tiếc trước một loạt tuyên bố trong dự thảo “Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu về tình trạng sức khoẻ và các quyền về sinh sản và tình dục ở Châu Âu”, liên quan đến phụ nữ, đồng thời khẳng định con người không có quyền phá thai.
Sáng thứ Năm 17/6, Uỷ ban Hội đồng Giám mục của Liên minh Châu Âu đã đưa ra một tuyên bố, trong đó yêu cầu các Hội đồng Giám mục Châu Âu liên hệ với các nghị sĩ Châu Âu của các quốc gia thành viên, kêu gọi họ phải có “trách nhiệm” về cuộc bỏ phiếu trong hội nghị toàn thể, dự kiến sẽ thực hiện trong ngày 23/6 tới.
Các Giám mục viết: “Chúng tôi đánh giá tích cực sự quan tâm bảo vệ sức khoẻ và quyền của phụ nữ. Nhưng chúng tôi cũng rất lo ngại về một loạt các tuyên bố và lập luận có trong dự thảo của nghị quyết đang được đề cập.”
Các Giám mục nhấn mạnh đến 3 điểm cần lưu ý trong Nghị quyết: Đầu tiên là “quan điểm đơn phương, cụ thể là vấn đề phá thai”. Các Giám mục phản đối cách hiểu của nghị quyết, cho rằng phá thai là một “dịch vụ y tế thiết yếu, mọi người đều có quyền”. Theo các vị chủ chăn, can thiệp y tế ở mức này không thể và không được trở thành một việc làm bình thường. Bởi vì, “về mặt đạo đức, việc phân loại này không thể chấp nhận được”.
Các Giám mục nói: “Là một Giáo hội, chúng tôi xác tín rằng sự sống của con người bắt đầu ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, có nhân phẩm và một quyền độc lập cần phải được bảo vệ. Vì vậy, phá thai không thể trở thành một phương tiện kế hoạch hoá gia đình hoặc là một phần của việc chăm sóc sức khoẻ thông thường. Em bé chưa được sinh ra có một sự sống độc lập được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và do đó có quyền sống của con người… Tuy nhiên, trong dự thảo nghị quyết, các nhà lập pháp trình bày dịch vụ y tế phá thai là một quyền của con người, và do đó yêu cầu các quốc gia thành viên tôn trọng nghĩa vụ của họ theo các hiệp ước quốc tế về nhân quyền. Nhưng ở đây không phải như vậy. Không có nhân quyền quốc tế, hoặc các hiệp ước quốc tế khác quy định một nhân quyền phá thai nói chung và nghĩa vụ tương ứng của các quốc gia.”
Sau khi nói đến điểm thứ hai liên quan đến việc Nghị quyết phủ nhận quyền tự do phản đối theo lương tâm, các Giám mục nói đến điểm thứ ba, về thẩm quyền lập pháp của các quốc gia thành viên trong lĩnh vực sức khoẻ tập thể và các quyền tình dục và sinh sản. Các Giám mục cho rằng dự thảo Nghị quyết nêu quan điểm này về nguyên tắc nhưng trong lập luận không thực hiện công bằng với tiền đề này.